Trong quản trị cộng đồng của chúng ta hiện thiếu tiên liệu các tình huống xấu và xấu nhất. Sự kiện vận hành chính thức tuyến tàu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vừa qua cho thấy cần có kế hoạch bài bản giáo dục người dân sử dụng phương tiện công cộng mới ngăn ngừa được “rủi ro đám đông”, nhất là trong hoành cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp.
Đêm 5-11-2021, một vụ dẫm đạp trong đám đông gây chết người thương tâm xảy ra tại Houstin, Hoa Kỳ. Tại lễ hội Astroworld chật kín vào tối thứ sáu, đám đông với khoảng 50.000 người bắt đầu ùn đẩy về phía gần sân khấu và dẫm đạp nhau khi rapper kiêm nhà tổ chức sự kiện dẫm đạp biểu diễn lúc 21h.
Đã có ít nhất tám người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương; những người chết có độ tuổi từ 14 đến 27.
Hai ngày sau (7-11), ở Hà Nội, vào ngày thứ 2 vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, rất đông người dân xếp hàng để chờ lên tàu trải nghiệm dự án đường sắt đô thị được mong ngóng suốt 13 năm dài. Việc người dân tập trung đông, không đảm bảo giãn cách khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 rất cao và đặc biệt là nguy cơ “rủi ro đám đông”. Mặc dù báo chí và nhà chức trách tập trung cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nhưng không có một cảnh báo nào về “rủi ro đám đông” này.
Nếu đã học về “quản trị rủi ro tại đám đông” (nói tắt là rủi ro đám đông), thì các nhà quản lý cần cẩn trọng khi áp dụng “miễn phí” đi tàu 15 ngày đầu. Sự phấn khích của công chúng, lẽ ra, phải được tiên lượng.
Tất cả các hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông đều được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn bên ngoài sảnh trước khi vào ga. Khi vào đây, mặc dù người dân đều đeo khẩu trang, nhưng khoảng cách theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế không được đảm bảo do quá đông đúc. Bên trong các toa tàu, hầu như không có chỗ đứng trống.
Tình trạng “không có chỗ đứng trống…” thường là nguyên nhân gây chen lấn giành chỗ và nguy cơ dẫm đạp (stampede) có thể xảy ra.
Paul Wertheimer, chuyên gia an ninh đám đông trong nhiều thập kỷ, gọi những gì diễn ra tại lễ hội gây chết 8 người ngày 5-11 tại Houston, Mỹ, là một tai họa của đám đông – một thảm kịch rất có thể phòng tránh được.
Ông nói: “Không gian đứng đó buộc mọi người trong một đám đông phải cạnh tranh với nhau để có được vị trí tốt nhất hoặc khu vực tốt nhất. Ai cũng muốn an toàn. Và đó là lúc nguy hiểm xảy ra”.
“Mặc dù, khi đó bạn chỉ cố gắng cứu lấy mạng sống của chính mình, nhưng rồi rơi vào hoảng sợ vì bị xô đẩy bởi người phía sau bạn và bạn chống lại những người phía trước bạn, bạn cảm thấy đang bị đè bẹp, cố gắng cứu lấy mạng sống của mình và mất kiểm soát”. Chuyên gia Paul Wertheimer cho rằng: Không gian mở dành cho người đứng – tại các đám đông – là hình thức tổ chức đám đông nguy hiểm và chết người nhất tại các sự kiện đông người. Và không gian đứng trên các phương tiện vận tải công cộng, như xe buýt, tàu điện ngầm, cũng nguy hiểm không kém.
Trở lại với dự án Metro Cát Linh-Hà Đông, báo Lao Động (7-11-2021) trích ý kiến ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), cho biết “lượng khách đi tàu đông hơn dự kiến ban đầu, nên ngay cả chỗ đứng cũng không còn”.
Theo ông Trường, lượng khách khai thác tập trung đông nhất ở hai điểm ga Cát Linh (chiếm 30,1%) và ga Yên Nghĩa (chiếm 20,2%). Trong vòng 15 ngày đầu, tuyến đường sắt mở cửa miễn phí để phục vụ tất cả người dân đến đi thử. Đặc biệt, trong 2 ngày 6 và 7-11, do trùng với ngày nghỉ cuối tuần nên lượng khách tăng hơn rất nhiều.
Cụ thể, chỉ trong ngày 6-11 đã có 109 lượt tàu chạy, chở 25.680 hành khách, đa phần hành khách đi khứ hồi để trải nghiệm tuyến đường sắt trên cao. Đến ngày 7-11 (chủ nhật), lượng khách tăng từ 20-25% so với ngày trước đó.
Lẽ ra chi tiết “cuối tuần” này phải được tiên lượng và có thể có giải pháp hạn chế số người đến trải nghiệm.
Nhìn hàng dài người dân xếp hàng cả trăm mét, không đảm bảo giãn cách trong thời điểm Hà Nội có nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng cũng khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch cao dù thực tế, hầu hết công chúng trải nghiệm đi tàu Metro Cát Linh-Hà Đông là người trẻ, khỏe và có đủ điều kiện “thẻ xanh” COVID-19.
Một kinh nghiệm đáng tham khảo là Đài Loan (Trung Quốc). Trước khi chính thức khai trương tuyến Metro, chính quyền dành hẳn 1 năm để giáo dục, tập dượt cho người dân thói quen đi tàu điện ngầm và ở giai đoạn đầu, họ bán vé giá cao để hạn chế người đi, sau đó mới hạ giá vé. Ngoài ra, có hẳn một gói tuyên truyền, giáo dục công chúng về thói quen mới này để bảo đảm công chúng có ý thức quản lý rủi ro đám đông.
Tới đây chúng ta sẽ khai trương tuyến Metro tại TP.HCM. Nếu không tiên liệu trước và có chương trình bài bản giáo dục công chúng về cách sử dụng phương tiện mới, thì nguy cơ “rủi ro đám đông” vẫn như lưỡi gươm Damocles lơ lửng trên đầu.
Thiết nghĩ, khi chúng ta chưa có chuyên ngành đào tạo về “quản trị rủi ro đám đông” thì rất nên mời chuyên gia nước ngoài đào tạo các chuyên gia Việt Nam và có kế hoạch bài bản giáo dục người dân sử dụng phương tiện công cộng mới có “rủi ro đám đông cao”. Chúng tôi muốn nhấn mạnh “giáo dục” bài bản, nghiêm túc… chứ không phải chỉ “tuyên truyền”.
Hiện nay phần lớn cách quản trị cộng đồng của chúng ta thiếu tiên liệu các tình huống xấu và xấu nhất (ví dụ: khi mở cửa sau giãn cách không tiên liệu làn sóng người đổ xô về các tỉnh thành…). Trong thời dịch bệnh, chỉ cần một tiếng kêu “có F0” trên tàu, đám đông có thể hoảng loạn, xô đẩy chạy trốn và thảm họa hoàn toàn có thể xảy ra… Do đó, chuẩn bị tình huống xấu và xấu nhất là việc phải làm.