Tại cuộc họp ngày 5-3, nhóm làm việc về chương trình chống doping trong quần vợt gồm đại diện ITF, ATP, WTA và các giải Grand Slam đã thống nhất ra quyết định trên. Theo đó, số lượt kiểm tra nước tiểu và máu, kể cả trong lẫn ngoài thi đấu, sẽ được tăng mạnh dưới sự giám sát của ITF.
Wayne Odesnik từng thọ án một năm cấm thi đấu do hành lý có chứa chất cấm HGH
Với quyết định trên, giới chức quần vợt đang đáp ứng yêu cầu của nhiều tay vợt hàng đầu, trong đó có Novak Djokovic, Roger Federer và Andy Murray, những người từng kêu gọi áp dụng hộ chiếu sinh học vốn đã được áp dụng trong đua xe đạp từ năm 2008, rồi sau đó đến lượt ba môn phối hợp, điền kinh, bơi lội, trượt tuyết và mới đây là bóng đá (tại World Cup 2014 ở Brazil). Nguyên tắc của hộ chiếu sinh học là nhằm giúp phát hiện doping bằng cách ghi nhận những ảnh hưởng đến cơ thể vận động viên thông qua nhiều chỉ số sinh học như thể tích hồng cầu hoặc hàm lượng huyết cầu. Các xét nghiệm sẽ cho phép lập ra hồ sơ của từng vận động viên và luôn được cập nhật. Trong trường hợp có những thay đổi bất thường về những chỉ số này, vận động viên có thể bị nghi ngờ doping.
“Đây là một bước quan trọng trong chương trình chống doping của quần vợt”, Chủ tịch ITF Francesco Ricci Bitti nói. Tuy số lượt xét nghiệm gia tăng đến mức nào không được tiết lộ, nhưng chắc chắn là kinh phí sẽ tăng đáng kể, trong đó có đóng góp của các giải Grand Slam. Ông Bill Babcock, Giám đốc Ủy ban các giải Grand Slam, cho rằng chương trình hộ chiếu sinh học “là cần thiết để đảm bảo rằng trong tương lai quần vợt vẫn là môn thể thao trong sạch”.
Quần vợt từng bị chỉ trích là xét nghiệm quá ít, đặc biệt là xét nghiệm máu. Trong năm 2011, ITF và WADA (Tổ chức thế giới phòng chống doping) chỉ tiến hành 21 xét nghiệm máu ngoài thi đấu nhằm phát hiện việc sử dụng các hormone tăng trưởng, EPO và các chất truyền máu khác. Năm 2012, trong 2.185 lần xét nghiệm doping, chỉ có 187 xét nghiệm qua đường máu. Tháng vừa rồi, ITF đã treo vợt sáu tháng Barbora Zahlavova Strycova, tay vợt nữ Cộng hòa Séc xếp hạng 124 thế giới sau kết quả xét nghiệm dương tính với chất kích thích sibutramine tại một giải vào tháng 10-2012. Cô này doping qua đường thực phẩm bổ sung và lập luận rằng không làm thế để nâng cao thành tích thi đấu. Trước đó, Wayne Odesnik, cựu tay vợt thuộc Top 100, bị ITF treo vợt trong năm 2010 sau khi hải quan Úc tìm thấy tám lọ có chứa chất cấm HGH trong hành lý của anh lúc làm thủ tục nhập cảnh để dự giải. Odesnik không thừa nhận sử dụng HGH và chưa hề bị xét nghiệm dương tính với chất này. Sau khi chịu hợp tác với chương trình chống doping, Odesnik được ITF giảm án treo vợt hai năm xuống còn một nửa thời gian. Eufemiano Fuentes, một bác sĩ người Tây Ban Nha từng ra tòa ở Madrid vì liên quan đến doping, cho biết ông có nhiều khách hàng là cua-rơ xe đạp, cầu thủ bóng đá, quyền Anh và cả quần vợt. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ danh tánh họ.
Phát biểu mới đây tại Los Angeles, cựu vô địch Pete Sampras cho rằng doping không là vấn đề lớn của quần vợt. “Tôi không tin rằng các tay vợt đủ ma mãnh trong chuyện này”, Sampras nói khi ám chỉ đến cách thức doping mà tay đua Lance Armstrong đã sử dụng để tránh bị phát hiện. “Đó không phải là văn hóa của quần vợt”.
Huỳnh Quang