Chỉ với ‘Tây tiến’, ‘Đôi bờ’ và ‘Mắt người Sơn Tây’, Quang Dũng đã xác lập được vị thế Sơn thần của mình, mà lại là thần Tản Viên, đệ nhất trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt, trên cánh đồng thơ Việt Nam.
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu bởi ông sinh năm Tân Dậu, sau vì trùng tên với một người trong họ, nên đổi là Diệm. Ông quê ở làng Phượng Trì, tổng Đại Phùng, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).
Thuở nhỏ Quang Dũng học trường làng, sau theo cậu ra thành phố học, rồi vào trường Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, ông không làm giáo chức mà theo một gánh hát đánh đàn, kéo nhị, vẽ phông màn để được tự do đi đây đi đó. Ông mê nhân vật Dũng trong Đôi bạn của Nhất Linh và kẻ giang hồ “Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Vui nhìn thiên hạ đón xuân sang” của Thế Lữ. Bút danh Quang Dũng, hoặc đôi khi Trần Quang Dũng, là tên của nhân vật chính trong “Loan và Dũng và Tiêu sơn tráng sĩ” của Khái Hưng. Quang Dũng khát đi, khát hành động như vậy.
Năm 1942, ông từng ngao du lên Yên Bái, rồi qua Vân Nam (Trung Quốc) thực hiện ý tưởng tìm cách mạng không kể xu hướng nào. Ông mê cách mạng, thích làm cách mạng, trước hết để được đi, được thay đổi. Kháng chiến chống Pháp cho Quang Dũng những chuyến đi, không phải như những đám mây lãng du, mà đi để đền nợ núi sông. Và, quan trọng hơn nữa, để làm thơ.
Trước năm 1945, Quang Dũng đã làm thơ, tuy thơ ông lúc này còn chung một cuống nhau với Thơ mới. Vẫn những đề tài muôn thuở như Chiêu Quân (1937), Cố quận (1940); vẫn những chuyến đi như Giang hồ (1942); vẫn yêu tình yêu như Trở rét (1944), Suối tóc (1945)… Thơ vẫn là thơ truyền cảm, tư duy thơ liên tục, vần điệu.
Những năm đầu kháng chiến đã mở ra cho Quang Dũng một không khí sáng tạo mới. Lòng yêu nước bùng phát, cảm giác tự do thân thể và tinh thần, sự gặp gỡ những sắc dân mới, phong cảnh núi rừng vừa xa lạ, vừa thân quen. Tất cả là tiền đề cho những cảm hứng nghệ thuật mới. Văn Cao có Làng tôi, Ngày mùa, Trường ca sông Lô; Phạm Duy có Bà mẹ Gio Linh, Nương chiều, Bên cầu biên giới; Tô Hải có Nụ cười sơn cước; Trần Hoàn có Sơn nữ ca; Hoàng Giác có Quê hương, Ngày về. Tạ Tỵ tiếp tục vẽ tranh lập thể. Thơ lúc này có một bước đột phá lớn về phía chủ nghĩa hiện đại.
Thể loại thơ tự do xuất hiện với những thành tựu lớn: Đèo Cả của Hữu Loan, Nhớ máu của Hồng Nguyên, Tình sông núi của Trần Mai Ninh, đặc biệt Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em, Đêm Mít-tinh, Không nói, thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Tuy không có những cách tân hình thức nghệ thuật mạnh mẽ như các nhà thơ trên nhưng Quang Dũng cũng đã dần thoát khỏi Thơ mới, bước vào thơ hiện đại, mở đầu cho dòng thơ hiện đại – cổ điển mà sau này Phùng Cung, Tô Thùy Yên đẩy lên tới đỉnh cao.
