Tháng 3-2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã danh chính ngôn thuận ra đời trong sự vui mừng của những người yêu quý ông. Dù muộn nhưng đây là một việc làm rất có ý nghĩa.
Sau gần 6 năm kể từ ngày GS-TS. Trần Văn Khê từ giã cõi tạm, mới đây quỹ học bổng mang tên ông đã chính thức được UBND TP.HCM cấp phép thành lập và hoạt động. Hai hoạt động chính của quỹ là trao giải thưởng cho các cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hoạt động âm nhạc truyền thống và trao học bổng cho học sinh – sinh viên học tập, nghiên cứu về âm nhạc truyền thống dân tộc.
Bà Nguyễn Thế Thanh, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trần Văn Khê cho biết lễ trao giải thưởng Trần Văn Khê lần thứ nhất sẽ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (24-7-2021). Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc. Riêng năm 2021 sẽ xét tặng giải cho các cá nhân hoạt động âm nhạc truyền thống Nam bộ.
Tại lễ trao giải thưởng sẽ có nhiều hoạt động tưởng niệm công đức của GS. Trần Văn Khê, ra mắt Ban sáng lập và Hội đồng quản lý Quỹ, tri ân các mạnh thường quân, biểu diễn nghệ thuật bởi các thế hệ học trò của GS. Trần Văn Khê. Ngoài ra, năm 2021 còn nhiều hoạt động khác như trao học bổng Trần Văn Khê (tháng 11), hội thảo “Trần Văn Khê với các giá trị truyền thống và đương đại” vào dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11.
100 năm ấy biết bao nhiêu tình
Trước khi mất (24-6-2015), GS. Trần Văn Khê đã để lại di nguyện, trong đó có việc thành lập quỹ học bổng để khuyến khích những học sinh, những nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.
Sau một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, từ năm 2019, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê (GS-TS. Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, ông Hồ Thủy Tinh, TS. Nguyễn Nhã, doanh nhân Lê Quốc Ân, ông Trần Bá Thùy, bà Lê Ngọc Hân) đã nhận được sự hợp tác tâm huyết và mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang. Nhà trường chịu trách nhiệm thành lập Quỹ Học bổng theo di nguyện của cố GS. Trần Văn Khê.
Sau 4 lần điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tháng 3-2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã danh chính ngôn thuận ra đời trong sự vui mừng của những người yêu quý ông. Dù muộn nhưng đây là một việc làm rất có ý nghĩa.
Trần Văn Khê trọn một đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy sâu rộng ra thế giới giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Từ đó, nhiều bộ môn văn hóa – nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của ông đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới như nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam bộ…
Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc hơn 60 năm, GS. Trần Văn Khê đã nhận được nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương Bội tinh hạng nhất của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (trước năm 1975), Giải thưởng âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993), Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng (1999), Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)…
Làm mọi việc cho người tri âm
Để chuẩn bị cho lễ trao Giải thưởng Trần Văn Khê lần thứ nhất, Ban tổ chức đã mời NSND Kim Cương tham gia Hội đồng chuyên môn và bà chấp nhận với sự xúc động sâu sắc. Gặp chúng tôi mới đây, bà ân cần góp ý về cách thức bầu chọn người tài để tôn vinh; bà nhắc nhở nên thông báo công khai, rộng rãi để tìm cho được những tài năng âm nhạc dân tộc đích thực. Bà nhấn mạnh nhiều lần: “Tôi luôn sẵn sàng làm mọi việc vì ông”.
Bà cho biết lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cũng đã đến thăm và thông báo cho bà về những hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. Trần Văn Khê, người con đã làm rạng danh đất nước, như chương trình giao lưu nghệ thuật tại Nhà hát Thành phố, lễ đặt tên đường, triển lãm hình ảnh và hiện vật về Trần Văn Khê tại Bảo tàng Thành phố… “Không xúc động, vui mừng sao được khi điều mình nghĩ, mình lo lắng đã có người thấu hiểu và chia sẻ. Với tôi, ông không bao giờ mất đi mà luôn sống mãi” – Bà trìu mến gọi ông là “anh Hai” và xem ông là thiên tài, là vĩ nhân vì “cái gì ông cũng biết, cũng giỏi, cũng tài. Không chỉ âm nhạc truyền thống cả ba miền Nam, Trung, Bắc mà chuyện gì ông nói cũng hay, cũng hấp dẫn”.
