“Star of India” – một trong những phiên bản Rolls Royce Phantom độc nhất với màu nhuỵ hoa Nghệ Tây – Saffron độc đáo đã có một hành trình đầy cảm hứng, tìm về hội tụ với gia tộc chủ nhân sau gần 50 năm chu du khắp thế giới.
Phantom trong di sản Rolls Royce
Mọi chuyện bắt đầu năm 1907 khi chiếc Rolls Royce đầu tiên vốn là Silver Ghost gây tiếng vang với vị thế “chiếc xe tốt nhất thế giới” đã vô hình chung tạo sức ép cho dòng kế nhiệm. Liệu rằng phiên bản Rolls Royce tiếp theo có tiếp tục thoả mãn được kỳ vọng? Liệu Rolls Royce sẽ tồn tại ở sân chơi này lâu dài hay chỉ toả sáng một lần duy nhất?
Dưới áp lực đó, Phantom I đã được phát triển trong bí mật với tên mã dự án “Eastern Amoured Car” – tạm dịch “Xe bọc thép phương Đông”, được trang bị khối động cơ 6 xy lanh thẳng hàng, dịch chuyển ở mức 7.7L, nâng cấp trang bị van đẩy trên cao, khác với van bên được sử dụng trên Silver Ghost trước đó. Toát lên sự thanh lịch, phần thân của Phantom được đặt hàng các nhà thiết kế nổi tiếng như Zagato, Barker, Thrupp & Maberly, Mulliner, Park Ward hay Hooper phát triển tuỳ vào sở thích của chủ nhân. Hệ thống treo bao gồm lò xo bán ê-lip ở phía trước và lò xo Cantilever ở phía sau, cùng với hệ thống phanh bốn bánh. Uy quyền, riêng tư và tôn vinh cá nhân hoá, giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật, Phantom sớm trở thành lựa chọn cho những dịp giao tế trọng đại của các yếu nhân. Chính sự thành công của Phantom là dấu ấn lịch sử, kế tiếp Ghost đưa Rolls Royce tới định vị đặc biệt suốt trăm năm qua.
Phantom II ra mắt vào năm 1929 với khung gầm mới hoàn toàn giúp vận hành êm ái hơn nữa. Huyền thoại Charlie Chaplin khi đó vừa sở hữu Silver Ghost năm 1924 đã bổ sung thêm chiếc xe Phantom II vào bộ sưu tập của mình. Phantom III là thế hệ duy nhất dùng tới 12 xy-lanh lúc bấy giờ và cũng là thế hệ cuối cùng được sản xuất trước khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu và Rolls-Royce đã tạm dừng sản xuất ô tô để tập trung vào sản xuất động cơ máy bay. Vào năm 1950, Phantom IV ra đời, được trang bị động cơ 8 xi lanh thẳng hàng nó hoạt động tuyệt vời ở tốc độ thấp – điều kiện tiên quyết cho các cuộc diễu hành nghi lễ – và có phiên bản cúi chào của Spirit of Ecstasy nổi tiếng.
Từ năm 1959 và 1968, Phantom V là mẫu saloon cỡ lớn, 4 cửa được sản xuất và có đến 16 tác phẩm cực kỳ thành công này đã được thực hiện cho một nhóm khách hàng lừng danh và chiết trung, trong đó có Nữ hoàng Anh, thống đốc của Hồng Kông, Vua Olav của Na Uy, John Lennon và Elvis Presley. Phiên bản Phantom VI được yêu thích rộng rãi bởi các ngôi sao nhạc Pop và Hoàng Gia: Elton John thích chúng đến mức anh ấy sở hữu đến hai chiếc, và đó là chiếc xe được chọn từ The Royal Mews đã đưa Nữ công tước xứ Cambridge và cha cô đến dự đám cưới của cô tại Tu viện Westminster vào tháng 4 năm 2011.
Phantom VII là chiếc Rolls-Royce đầu tiên được sản xuất tại Goodwood. Đây là phiên bản có nhiều trang bị thú vị như biểu tượng Spirit of Ecstasy có thể giấu dưới nắp capo hay ô che mưa/nắng bố trí ở cánh cửa xe. Phantom VIII là thế hệ đương đại, ra mắt vào năm 2017, tại một triển lãm đặc biệt mà Rolls Royce tổ chức tại Bonhams, Mayfair – London. Tại buổi ra mắt, từ thế hệ Phantom I của Fred Astaire đến các phiên bản thuộc bộ sưu tập của Hoàng Gia hay người nổi tiếng, đã cùng tái xuất để chào mừng Phantom VIII.
