Dù đang trở thành điểm đến du lịch ngày càng phổ biến của châu Á, Nhật Bản vẫn còn những thành phố, thị trấn nhỏ ẩn chứa nhiều điều mới mẻ với du khách nước ngoài. Đến xứ sở Mặt trời mọc khi mùa lá đỏ đã hết – mùa hoa anh đào chưa tới, chúng tôi vẫn được nhìn ngắm những vẻ đẹp thật khó quên.
Atami, phố nhỏ mùa hoa mận
Từ trung tâm Tokyo, chúng tôi lên tàu siêu tốc Shinkansen và chỉ mất 30 phút là đến thành phố Atami. Vừa ra khỏi ga, đã thấy điểm onsen ngâm chân nước nóng miễn phí cho du khách. Atami nổi tiếng với các dịch vụ thư giãn, chăm sóc sức khỏe kiểu Nhật cổ truyền nhưng chúng tôi đến thành phố này còn vì yêu thích vẻ đẹp tĩnh lặng và mùa hoa mận mới bắt đầu.
Atami thuộc tỉnh Shizuoka, cách Tokyo 100km về phía tây nam. Thành phố được tự nhiên ban tặng rất nhiều mạch nước khoáng ngầm, mạch nước nóng phun lên từ lòng đất. Nơi đây cũng trồng nhiều loại cây truyền thống của Nhật Bản như anh đào và mận. Hoa mận ở đây nở sớm nhất xứ Mặt trời mọc, trong khi các nơi khác tuyết trắng còn bao phủ thì Atami đã bừng lên sức sống bởi những chùm hoa mận tươi màu bung nở trên đường phố.
Dưới tán hoa xinh đẹp, đền chùa cổ và những ngôi nhà xưa bằng gỗ màu nâu trở nên thơ mộng lạ lùng. Nhà ở Atami đặc trưng cho phong cách Nhật. Mỗi phòng đều có thể trở thành phòng ăn, bếp, phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ. Người trong nhà ngồi bệt dưới sàn, cùng ăn tối và uống trà. Ngăn cách mỗi phòng là một chiếc fusuma – cửa kéo bằng giấy bồi hoặc gỗ, di chuyển được. Mỗi khi cần làm việc riêng, người ta lại tháo chiếc fusuma ra và lắp vào chốt cửa khác, dễ dàng tạo ra những không gian riêng biệt từ các hốc tường trong nhà. Những ngôi nhà ở Atami đều xây dựng trong khu vườn nhiều cây cối, theo phong cách thiền định từ thời kỳ Showar, mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu.
Atami không lớn lắm, phố thị tập trung dọc theo biển. Tọa lạc ở những vị trí đẹp nhất trên con đường chạy sát biển đều là khách sạn onsen (khách sạn có suối nước nóng tự nhiên chảy qua, khách tắm bao nhiêu lần, bao nhiêu lâu cũng được). Chúng tôi đặt phòng ở một khách sạn onsen bao gồm các dịch vụ: onsen, buffet hải sản buổi tối, xông hơi đá nóng, trò điện tử, phòng karaoke dành cho hai người, bộ đồ yukata đi xông hơi và guốc gỗ. Tiền thuê khách sạn một ngày là 7.800 yen + thuế/người (khoảng 1.700.000 đồng).
Có hai lựa chọn tắm suối khoáng cho du khách tới Atami. Với những ai không ngại ngùng khi phải cởi đồ lộ thiên thì những suối khoáng ngoài trời hay trong rừng với làn nước ấm áp giàu khoáng chất là lựa chọn thích hợp nhất. Những du khách e thẹn hơn có thể lựa chọn các onsen trong khách sạn hay nhà tắm công cộng kiểu truyền thống Nhật Bản có rất nhiều ở Atami.
Thời gian hoạt động của khu onsen khác nhau tùy khu vực. Nơi mở cửa sớm nhất là từ 8 giờ, nơi đóng cửa muộn nhất là 23 giờ. Ngày nghỉ định kỳ và giá vé cũng khác nhau giữa các khu vực, khoảng từ 700 yen đến 4.000 yen.
Đầu tháng 12 trời lạnh cắt da nhưng công viên Atami Ume vẫn đông khách dạo chơi. Công viên Ume khánh thành vào năm 1886 với điểm nhấn chính là gần 500 cây mận và cứ vào khoảng cuối tháng 11, hoa mận đã bắt đầu nở. Không giống như hoa anh đào, hoa mận thường có màu đậm, mộc mạc và cành cây cũng cứng cáp hơn hẳn. Đến sau Tết Dương lịch, khi hoa mận phủ kín các tán cây bởi những sắc hồng đậm nhạt mơn mởn, lễ hội với các hoạt động văn hóa cổ truyền và nhiều hoạt động vui chơi cũng được tổ chức.