Thành quả những năm tham gia chiến dịch và những chuyến lang thang trên khắp nẻo đường kháng chiến đã cho Quang Dũng ba tuyệt tác: Tây tiến (1948), Đôi bờ (1948) và Mắt người Sơn Tây (1949). Đỉnh cao nhất là Tây tiến. Bài thơ này đã làm nên Quang Dũng, gắn chặt với đời ông. Từ đây nói đến Quang Dũng là nói đến Tây tiến và ngược lại. Tây tiến được bộ đội truyền nhau chép tay, sau đó mới được in trên báo Quân Bạch Đằng (1948), rồi trên báo Văn nghệ Việt Bắc (1949).
Trước đây, người ta thường chỉ nghĩ bài thơ này ca ngợi tinh thần vượt qua gian khó, hy sinh của đoàn quân Tây tiến, nghĩa là phương diện cảnh tượng của cuộc chiến, mà chưa thấy được kinh nghiệm của cuộc chiến. Các anh bộ đội không chỉ phải chiến đấu với những gian nguy “ngoài mình” (núi rừng, quân địch), mà khó khăn hơn là cuộc đấu tranh giữa bản năng, phần “con” và lý trí, phần “người”. Cuộc chiến không chiến tuyến này được thi nhân hình tượng hóa bằng hai hình ảnh trái ngược nhau xuyên suốt bài thơ: đoàn quân Tây tiến thì tiến lên phía rừng núi, còn dòng sông Mã thì độc hành về xuôi. Chiều sâu nhân bản triết học của Tây tiến đã tạo nên sức hấp dẫn mà nhiều khi không biết hấp dẫn vì đâu.
Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây lại phản ánh một cạnh khía khác của văn nghệ những ngày đầu kháng chiến và tâm hồn Quang Dũng. Đó là con người cá nhân. Khi đất nước bị chia cắt thành vùng tề và vùng tự do, lấy con sông làm phòng tuyến, thì hai bờ trước đây là một, nay mỗi người một bờ mà ngóng trông nhau. Bài thơ có giọng bùi ngùi: Xa quá rồi em người mỗi ngả, Bên này đất nước nhớ thương nhau…
Cũng như Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Đôi bờ và Mắt người Sơn Tây có sức vang động sâu xa trong lòng những người kháng chiến bấy giờ. Và sau này những bài thơ ấy vượt qua cả con sông ý thức hệ, phổ biến ở miền Nam.
Tự do sáng tác, thậm chí cả tự do tư tưởng, của những năm đầu kháng chiến dần dần bị bó hẹp và cuối cùng bị cấm đoán. Năm 1948, Đại hội Văn hóa Toàn quốc lần thứ 2 do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì đã giải tán Văn hóa Cứu quốc và thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam nhằm xây dựng văn nghệ kháng chiến, đúng hơn văn nghệ để tuyên truyền cho kháng chiến. Năm 1949, ở hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc, thơ Nguyễn Đình Thi bị phê phán là có tính tiểu tư sản, xa lạ với quần chúng. Tuồng bị coi là tàn dư phong kiến, cải lương là con lai giữa phong kiến và tư sản, tranh sơn mài với màu sắc lòe loẹt không thể phản ánh được thực tế kháng chiến với các nhân vật công – nông – binh. Năm 1950, Đại hội Văn nghệ Việt Nam chính thức tuyên bố đi theo đường lối văn nghệ Diêm An, thực hiện đấu tranh giai cấp, ý thức hệ hóa và chính thống hóa tư tưởng vô sản.
Trong bối cảnh đó, phần lớn các tác phẩm văn nghệ hồi đầu kháng chiến đều bị phê phán, như Nụ cười sơn cước của Tô Hải, Sơn nữ ca của Trần Hoàn, Ngày về của Hoàng Giác, Bên cầu biên giới của Phạm Duy. Tranh lập thể của Tạ Tỵ được đem ra cho những người nông dân mù chữ xem để phê phán. Nguyễn Đình Thi phải sửa những bài thơ không vần thành có vần… Bài Tây tiến bị phê là miêu tả chiến tranh quá tiêu cực. Tác giả còn bị coi là luyến tiếc cuộc sống phồn hoa đô hội ở thành phố, đi kháng chiến mà vẫn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Các bài thơ Đôi bờ và Mắt người Sơn Tây bị coi là ủy mị, cá nhân chủ nghĩa.
