Tháng Chín, khi gần cả châu Âu đã vào thu thì tại Corfu, mùa hè rực rỡ đang còn ngự trị. Hòn đảo đẹp nhất quần đảo Ionian của đất nước Hy Lạp vẫn được tô điểm bằng những gam màu xanh biếc: màu xanh trong của bầu trời Địa Trung Hải, màu xanh ngọc của biển Adriatic, màu xanh bàng bạc của bạt ngàn rừng olive cổ thụ.
Hòn đảo thanh nhàn
Corfu nhiều cây xanh bậc nhất Hy Lạp. Từ tháng Mười đến tháng Tư hằng năm, đảo được những đợt mưa liên miên tưới tắm. Đâu đâu cũng thấy mảng màu xanh mướt của olive, thông, cọ… Mùa hè, chen giữa màu xanh ấy là đủ sắc màu các loại hoa vùng Địa Trung Hải và miền nhiệt đới như hoa giấy, trúc đào, lan tiêu, dâm bụt, bìm bìm, ngũ sắc và hàng chục loài hoa chẳng mấy du khách biết tên. Có vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thương và quân sự, lịch sử Corfu chứng kiến hàng trăm cuộc chiếm đóng trong hơn 2.500 năm qua. Chính vì vậy mà hòn đảo nổi tiếng đẹp của Hy Lạp lại chẳng có vẻ gì là thuộc về… Hy Lạp!
Sau 500 năm thống trị Corfu, người Venice (Ý) đã để lại đây nhiều dấu ấn đậm nét. Đầu tiên là những rừng olive cổ thụ. Chính người Venice đã mang đến olive – thứ quả hiện đang là vàng đen của đảo. Chỉ có ở Corfu, người ta mới có thể chiêm ngưỡng các khu rừng olive cây lớn và gân guốc đến ngoạn mục. Ngoài “vàng đen”, Corfu cũng nổi tiếng với loài cây kim quất có trái hình dáng giống trái nhót. Trái này xuất xứ từ Trung Quốc, được người Anh mang đến đây vào thế kỷ XIX. Kim quất làm rượu, mứt, bánh kẹo… các đặc sản thơm ngon của đảo Corfu mà du khách đến đây không thể bỏ qua.
Còn dấu ấn Venice trong kiến trúc Corfu thì chúng tôi được gặp trên từng bước chân, ở các pháo đài, quảng trường, trên mặt tiền các ngôi nhà, những hàng lan can, trong họa tiết trang trí trên cửa ra vào, những viền cửa sổ… Xen giữa đó, thỉnh thoảng người ta sẽ gặp nét thanh lịch trang nhã của kiến trúc Pháp, điển hình nhất là quảng trường Liston ở thủ phủ của đảo, hay gần gũi hơn là những cánh cửa chớp bằng gỗ màu xanh lục, y hệt như trên những ngôi nhà ở một góc phố Hà Nội. Nếu có điều gì đó “mang tính Hy Lạp” ở Corfu, thì chỉ có lối sống của người dân đảo. Người Corfu sống chậm, hưởng thụ cuộc sống, không thích làm việc nhiều. Vào mùa hè, dân đảo nghỉ trưa từ 2 giờ đến 6 giờ, kể cả công chức và người bán hàng. Người Corfu còn tin rằng khi trời mưa thì không nên làm việc gì cả. Mà từ tháng Mười đến tháng Tư, mưa thường kéo dài vài ngày trong tuần. Vào tháng Giêng, olive chín và rụng xuống những tấm lưới giăng sẵn phía dưới, rồi được nước mưa rửa sạch luôn, người thu hoạch gần như chẳng phải cực nhọc gì!
Dù rộng chưa đầy 600 cây số vuông, Corfu thường xuyên nằm trong danh sách mười hòn đảo đẹp nhất của châu Âu. Ở đây, du khách lạc lối trong những con ngõ phố nhỏ đầy ngóc ngách, rối tung như mê cung của khu phố cổ Campiello. Thủ phủ Corfu còn có pháo đài cổ kiểu Venice kiến trúc đặc sắc (bên trong nay là bảo tàng Byzantine), có nhà thờ thánh Spyridon ở ngay chính trung tâm, quảng trường Liston thanh lịch với hàng dãy các tiệm ăn, tiệm cà phê đầy phong cách, có quảng trường Esplanada là nơi tập trung các hoạt động văn hóa của thành phố. Chúng tôi trải qua gần cả ngày ở mũi Kanóni, nơi có ngôi nhà thờ nhỏ Ipapanti với tháp chuông kiểu Venice mà hình ảnh xuất hiện trên tất cả các quyển sách hướng dẫn du lịch về Corfu. Hiện nay, sân bay của đảo nằm sát Kanóni. Đi dạo ở đây, du khách sẽ luôn gặp máy bay lên xuống bay… ngang trên đầu. Kanóni làm say lòng bao nhiêu thế hệ vì phong cảnh tuyệt vời, nhất là khi đứng trong tu viện cổ Vlacherna nhìn ra những hòn đảo nhỏ rải rác ven bờ. Tu viện bao phủ toàn bộ diện tích của một hòn đảo. Để tới được đảo này, du khách phải đi bộ dọc theo cầu cảng hẹp dẫn từ bờ biển đến bậc thềm tu viện. Vlacherna được xây toàn bằng đá trắng nên vô cùng nổi bật trên nền màu xanh thẳm của biển trời Corfu.
