Thế nhưng, hiếm có ngôi sao nào lại chiếm được cảm tình của nhiều giới và trong một thời gian dài như chị. Dường như không phải ráng sức “giữ gìn hình ảnh” trước công chúng bởi theo cách suy nghĩ của chị, người ta chỉ phải giữ gìn cái gì đó mong manh, dễ vỡ. Bất cứ ai gặp chị cũng dễ dàng được “lây” sự vui vẻ, lạc quan và đầy sức sống nơi chị.
Đang nổi tiếng với vai trò MC, biên tập viên ở kênh giải trí (VTV3) Đài truyền hình Việt Nam, cách đây năm năm, Diễm Quỳnh bất ngờ chuyển sang VTV6 – một kênh mới của đài bao gồm những chương trình dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên với vai trò là Phó trưởng ban Thanh thiếu niên Đài truyền hình Việt Nam. Kể từ đó chị ít lên hình hơn và cũng vì đó, nhiều lời đồn thổi hơn về chị: Thích làm sếp, bị chồng bỏ, bị bệnh hiểm nghèo… và chết rồi (!). Nhưng rồi những người hâm mộ nhanh chóng được yên lòng vì thấy chị vẫn xuất hiện trên những cuộc giao lưu hoặc sự kiện lớn do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức với một phong độ ổn định, như cách đây hơn chục năm, khi mới bước chân vào nghề. Trong chương trình giao lưu hữu nghị Việt – Trung do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cuối năm ngoái, chị xuất hiện với vai trò là MC thật ấn tượng bởi thay vì dẫn bằng tiếng Việt như thường lệ, chị nói tiếng Trung Quốc với một ngữ điệu không chê vào đâu được…
Cũng không dễ dàng gì để có được buổi nói chuyện với chị trong lúc VTV6 bước vào tuổi thứ sáu với một mục tiêu mới: Mang đến cho khán giả trẻ một “Làn sóng mới – cảm xúc mới”.
____
Là người có đến gần chục năm làm các chương trình giải trí âm nhạc, chị nghĩ sao về thị hiếu âm nhạc của giới trẻ hiện nay? Liệu có phải là tầm thường vì xu hướng thích nghe nhạc thị trường như nhiều người vẫn phê phán hay không?
Tôi không nghĩ thế. Các bạn trẻ nghe nhạc rất nhiều, ở nhà, ngoài phố, trên xe buýt… và đó là điều tốt chứ. Còn thị hiếu âm nhạc xuất phát từ điều khác chứ không phải là do tuổi trẻ. Tôi biết nhiều bạn trẻ có gout nghệ thuật, họ lựa chọn âm nhạc để nghe, lựa chọn tác phẩm để đọc, lại có người đã không còn trẻ vẫn say sưa với những bài hát não nề, nói chung là tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa nền và thẩm mỹ của mỗi người. Dùng cụm từ “nhạc thị trường” và xếp vào dạng đáng chê là lối quy kết dễ dãi. Hãy nhìn ra xung quanh, hàng loạt ban nhóm K-pop có phải là nhạc thị trường của Hàn Quốc không? Hôm qua tôi vừa xem một chương trình K-pop 90 phút sắp sửa phát sóng trên VTV6 thì thấy nội dung các bài hát đa số cũng là yêu đương, chuyện đôi lứa bình thường… nhưng tại sao mình không cảm thấy đó là sản phẩm âm nhạc tầm thường? Câu trả lời là do các sản phẩm đều được đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc và có trình độ sản xuất chuyên nghiệp. Tóm lại, thị hiếu không có tội, nó có thể thay đổi theo thời gian, theo sở thích mỗi cá nhân, chỉ có những sản phẩm âm nhạc ra đời vội vã, tư duy nông cạn sẽ lẫn vào môi trường âm nhạc. Vậy thì lựa chọn nội dung là do văn hóa của từng người. Nhìn một cách tích cực thì phải thấy là mỗi người có một sở thích riêng và thế là mỗi dòng âm nhạc đều có chỗ đứng riêng của mình, có lượng người nghe riêng của mình.
____
Nhưng theo chị, có hay không cái gọi là “Thảm họa âm nhạc Việt” mà truyền thông cũng hay nhắc tới trong thời gian gần đây?