Phản ánh chuyển động trong thẩm mĩ, Phantom VIII với diện mạo đặc trưng di sản Rolls Royce, nắp capo dài, khoang hành khách sâu và rộng, trần sao Starline Headliner, cửa mở ngược Coach-door trứ danh, lưới tản nhiệt Pantheon đặc trưng lần đầu được tích hợp vào thân xe, tính năng “private suite’ sử dụng vách ngăn cách âm giữa khoang lái và khoang khách phía sau để tạo không gian riêng tư đi cùng với “The Gallery” – nơi chủ nhân có thể trưng bày một tác phẩm nghệ thuật tâm đắc ngay cả trên những hành trình quan trọng.
Phantom “Star of India” – Vì sao của Ấn Độ
Một trong những tác phẩm uỷ quyền nổi tiếng nhất của Rolls Royce, phải kể tới Phantom II – Star of India – Vì sao của Ấn Độ. Ngay từ những ngày đầu hình thành thương hiệu, các hoàng thân Maharajahs của Ấn Độ đã luôn có ấn tượng sâu sắc với những chiếc xe Rolls-Royce với vẻ ngoài uy quyền & cuốn hút. Tuy nhiên, đối với đức vua Dharmendrasinhji Lakhajiraj của vùng Rajkot, chiếc Rolls Royce Silver Ghost Open-Drive Landaulet năm 1909 thừa hưởng từ Vua cha vẫn nên có thêm người bạn đồng hành trong bộ sưu tập. Và thế là vào năm 1934, Rolls-Royce và xưởng độ Coach-build trứ danh của Anh Quốc Thrupp & Maberly đã tạo nên một chiếc Phantom theo yêu cầu & sở thích của nhà Vua, và đó là sự ra đời của chiếc Rolls-Royce trứ danh độc nhất vô nhị “Star of India” – được đặt theo viên sapphire 563 carrat hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York.
Điều đặc biệt của “Star of India” là ở màu sơn của phiên bản này. Chiếc xe được khoác lên mình màu sơn nhuỵ hoa nghệ tây, tượng trưng cho sự tinh khiết, thiêng liêng trong tín ngưỡng Ấn Độ, trong khi nắp ca-pô và cánh được để lại bằng nhôm đánh bóng. Phần nội thất của xe được bọc da màu Thổ Hoàng và phần bảng điều khiển (dashboard) được ốp cẩm thạch với hoạ tiết màu nghệ tây. Chiếc xe còn được trang bị công nghệ tiên tiến nhất lúc bấy giờ với đèn xe có thể liếc theo góc lái và hai đèn hiệu nhỏ màu cam chớp nháy để báo hiệu tránh đường cho xe của hoàng gia. Trên mỗi cánh cửa, mui xe và cửa kính bên hông được khắc huy hiệu của xứ Rajkot, một trong những bang độc lập trước đây của Ấn Độ. Trên mỗi phù hiệu là một châm ngôn bằng tiếng Phạn mang nghĩa “Chỉ có ai mang lại hạnh phúc và phúc lợi cho người dân mới chính là ông chủ đích thực của dân.” Mặt sau của hàng ghế trước có được thiết kế hình bán nguyệt bằng ngà voi và đá quý sẫm màu cùng với hai đầu voi nhỏ được trạm khắc bằng ngà được đặt chính giữa ghế.
Dù được chế tác từ năm 1934 nhưng mãi sau hơn một phần tư thế kỷ, giới mộ điệu mới bắt đầu biết đến sự tồn tại độc đáo của chiếc Star of India. Năm 1965, nhà sưu tập người Anh Bill Meredith-Owens trong một phiêu lưu ở Rajkot đã phát hiện ra chiếc Star of India tại đây và điều đặc biệt là chiếc xe chỉ mới lăn bánh chưa được 30,000 km trong suốt gần 30 năm tồn tại. Ngay lập tức, chiếc xe đã được đưa vào đám phán để đưa về Vương Quốc Anh, và phải tốn hơn 3 năm để có thể hoàn tất các thủ tục giấy tờ liên quan. Và đúng như những gì ông Bill Meredith-Owens dự đoán, chiếc xe đã trở thành một siêu sao lúc bấy giờ, thu hút hàng vạn giới mộ điệu đến với bảo tàng của ông tại Stratford-upon-Avon, Warwickshire chỉ để được chiêm ngưỡng độc bản Phantom “Star of India”. Đến năm 1970, chiếc xe đã được xưởng độ Wood & Pickett đại trùng tu để chuẩn bị cho sự tham dự cuộc diễn hành Rolls Royce vĩ đại được diễn ra tại lâu đài Windsor nhân dịp kỷ niệm 25 nhiệm kỳ của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.
