Làng Đồng Kỵ (Đồng Quang – Từ Sơn – Bắc Ninh) nổi tiếng với một ngày hội là Hội rước Pháo vào ngày mùng 4 Tết âm lịch hàng năm. Ý nghĩa nguyên thủy của tục thi pháo, rước pháo và đốt pháo ở Đồng Kỵ là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Từ xa xưa, tín ngưỡng nông nghiệp cổ đã tôn thờ bốn vị thần mưa, gió, sấm, chớp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện). Dân gian tương truyền nếu bốn vị này “hài lòng” thì mưa gió nhuần thấm đất đai, cây cối sinh sôi nảy nở, vật nuôi béo tốt, sinh sản đàn đàn. Chính vì thế, từ xưa đến tận bây giờ, cứ đầu năm là người dân Đồng Kỵ lại tổ chức thi pháo, rước pháo để duy trì tín ngưỡng và cầu cho thời tiết mưa thuận gió hòa.
Quả pháo mỗi năm được làm mới. Tuy nhiên, kích thước vẫn dài 3m, đường kính 60cm, được trang trí rực rỡ với hình tứ linh: long-lân-quy-phụng. Hai quả pháo lễ được rước từ một gia đình làm ăn khấm khá nhất trong làng về đến đình. Trên đường đi, dân làng bày cỗ, đốt vàng mã… đón pháo qua. Khi pháo đã vào đến đình lớn, các vị chức sắc trong làng làm lễ tế pháo. Sau đó các trai làng rước bốn Quan đám (cả bốn người đều phải cùng 51 tuổi) tượng trưng cho các vị thần mưa, gió, sấm, chớp ra sân đình múa lễ cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa.
- Xem thêm: Triều Khúc, ngôi làng của xứ tơ lụa xưa
Những năm sau này, do không được đốt pháo nên dân làng Đồng Kỵ chỉ thực hiện lễ rước pháo ra đình và múa pháo chứ không thi… đốt nữa. Đúng sáng mùng 4 Tết , dân làng Đồng Kỵ và khách thập phương nô nức tề tựu về, để cầu cho một năm mới mùa màng tốt tươi.
Hai cỗ pháo rước từ nhà ông Lê Văn Bàn – Trưởng ban Khánh tiết của làng trong không khí tưng bừng rộn rã và quang cảnh rực rỡ mùa Xuân đã được người dân “dự đoán”: năm nay thời tiết đẹp, lễ rước pháo, múa pháo diễn ra suôn sẻ nên sẽ là “năm đại lộc, đại phúc” cho làng Đồng Kỵ và cho khắp mọi miền đất nước Việt Nam…