Những năm cuối đời, về Việt Nam sinh sống, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ở đâu mời đến giảng dạy, nói chuyện về âm nhạc truyền thống là ông đều đến và nói chuyện say mê. NSND Kim Cương kể có những sự kiện nhỏ, ít người tham gia, mọi người lo ngại cho sức khỏe của ông nên khuyên đừng đi. Song, ông nói chính vì mình còn ít thời gian nên càng muốn tranh thủ để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa của âm nhạc truyền thống. Vì vậy có những buổi nói chuyện chỉ với vài chục học sinh, ông cũng vui vẻ nhận lời.
Giữa chừng câu chuyện vui, NSND Kim Cương bỗng ngậm ngùi: “Tôi nhớ có lần hai anh em ăn cơm ở nhà hàng Majestic, rất đông người hâm mộ nhận ra chúng tôi nên xin chụp hình chung. Khung cảnh thật vui vẻ, náo nhiệt. Đến hơn 9 giờ tối, mọi người về hết, chỉ còn lại hai anh em với nỗi cô đơn của người nghệ sĩ. Thấy tôi có vẻ buồn, ông an ủi, mình sinh ra là để sống vì mọi người. Đến giờ tôi vẫn nhớ lời ông, sống cho mọi người”.
Ban sáng lập Quỹ Trần Văn Khê
+ Kỹ sư Bùi Quang Độ, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch Đại học Văn Lang
+ Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân
+ Doanh nhân Lê Quốc Ân
Hội đồng quản lý Quỹ Trần Văn Khê
+ Kỹ sư Bùi Quang Độ, Chủ tịch
+ Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Phó chủ tịch
+ Nhà báo Dương Trọng Dật, thành viên Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc Quỹ Trần Văn Khê; Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật và Truyền thông Đại học Văn Lang
+ Tiến sĩ nghệ thuật Mai Mỹ Duyên, thành viên
+ Ông Hoàng Sơn Điền, Giám đốc điều hành Đại học Văn Lang, thành viên
Mong một không gian mang tên Trần Văn Khê
Bà Nguyễn Thế Thanh kể: “GS. Trần Văn Khê từng bày tỏ với lãnh đạo Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa – Thể thao) về nguyện vọng sau khi ông mất thì toàn bộ sách vở, hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ông đem từ Pháp về sẽ thuộc công cộng, căn nhà ông ở tại 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) do Nhà nước bố trí là tài sản nhà nước sẽ trở thành nơi không chỉ thuần túy lưu niệm một con người, mà thực chất là nơi để tất cả những người yêu mến văn hóa dân tộc có thể lui tới trình diễn, học hỏi, trao đổi”.
Trân trọng ý kiến của ông, Sở đã phân công bà, khi ấy là phó giám đốc sở, làm việc với GS. Trần Văn Khê và lập biên bản ghi nhớ có chữ ký của hai bên. “Những người yêu mến Trần Văn Khê luôn mong mỏi sớm có không gian Trần Văn Khê tại nơi ông đã sống và hoạt động nghề nghiệp gần 10 năm cuối đời, để TP.HCM có thêm một địa chỉ văn hóa làm nơi gặp gỡ, nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam – một giá trị quý báu đã được quảng bá rộng rãi ra thế giới bởi đóng góp lớn lao của một danh nhân Việt Nam cả đời phụng sự cho văn hóa dân tộc. Đó cũng là một cách để làm giàu thêm di sản văn hóa Việt Nam”, bà Thế Thanh chia sẻ nhân dịp Quỹ Học bổng Trần Văn Khê ra mắt.