Vào đầu những năm 2000s, chiếc ‘Star of India’ nay thuộc quyền sở hữu của Hans-Günter Zach – nhà sưu tập Rolls-Royce nổi tiếng lúc bấy giờ, đã tham gia triển lãm xe cổ trứ danh Techno Classica Essen tại Đức & ngay sau đó trở về Vương Quốc Anh để dẫn đầu cho sự kiện kỷ niệm 50 năm nhiệm kỳ của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Tuy nhiên vào năm 2001, một sự cố hy hữu đã xảy ra với chiếc xe khiến động cơ bị bốc cháy và ảnh hưởng lớn đến thân trước & nội thất của chiếc xe. Các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm với tay nghề hàng đầu trong ngành xe đã được triệu tập để phục hồi chiếc xe về tình trạng hoàn hảo nhất mặc cho chi phí khổng lồ. Các chuyên gia đã không phụ lòng ngài Zach, chiếc xe đã được trở về tình trạng ban đầu như chưa có gì xảy ra và kịp tham gia cả hai sự kiện lớn lúc bấy giờ. Chiếc xe đã gây ấn tượng lớn với giới mộ điệu nên cũng không bất ngờ khi chiếc xe được trao giải thưởng “Chiếc xe đẹp nhất” tại European Concours d’Elegance năm 2002 tại Schwetzingen, Đức, và nhận được giải thưởng tương tự tại Tulln, Áo vào tháng 6 năm 2004.
Trong thời gian Zach sở hữu, Star of India đã đưa đón những người đáng chú ý như Roland Koch, quyền bộ trưởng kiêm chủ tịch Hesse, Đức, và các ngôi sao opera Günter Wewel và Johannes Kalpers. Năm 2003, Star of India xuất hiện trên chương trình phát sóng đặc biệt của ARD, một kênh truyền hình quốc gia Đức. Tại sự kiện này, ông Zach đã lái xe đưa Johannes Heesters, nam diễn viên lớn tuổi nhất thế giới lên sân khấu để mừng sinh nhật lần thứ 100 của ông. Tổng cộng, Phantom II Star of India đã có 24 lần xuất hiện trên truyền hình chỉ riêng ở Đức, 200 phóng sự báo chí và tạp chí và chiếu tại vô số sự kiện xe cổ, bao gồm năm Techno Classicas và nhiều sự kiện Concours, bao gồm cả Villa d’Este. Như vậy, chiếc xe đã gắn liền với những báo cáo khổng lồ, các mẩu tin và những bài báo chỉ để nói về sự nổi tiếng của độc bản này.
Năm 2010, chiếc xe được rao bán với giá 8 triệu bảng Anh tại một buổi đấu giá ở Monaco và đã được mua lại bởi Thakor – cháu trai của chủ nhân đầu tiên của chiếc xe vua Shri Dharmendrasinhji và đem nó trở về chính quê hương mà chiếc xe thuộc về, là món quà mang đậm tính di sản mà ông dành tặng cho ông ngoại của mình nhân dịp sinh nhật 75 tuổi.
