Giá trị thương hiệu là một khái niệm không còn xa lạ gì với chúng ta ngày nay và sự trung thành đối với thương hiệu là điều tiên quyết cho sự thành công mà mọi công ty đều cố gắng tạo ra và nuôi dưỡng.
Thương hiệu là tất cả trong kinh doanh mà câu chuyện thành công của Reuge, nhà phát minh đồng thời là nhà sản xuất hộp nhạc xa xỉ số một là một minh chứng rõ ràng. Logo của Reuge không chỉ là một tác phẩm graphic design tuyệt đẹp đơn thuần. Nó thay cho lời tuyên bốchung về đẳng cấp, sự tận hưởng đầy thi vị và dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt hảo!
Sản phẩm của Reuge – những hộp nhạc tinh xảo – mang giá trị không những không hề mất đi mà còn tăng lên gấp bội theo thời gian. Trong khi ngân nga theo giai điệu phát ra từ hộp nhạc, hãy cùng tìm hiểu thêm về những câu chuyện thú vị nằm sau chiếc logo Reuge quý phái.
Vào năm 1865, tại ngôi làng Sainte-Croix (lúc đó còn chưa là “thủ đô” của thế giới hộp nhạc) Charles Reuge đã đi vào lịch sử với chiếc đồng hồ – hộp nhạc đầu tiên của nhân loại.Với thế hệ trẻ ngày nay thậm chí nó được coi là “cụ tổ” của chiếc iPod Nano.
Singing Birds – Những chú chim cơ khí biết hót
Charles Reuge đã đặt một cylinder (thời đó giai điệu của một bản nhạc được “ghi” lên một chiếc ống hình trụ gọi là cylinder – trụ âm nhạc) vào trong chiếc đồng hồ bỏ túi của ông và luôn mang theo bên mình. Sau đó, đến người con của ông là Albert tiếp tục tiến một bước xa hơn bằng cách cho cylinder và lược nốt nhạc vào những đồ vật nhỏ nhất như hộp quẹt. Nhưng thực sự, chính Guido Reuge mới là người tạo nên triều đại âm nhạc cơ khí cho Reuge.Ông đã củng cố thêm sức mạnh cho thương hiệu và tạo nên sự khác biệt trong âm nhạc của mình. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, cặp “Singing Birds” những chú chim (cơ khí) biết hót của Guido với những âm thanh diệu kỳ là niềm mê hoặc đồng thời gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới.
Hơn cả một thương hiệu lớn!
Nhà vua William II của Wurttemberg (Đức, 1848-1921) là một người đặc biệt yêu thích âm nhạc. Ông thích lái xe và chẳng bao giờ đi đâu mà không có hộp nhạc Reuge trên xe. Chính điều này về sau đã trở thành lý do để Reuge kết hợp với Maybach – hãng sản xuất ra những chiếc xe siêu cao cấp chạy êm nhất thế giới – đặt những hộp nhạc Reverse trong khoang sau. Mối lương duyên giữa Reuge và hoàng gia vẫn luôn khăng khít. Trong đám cưới của thái tử Charles và công nương Diana, hộp nhạc Reuge chính là món quà mà đích thân Tổng thống Thụy Sĩ gửi đến cho đôi uyên ương.
Maybach muốn kết hợp với Reuge – đặt những hộp nhạc Reverse trong khoang sau
Còn tại Vatican, đầu năm 2002, Giáo hoàng John Paul II cũng được gửi tặng một hộp nhạc Reuge (AXA.72.8256.000). Người gửi cố tình giấu tên, bởi Reuge thường khiến người ta nghĩ đến những món đồ xa xỉ đi kèm với các mỹ từ như “siêu quà tặng” hay “quà tặng quốc gia” dành cho giới quý tộc, nguyên thủ quốc gia hay người nổi tiếng, giàu có hoàn toàn đúng nhưng chưa phản ánh hết sự thật.
Giáo hoàng John Paul II được gửi tặng một hộp nhạc Reuge – Dolce Vita
Trên thực tế, nhiều người lựa chọn Reuge làm quà tặng không phải vì chúng là đồ vật có giá trị cao mà họ bị chinh phục ngay lập tức bởi vẻ đẹp độc đáo bên ngoài hộp nhạc và âm thanh tinh túy mà chúng phát ra. Reuge đã đưa con người trở về với bản chất của âm thanh – những rung động cơ học đơn thuần và người tặng Đức Giáo hoàng có thể đơn giản cho rằng những nốt nhạc trong vắt của hộp nhạc Reuge có thể thay mình tỏ lòng tôn kính.
Reuge độc đáo bởi vẻ đẹp bên ngoài và âm thanh tinh túy mà chúng phát ra
Đó cũng có thể là lý do mà chính phủ Thụy Sĩ đã dùng Reuge như một báu vật quốc gia để trao tặng hoàng đế Nhật Bản. Hay khi nhà vua Thái Lan khi làm lễ kỷ niệm 50 năm tại vị của mình, đã đặt Reuge làm một hộp nhạc chơi bản nhạc ông tâm đắc nhất. Hộp nhạc với những rung động sâu lắng nhất của người sau đó đã được bán đấu giá cho mục đích từ thiện.
Từ một xưởng nhỏở thị trấn Sainte-Croix, những hộp nhạc cơ khí của Reuge đã bước ra thế giới và đại diện cho Thụy Sĩ ở tất cả những chốn quyền uy nhất. Reuge đã có chỗ đứng thực sự với tư cách là nhà sản xuất hộp nhạc cao cấp duy nhất trên thế giới.