Chúng tôi đặc biệt thích tiết mục ngâm chân ở bồn nước nóng trong lễ hội. Các cô gái Nhật xinh đẹp ngồi cùng vui vẻ kể cho du khách nhiều điều mới lạ về đời sống địa phương. Trong suốt tuần hội hè, tại Ume sẽ có những buổi biểu diễn geisha, đàn koto, hay mời khách nếm thử rượu mận miễn phí. Dưới tán hoa mận rực rỡ màu sắc hồng, đỏ, trắng, được đắm mình vào không gian lung linh và cảm nhận mùa xuân đang về tại Atami thật thú vị và đáng nhớ!
Trượt tuyết trên đỉnh Madarao
Rời Atami, chúng tôi đến Liyama-Sen – vùng núi cách Tokyo 3 giờ ngồi tàu. Đằng kia, ngay trước bóng dáng của những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa là những ngôi nhà gỗ sơn đủ màu đỏ, tím, vàng, xanh… Giữa màu trắng bạt ngàn của tuyết và sương mờ, những ngôi nhà đầy màu sắc càng trở nên nổi bật, nhìn chúng như mấy món đồ chơi cũ kỹ nhỏ xinh của đứa bé tinh nghịch nào đó để vương vãi.
Cập bến Liyama-Sen, bước ra khỏi toa tàu dưới cái lạnh -6oC và không gian xung quanh phủ đầy băng tuyết, chúng tôi đứng đợi xe khách sạn đến chở đoàn về điểm nghỉ ngơi ở ngay dưới chân ngọn Madarao – điểm đến chính của chuyến đi này. Xe luồn lách qua những khúc cua uốn éo và dốc ngược, hai bên đường chỉ toàn cây khô và tuyết. Chúng tôi ở trong một hostel gần khu trượt tuyết. Phía dưới là con đường nhựa còn lấm lem vệt tuyết do xe chuyên chở để lại, xa xa là một ngọn núi có đỉnh trắng xóa bị phủ trong sương mờ đẹp đến ngỡ ngàng.
Madarao là một ngọn núi tuyết cao 1.382m nằm ở phía bắc tỉnh Nagano Nhật Bản. Quanh Madarao có 15 cáp treo xuất phát từ 28 khu trượt tuyết. Giá vé vào cửa cho một người lớn là 5.000 yen/ngày, trẻ em là 3.000 yen/ngày. Ngoài ra còn có vé bán theo giờ. Hôm đó chúng tôi mua vé theo giờ (4 tiếng). Du khách thuê đồ và thay đồ trượt tuyết ở bên trong phòng với giá thuê từ 2.500-5.000 yen tùy từng cửa hàng.
Sau khi mặc đồ xong thì mọi người vác ván trượt ra ngoài, xếp hàng để lên cáp treo. Cáp treo sẽ đưa du khách lên các chóp núi, tùy từng điểm lên và tùy độ khó mà khách sẽ được trượt ở các địa hình và độ cao khác nhau. Du khách có thể thử lần lượt từng địa hình để khám phá dần khả năng của mình.
Trước khi đến đây, tôi đã tưởng tượng ra rất nhiều viễn cảnh hấp dẫn khi tự mình đặt chân trên chiếc ván trượt và lướt từng nhịp như bay trên sườn núi tuyết, nhưng sự thật là… tôi đã phải mất nguyên một ngày mà không lĩnh hội nổi kỹ thuật trượt tuyết trên ván trượt đơn. Núi thì dốc và những cú ngã cứ liên tục diễn ra, có đôi khi phải lộn đến bốn năm vòng rồi mới đáp nổi, lúc thì thả ván trượt, để mặc cho cả người trôi tuột theo con dốc chỉ mong xuống càng nhanh càng tốt.
Quả là không dễ chút nào! May sao, buổi sáng của ngày thứ hai, sau khi lấy lại sức, tôi đã bắt đầu nắm vững những quy tắc điều khiển chân trong ván trượt, lúc ấy mới cảm thấy bình tĩnh và dần dần thành thạo hơn, đến buổi trưa dù còn chưa tập nhuần nhuyễn cho lắm tôi đã có thể trượt đều từ trên đỉnh cao nhất xuống dưới khu tập trung.