Hòa bình lập lại, năm 1956, những văn nghệ sĩ kháng chiến cho rằng hòa bình thì có thể được tự do sáng tác, tự do tư tưởng, chí ít cũng như hồi đầu kháng Pháp. Họ tập hợp nhau ra tập san Giai phẩm và báo Nhân văn để đòi quyền của mình. Trong không khí đó, Quang Dũng cũng gửi một bài thơ vào Giai phẩm và một bài viết trên báo Văn Nghệ. Ông đề nghị: “Giải phóng cho thơ không gì bằng trả lại cho người làm thơ cái giá trị xứng đáng với các truyền thống cao quý mà họ đã mang trong máu họ”. Đây chính là cốt lõi của tư tưởng nhân văn: đòi quyền tự do sáng tác.
Trong phong trào đánh Nhân văn Giai phẩm, Quang Dũng bị lên án đã viết những bài thơ ủy mị, tiểu tư sản, thiếu/ yếu tính giai cấp. Vốn tính hiền lành, nhẫn nhịn, sau Nhân văn ông yên lặng sống, yên lặng viết…
Ông thường viết ký, và nếu có truyện ngắn thì cũng gần như ký, tức làm thơ bằng văn xuôi. Ông ca ngợi cảnh đẹp Rừng biển quê hương (tên tác phẩm thơ in chung với Trần Lê Văn), như Nhà đồi, Rừng về xuôi, Mùa quả cọ, Hội cánh kiến, Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì… Riêng về thơ, Quang Dũng viết ít, thường không đăng báo, bản thảo vương vãi khắp nơi trong sổ tay, trong trí nhớ bạn bè. Thơ ông trình bày cảm xúc khi gặp lại người xưa cảnh cũ, những địa danh thời kháng chiến chống Pháp, như Sông Hồng (1955), Đêm Bạch Hạc (1957), Gửi Sơn Tây (1966), Nhớ một bóng núi (1976), Lên sông Đà (1976)…
Thơ Quang Dũng thoạt xem có cảm tưởng chỉ là sự nối dài của Thơ mới. Vẫn những câu thơ 5 chữ hoặc 7 chữ đều đặn, được xếp thành khổ, giàu vần điệu, giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Tuy nhiên, đọc sâu Quang Dũng người ta thấy thơ ông có những chuyển động. Thực tế của Cách mạng tháng Tám và những ngày đầu kháng chiến đã khơi dậy và tác động mạnh mẽ vào cốt cách hào hiệp của Quang Dũng, vào khí chất Sơn Tây/xứ Đoài. Từ mảnh đất nhiều vỉa tầng khảo cổ học đến những con chữ khảo cổ học tri thức đã tạo cho thơ Quang Dũng một cái nhìn khảo cổ học tâm hồn. Cái nhìn xuyên thời gian này chỉ có được khi hồn người và hồn đất (nước) rung lên cơn địa chấn để dòng dung nham vô thức từ đáy thẳm phun trào lên.
Như vậy, chỉ với Tây tiến, Đôi bờ và Mắt người Sơn Tây, Quang Dũng đã xác lập được vị thế Sơn thần của mình, mà lại là thần Tản Viên, đệ nhất trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt, trên cánh đồng thơ Việt Nam. Đây là trường hợp thơ chỉ một bước từ Thơ mới vào thơ hiện đại, mà là hiện đại – cổ điển. Nó vượt qua sự lưỡng phân cũ/mới, truyền thống/hiện đại để đạt đến sự nhất nguyên của cái đẹp, một giá trị nằm ngoài thời gian.