Màu hoa Nghệ Tây trong văn hoá Ấn Độ và phương Đông
Nhuỵ hoa Nghệ Tây – Saffron có một sắc vàng – cam – đỏ đặc biệt, từ thời Ai Cập cổ đại đã được coi là loài thuốc quý. Cho đến ngày nay, Saffron vẫn là thứ gia vị/ món ăn/ bài thuốc đắt đỏ trên thế giới. Mùa hoa Nghệ Tây nở chỉ kéo dài khoảng 3 tuần, mỗi bông hoa chỉ có vỏn vẹn 3 sợi nhuỵ. Chi phí nhuỵ hoa đắt đỏ một phần là phí nhân công, bởi mỗi người phải làm việc liên tục tới 19 giờ một ngày, thu hoạch cỡ 75,000 bông hoa hoàn toàn bằng tay, tương đương khoảng 225,000 nhuỵ hoa sau đó được sấy khô để tạo khoảng 1 pound thành phẩm. Saffron có hương thơm đặc biệt và màu sắc khó nhầm lẫn, dù xuất sứ từ Châu Á nhưng được săn đón bởi cả giới thượng lưu Ả Rập, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Châu Âu. Có những giai đoạn khan hiếm, giá Saffron còn cao hơn cả vàng, ngày nay vẫn là loài gia vị đắt giá nhất thế giới.
Quay trở lại với màu sắc, nhuỵ hoa Saffron cũng là một thuốc nhuộm màu vải tuyệt vời, cho ra những tấm vải có sắc vàng cam đỏ đặc biệt, sớm xuất hiện trong văn hoá Ấn Độ từ thời xa xưa. Không lâu sau khi Đức Phật qua đời, những hậu duệ của ông đã chọn màu saffron làm màu áo chính thống của tôn giáo mà ông truyền bá. Cũng từ đó, màu saffron được hoàng gia Ấn Độ yêu thích và theo đạo Phật lan toả đến các nền văn hoá khác. Trong đạo Hindu, các vị thần và các nhà sư cũng khoác áo màu Saffron để hướng tới sự thuần khiết và xua đi cái xấu, đó cũng là biểu tượng của trí tuệ và ánh sáng. Còn trong khoa học, sự tươi sáng của màu sắc đặc biệt này giúp những người xung quanh cảm thấy bình an và hạnh phúc, có lẽ phần nào do gốc gác sâu xa của màu sắc này trong văn hoá và tôn giáo lớn của thế giới. Trong thiên nhiên, bình minh hay hoàng hôn cũng được liên tưởng và gọi là màu Saffron, hay khoảnh khắc của tái sinh.
Sau kết tinh văn hoá và lịch sử, màu Saffron quan trọng tới mức trở thành một trong ba màu hiển thị trên quốc kì của Ấn Độ, tượng trưng cho sự dũng cảm và đức hi sinh. Đối với các bậc trị vì, màu Saffron nhắc nhở họ sự gắn kết với văn hoá dân tộc, vai trò cũng như nghĩa vụ của họ đối với vận mệnh và sự thịnh vượng của đất nước Ấn Độ. Điều này lý giải cho quyết định của đức Vua Dharmendrasinhji Lakhajiraj của vùng Rajkot khi uỷ quyền cho Rolls Royce phát triển chiếc Phantom II từ màu nhuỵ hoa Nghệ Tây. Chiếc xe không chỉ là phương tiện nghi thức cho thấy sự hiện diện của nhà Vua mà còn là tác phẩm tôn vinh văn hoá quốc gia. Cùng với sự lan toả của tôn giáo, màu nhuỵ hoa Nghệ Tây đã trở thành biểu tượng dễ nhận thấy trên toàn thế giới. Chính vì thế, tác phẩm Rolls Royce Star of India lại càng được yêu mến qua năm tháng tại mỗi bảo tàng hay sự kiện mà chiếc xe xuất hiện, mang hình ảnh của tinh thần thiện lành, hạnh phúc và thuần khiết.
Rolls-Royce Phantom VIII Extended “The Star of India”
Sau những chuyến phiêu lưu thăng trầm khắp Châu Âu & trở về quê nhà Rajkot, Star of India vẫn là tâm điểm mời gọi của những sự kiện dành cho những chiếc xe cổ trứ danh trên toàn cầu.
Điển hình như tại sự kiện Pebble Beach Concours d’Elegance năm 2012, một chiếc Rolls-Royce Phantom 1934 40/50 HP Continental màu cam nghệ tây đã bất ngờ xuất hiện tại đây và thu hút sự chú ý của tất cả mọi người tham gia sự kiện lúc bấy giờ, và không thể nhầm lẫn đó chính là chiếc “Star of India” trứ danh.
Và cũng ngay tại sự kiện này, Rolls-Royce đã phác thảo concept một chiếc “Star of India” thế hệ mới, dựa trên những đặc điểm nổi bật từ chiếc Phantom II 1934 và tái hiện nó trên dòng Phantom VIII để tri ân cho danh tiếng & sự xuất chúng của chiếc xe.