Những vịnh biển thần tiên
Vùng vịnh Palaiokastritsa luôn là nơi thu hút nhiều du khách nhất đảo. Ở đây, giá cả cũng đắt đỏ nhất. Làn nước biển xanh trong suốt, những tảng đá, ngọn núi, hang động nên thơ rải rác ven bờ, những vịnh nhỏ hình cánh cung duyên dáng, tất cả khiến cho phong cảnh Palaiokastritsa có sức quyến rũ mê hồn. Du khách đổ xô đến Palaiokastritsa bất chấp bờ biển chỉ là bãi sỏi hẹp, họ nằm phơi nắng chen chúc la liệt như cá mòi. Dường như cái náo nhiệt và chật chội không khiến họ phiền lòng vì bù lại, họ có thể ngắm cảnh biển thần tiên, đi thuyền thăm thú các hang động, tham gia các môn thể thao dưới nước. Vịnh biển này có một sắc xanh thật khó diễn tả bằng lời. Có lẽ đó là màu xanh của đại dương sâu thẳm và nguyên sơ, trong vắt và thanh cao. Là màu xanh kỳ ảo của thiên đường, của thần thánh Hy Lạp.
Palaiokastritsa đẹp nhất khi nhìn từ trên núi. Muốn đi xe ở đây, du khách phải biết cài số lùi thành thạo như số tiến, do đường thường chỉ rộng vừa một thân xe. Nếu hai xe ngược chiều gặp nhau, một xe sẽ phải lùi một quãng khá dài mới tìm được chỗ để hai xe có thể đi qua. Làng Lakones có những đoạn đường chỉ vừa đúng một thân xe buýt, hai bên là nhà dân. Hằng năm, các công ty du lịch phải trả tiền cho cư dân ở đây để họ… không mở cửa sổ vào mùa hè, cho xe buýt đi qua! Những đoạn đường này tuyệt đối cấm xe con và người đi bộ. Khi mới đến đảo, trên đường về khách sạn, có những đoạn chúng tôi cứ tưởng mình đang đi trên đường một chiều vì không gặp các xe đi ngược, lại còn thắc mắc sao không có lề đường dành cho người đi bộ, nếu phải đẩy xe nôi thì biết làm sao? Về sau mới thấy những đoạn đường ấy còn rộng rãi chán, và “lề đường” thì quả là một điều quá xa xỉ ở Corfu!
Từ bến tàu, chúng tôi mất 30 phút vượt những cánh rừng xanh tươi, qua vùng núi cao hùng vĩ ôm ấp vịnh Palaiokastritsa và qua cả những bãi biển đẹp như mơ để đến tu viện Đức Trinh Nữ Maria. Khi xe bus tới lưng chừng chân núi, mọi người đi bộ lên chốn hành hương. Cung đường lên núi đẹp kỳ vĩ nhờ nhìn ra biển cả, núi đồi và những rừng cây cổ thụ. Tu viện được xây từ năm 1226, quy mô hơi khiêm tốn nhưng được chăm sóc chu đáo từng chậu hoa cho tới từng bụi cây. Dân chúng địa phương và khách du lịch thập phương tấp nập tới đây để cầu nguyện, cũng để ngắm phong cảnh tuyệt vời của vùng núi tĩnh lặng. Nhà thờ tu viện vẫn mở cửa hằng ngày, các tu sĩ vẫn đều đặn đọc kinh cầu nguyện, cử hành nghi lễ cho dân chúng.
Đoàn chúng tôi đến đúng lúc diễn ra nghi lễ cầu nguyện, vị linh mục Chính thống giáo trong trang phục long trọng đang làm lễ giữa đèn nến nghi ngút. Cách đó mấy bước chân, bảo tàng viện của tu viện – nơi chứa một kho tàng các biểu tượng hình ảnh thánh, các sách Phúc Âm cổ, áo lễ, chén lễ, các di tích lịch sử cũng thu hút nhiều du khách. Thì ra ngoài cảnh đẹp và chốn vui chơi, ở Corfu người ta còn tìm thấy nhiều điều thú vị khác nữa!
Xem thêm: