Người ta thường nhắc đến các thương hiệu qua những dấu ấn đặc trưng trên trang phục hay những câu chuyện về cách sáng tạo ra mẫu mã mới. Thế nhưng, để tiếp cận với người tiêu dùng, vũ khí của các nhà tạo mẫu nổi tiếng dùng để chinh phục giới tiêu dùng không phải quần áo, mà là phụ kiện.
Theo thống kê đáng tin cậy của Euromonitor International (tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường), ngành bán lẻ phụ kiện thời trang trong năm 2015 thu về 5,1 tỉ USD, tăng 5,3% so với năm 2014 và có thể tăng vọt đến 7,5 tỉ USD vào năm 2020. Trong báo cáo của Trung tâm Thương mại Selfridges London, lượng móc gắn chìa khóa bán được trong năm 2015 tăng đến 100% so với năm 2014 và ốp lưng điện thoại cũng tăng với tỷ lệ tương tự. Có thể nói, lợi nhuận khủng từ những món hàng thời trang “nhỏ nhưng có võ” có thể bù đắp cho những khoản thua lỗ từ quần áo, thậm chí đem lại lợi nhuận lớn cho các thương hiệu thời trang. Vì sao thời trang lại có sự biến đổi rõ rệt như vậy?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu vì sao người ta lại thích những món phụ kiện hơn quần áo. Khi đến với hàng hiệu, người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm những bộ trang phục đẹp may bằng chất liệu cao cấp, mà còn muốn chúng giúp họ nói lên được họ là ai, thuộc đẳng cấp nào. So với bộ trang phục, phụ kiện có giá thấp hơn nhiều nhưng lại dễ nhận biết hơn, thích hợp với việc mua để sử dụng hoặc làm quà tặng.
Cách đây vài năm, Marc Jacobs từng cho biết rằng hồi đầu những năm 2000, một nửa dân số nước Nhật đều sở hữu ít nhất một chiếc túi họa tiết monogram của Louis Vuitton. Đó là thời điểm mà đẳng cấp được thể hiện qua những chiếc túi vì không có thứ gì có thể chứng tỏ rõ nét nhất địa vị của người ta bằng phụ kiện ấy. Cho đến hôm nay, túi xách vẫn là món đồ thời trang quan trọng và bán được nhiều nhất của các thương hiệu nổi tiếng, không riêng gì Louis Vuitton.
Trong những năm gần đây, có vẻ thấy những chiếc túi vẫn chưa đủ sức tạo nên ấn tượng mạnh, các thương hiệu thời trang bắt đầu tung ra phụ kiện cho… chính những chiếc túi! Điển hình nhất là nhà tạo mốt Fendi (nổi tiếng với những sản phẩm từ da và lông thú) đã đưa vào bộ sưu tập Thu-Đông 2013 những chiếc móc gắn chìa khóa (cũng có thể gắn vào túi xách) Bag Bugs làm bằng lông thú có giá từ 600 USD. Món phụ kiện dễ thương đó nhanh chóng được giới trẻ yêu thích và đã trở thành món đồ “kinh điển” của hãng.
Đi theo công thức “dùng trang phục để tôn vinh túi xách” của Louis Vuitton dưới thời Marc Jacobs, nhà thiết kế Jeremy Scott biến các bộ sưu tập trình diễn của Moschino giống như trò chơi búp bê của những bé gái hay những bộ trang phục giống như làm từ rác rất vui mắt nhưng hầu như không ai muốn mặc. Thế nhưng chúng lại làm nền để những món phụ kiện tỏa sáng. Một trong những mặt hàng ăn khách nhất của Moschino hiện nay là ốp lưng điện thoại mang hình dạng độc đáo. Đây quả là một bước marketing khôn ngoan khi ốp điện thoại của Moschino luôn nổi bật đến mức ai cũng nhận ra, được các tín đồ thời trang rất yêu thích. Thậm chí người ta còn nói đùa rằng Moschino hiện nay là thương hiệu của những chiếc ốp lưng điện thoại.
Cùng những chiếc túi xách, nước hoa cũng là một trong những vũ khí nặng sức công phá của các thương hiệu thời trang. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Christian Dior hay Chanel sẵn sàng chi hàng triệu USD để ký hợp đồng với các nữ minh tinh màn bạc làm đại diện cho những loại nước hoa mới của họ và chi hàng trăm ngàn USD để đăng quảng cáo trên những vị trí đẹp nhất của các tạp chí hàng đầu.
Tất nhiên, sự trỗi dậy của những món đồ phụ kiện không có nghĩa là những trang phục bị mất vị thế. Mỗi mùa thời trang đến, người ta lại đón chờ và tìm hiểu những gì mà các nhà thiết kế sẽ trình làng tại các sàn diễn thời trang và phụ kiện tuy nhỏ xinh nhưng vẫn có giá trị riêng bên cạnh những bộ trang phục được cắt may cầu kỳ.