Chiếc Rolls-Royce Phantom VIII Extended “The Star of India” sở hữu ngoại thất màu Saffron Orche cam nghệ tây kết hợp cùng nội thất bọc da màu thổ hoàng Tan và Dark Spice – cả hai màu Rolls-Royce sử dụng dành cho ngoại thất và nội thất đều được thừa hưởng từ chiếc “Star Of India” nguyên mẫu.
Đặc biệt hơn, các chuyên gia tại Goodwood đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong quá trình tái hiện lại màu sắc của chiếc ‘Star of India’ huyền thoại, khiến cho vào những thời điểm khác nhau trong ngày, dưới những góc độ ánh nắng mặt trời và góc nhìn khác nhau, màu sắc ở lớp sơn xe cũng sẽ có sự biến đổi, tôn vinh những nét khác biệt chính của một tác phẩm thẩm mỹ đương đại. Có thể nói, đây là những gam màu bespoke thật sự khác biệt. Giống như quy trình thu hoạch nghệ tây (saffron) đòi hỏi sự kiên nhẫn tột độ, phần sơn ở mỗi chiếc xe chiếc Rolls-Royce cũng được hoàn thiện thủ công một cách tỉ mỉ, mất nhiều giờ liền để đạt được độ bóng nhẵn hoàn hảo như phím đàn piano.
Các nhà thiết kế tại Goodwood đã chia sẻ rằng, khi họ đến Rajkot để nghiên cứu cho việc phát triển chiếc ‘Star of India’, những chòm sao hùng vỹ rực rỡ trên bầu trời Rajkot về đêm đã làm choáng ngợp những nghệ nhân của hãng xe đến từ Anh Quốc, và chính điều đó đã thôi thúc khiến họ đem đến cho chiếc Rolls-Royce Phantom VIII Extended “The Star of India” một trần sao Starline Headliner lớn nhất từ trước đến nay ở bất kỳ chiếc Rolls-Royce nào. Đó là một dấu ấn đặc biệt để gợi nhớ về nguồn gốc xuất phát của chiếc xe trứ danh ‘Star of India’ huyền thoại – xứ Rajkot & sự tri ân dành cho đức vua Dharmendrasinhji Lakhajiraj.
Thiết kế của khoang nội thất cũng được láy cảm hứng từ chất cam nghệ tây, nắp ca-pô tương phản và bảng điều khiển bằng gỗ cẩm thạch với keo nghệ tây đã thách thức Rolls-Royce tạo ra một phiên bản trục cơ sở mở rộng Phantom mới, tôn vinh những nét khác biệt chính của ban đầu trong một thẩm mỹ đương đại.
Các chi tiết ốp gỗ được chọn lựa kỹ càng từ những ván gỗ sồi nhẹ, thớ rộng đã được xử lý tinh tế với sáu lớp sơn mài và đánh bóng để hoàn thiện bề mặt trước khi được sử dụng để tạo mặt ốp trang trí cho bảng điều khiển bằng đá cẩm thạch của Phantom. Các chi tiết này còn được sử dụng cho toàn bộ các vị trí ốp gỗ trên chiếc Phantom, tạo ra một không giang nội thất ấm cúng dành cho hành khách.
Cuối cùng, tất cả 26 tấm da được chọn lọc tỉ mỉ qua hàng chục công đoạn dành cho khoang nội thất được sử dụng để tạo ra không gian bên trong đều có màu sắc phù hợp với chỗ ngồi màu rám nắng của chiếc ‘Star of India’ năm 1934. Các đường khâu màu nâu sẫm và thảm len cừu được chỉ định để tạo ra sự tương phản nổi bật lấy cảm hứng từ các đường màu đã ra mắt tại các buổi trình diễn thời trang có ảnh hưởng nhất cùng hàng tựa tay cố định điều chỉnh điện, có chức năng massage tích hợp bệ đỡ bàn chân và tủ lạnh chứa champagne và whiskey, kết hợp cùng kính tối màu tạo nên một khoảng không gian riêng tư ,thư giãn và đầy tiện ích, bất kể là những chuyến đi chơi, những chuyến đi công việc hay kể cả những chuyến đi thường ngày.