Chuyến thăm bốn quốc gia Nam Mỹ vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo một lần nữa cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của người khổng lồ châu Á với tư cách là một thị trường xuất khẩu và nguồn đầu tư trực tiếp và tài chính cho khu vực. Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ với các nước này, đặc biệt là quan tâm đến một hiệp ước thương mại với các nước trong khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Tuy nhiên, một số nước Mercosur đã trở nên cảnh giác trước sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng giữa họ với Trung Quốc. Mặc dù hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mercosur nhưng các nhà sản xuất khu vực Mỹ Latin lại không vui mừng về triển vọng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc. Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Economist (Anh) cho rằng đây là điều thường thấy ở nhiều nơi trên thế giới và vấn đề này sẽ khiến cho nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới phức tạp hơn nhiều.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của toàn bộ khu vực Mỹ Latin, nhưng là đối tác thương mại lớn nhất củaBrazilvàChile. Theo số liệu của Trung Quốc, trong năm 2011, thương mại với khu vực này là 242 tỉ USD, tăng vọt lên 31,5% so với năm trước đó. Có đến 60% lượng hàng hóa của khu vực xuất khẩu sang Trung Quốc là tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó hầu hết các nước trong khu vực nhập khẩu từ Trung Quốc hàng hóa được chế biến hoặc sản xuất. Nhu cầu nhập khẩu cao của Trung Quốc đối với những mặt hàng này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của những nước xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưBrazil,PeruvàChile. Tuy nhiên, mặc dù gã khổng lồ châu Á đã nhập khẩu khá nhiều tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, nhưng dòng hàng hóa chảy từ phía Trung Quốc sang khu vực này còn tăng nhanh hơn trong những năm gần đây, đến mức báo động đối với các nhà sản xuất địa phương.
Các nước Mỹ Latin bắt đầu tìm cách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, có thêm nhiều hàng hóa có giá trị gia tăng do nhận thức được nguy cơ lệ thuộc vào các mặt hàng và sự mất cân bằng trong thương mại với Trung Quốc. Trong chuyến thăm vừa rồi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Brazil, hai nước đã nhất trí thúc đẩy việc bán máy bay Embrase do Brazil sản xuất và một số mặt hàng công nghiệp khác, để cân bằng thương mại song phương vốn bị mất cân đối do Brazil xuất khẩu nhiều quặng sắt, đậu tương và các hàng hóa khác. Hơn nữa, một số doanh nghiệp trong khu vực đã phàn nàn về việc đồng tiền của Trung Quốc bị định giá thấp hơn giá trị thực và chế độ thuế ưu đãi đã tạo nhiều thuận lợi cho các đối thủ châu Á của họ.
Các doanh nghiệp trong khu vực đã hành động để đối phó với vấn đề này. Tháng 1-2012, CNI, một tổ chức vận động hành lang công nghiệp ở Brazil, đã thông báo việc lập ra một cơ quan hợp tác song phương với các đồng nghiệp ở Argentina, tập trung vào cách đối phó với sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Cơ quan này bao gồm 20 lãnh đạo từ các công ty hàng đầu ở hai nước trong đó có Mafrig, một tập đoàn thực phẩm lớn củaBrazil. Các thành viên trong nhóm nhấn mạnh ưu tiên là phải chống lại sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc. CNI ước tính rằng cứ một trong năm công tyBrazilphải đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và gần một nửa số công ty đã mất thị phần cho các đối thủ mới.
Vấn đề lại càng nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất dệt may, quần áo, giày dép và dược phẩm. TạiBrazil, hơn 60% quần áo nhập khẩu là từ Trung Quốc, và tỷ lệ hàng dệt may, đồ chơi và đồ nội thất chiếm khoảng 40 – 50%. Còn đối với các sản phẩm điện và điện tử, hàng của Trung Quốc chiếm 1/5 tổng lượng tiêu thụ củaBrazil. Các nhà sản xuất từ phụ tùng ôtô đến xe máy, giày dép, hàng dệt may, chổi và bút vẽ đều phàn nàn rằng hàng nhập khẩu rẻ tiền đang làm tổn hại đến việc kinh doanh và tạo thêm việc làm của họ. Ví dụ như Hiệp hội các sản phẩm nhựa củaBrazilnói rằng nhiều trong số 12.000 công ty vừa và nhỏ của ngành công nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu lượng hàng nhập khẩu tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay là 20%/năm. Trong khi đó, ngành điện tử cảnh báo chống lại “sự phá hủy của ngành công nghiệp này” vì số liệu năm 2011 cho thấy ngành công nghiệp điện tử giảm 7,4% từ năm 2008, trong khi hàng nhập khẩu tăng 27% trong cùng thời kỳ.
Trung Quốc cũng là mục tiêu than phiền của các nhà sản xuấtArgentina. Fundacion Pro Tejei, một tổ chức vận động hành lang về dệt may cho rằng cần phải có thêm các quy tắc bảo hộ để chống lại hàng nhập khẩu Trung Quốc, hiện đang chiếm tới 1/3 lượng hàng dệt may nhập khẩu, và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2007. Trong khi đó ngành công nghiệp giày dép cũng yêu cầu được bảo hộ.
Những ngành công nghiệp này đã vận động chính phủ của họ và cảBrazilvàArgentinathực hiện nhiều biện pháp để giúp đỡ các nhà sản xuất trong nước. Tháng 12-2011, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã thuyết phục những người đồng cấp từ Brazil, Paraguay và Urugoay để mở rộng các sản phẩm bị đánh thuế mức tối đa 35% bên ngoài khối Mercosur. Brazil cũng thực hiện biện pháp riêng của mình, bảo vệ các ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi, lược chải tóc và ôtô, trong khi Argentina, một trong những nước bảo hộ nhiều nhất trên thế giới, thì thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát nhập khẩu và tỷ giá mới. Mặc dù những hạn chế này được áp dụng cho hầu hết các hàng nhập khẩu từ bên ngoài khối Mercosur, nhưng hàng hóa Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính. Những biện pháp như vậy chỉ có thể bảo vệ sản xuất trong nước trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khu vực sẽ phải tập trung vào việc nới lỏng những hạn chế cơ cấu để tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, bao gồm cả cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, hệ thống thuế còn nặng nề và chưa hiệu quả, tình trạng quan liêu và hệ thống nghiên cứu và phát triển còn yếu.
Thanh Lê tổng hợp