Tôi nghĩ nếu như nó không nằm ở thời đại này thì đã không thành thảm họa. Bởi thời đại này mọi thứ được truyền đi quá nhanh do truyền thông và internet, mọi người lo sợ về thảm họa nhiều là bởi vì tiếp xúc với nó quá dễ. Bao nhiêu năm trước đây, mọi người chỉ nghe và xem ca nhạc qua đài phát thanh, trên tivi, do vậy mỗi một tác phẩm đến được với khán giả đều đã được qua những lưới lọc rồi, nhưng bây giờ những lưới lọc ấy không còn nữa, mà ở chính những người đã đẩy tác phẩm ấy lên mạng và chính người nghe. Hơn nữa, độ tò mò của công chúng quá cao, chẳng phải ngẫu nhiên mà không ít người vẫn coi “sốc, sex, sến” là những tiêu chí để câu khách, vậy cứ cái gì gây sốc thì vào xem cho biết thôi. Thế là thảm họa len chân vào cuộc sống của bạn. Điều quan trọng là những người làm truyền thông phải đứng xa hơn để tỉnh táo và không đặt lợi ích cá nhân vào đó, nghiên cứu xem cái này thực sự hàm lượng giá trị là bao nhiêu, có độ dinh dưỡng về tinh thần là bao nhiêu, còn lại bao nhiêu chỉ là màu mè, chiêu trò PR nhất thời… Thực tế cho thấy truyền thông đôi khi làm quá khiến cho mờ đi những giá trị thật. Thảm họa cũng nổi lên hơn vì được nhắc đến quá nhiều.
Thị hiếu không có tội, nó có thể thay đổi theo thời gian, theo sở thích của cá nhân, chỉ có những sản phẩm âm nhạc ra đời vội vã, tư duy nông cạn sẽ lẫn vào môi trường âm nhạc.
____
Nghe chị nói thì có vẻ truyền thông… hơi bị nhiều tội.
Không là tội thì cũng là trách nhiệm, khi có nhiều quá những tin bài hướng độc giả về các sản phẩm ít giá trị. Có những nghệ sĩ âm thầm nhiều năm ra tác phẩm, nhưng trong nhiều năm đó, truyền thông đã dễ dàng quảng bá hay cổ xúy cho bao thứ khác chưa chắc đã có giá trị bằng. Cũng phải nói cho rõ là truyền thông ở đây bao gồm cả những “cư dân” mạng. Hiện nay mỗi người đều là một mắt xích của truyền thông, tham gia vào nó và chịu tác động từ nó. Mọi người lướt web, xem và upload video thoải mái trên YouTube, nghe nhạc thoải mái qua Zing MP3, Nhạc của tui, viết bài bình luận và nêu ý kiến tự do trên các diễn đàn và mạng xã hội… Nói một cách hình ảnh là chúng ta được vào một siêu thị giải trí quá lớn mà các bạn trẻ do chưa có nhiều trải nghiệm nên chưa biết cái nào hợp với mình, cần cho mình nên dễ có những lựa chọn, hay “dùng thử” nhầm lẫn. Nhưng tôi tin chắc chắn là ai cũng sẽ sáng suốt hơn khi bước chân ra khỏi cửa và bước vào đó lần sau.
____
Điều đó cũng giống như là một thử thách, nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua thử thách, dù rất nhỏ đó. Chị nghĩ sao về thế hệ trẻ bây giờ?
Tôi nghĩ thế hệ trẻ bây giờ có nhiều thử thách khác hơn trước. Họ phải lựa chọn nhiều hơn, nhưng muốn lựa chọn được đúng thì phải biết đánh giá và quá trình học đánh giá của những người trẻ bây giờ buộc phải trả phí nhiều hơn thế hệ chúng tôi. Ngày xưa tôi được bố mẹ tôi nói cho biết, ví dụ: bài này của bác Huy Du hay, bác Nguyễn Văn Tý sáng tác bài này hay, cô Thu Hiền có giọng đẹp… Cứ thế mà nghe và quen. Còn bây giờ chúng ta không thể hướng dẫn cho con chúng ta như thế trong một xã hội truyền thông mở. Những người trẻ tiếp nhận một lúc cả một thế giới âm nhạc với vô vàn xu hướng, trào lưu khác nhau thì buộc họ phải thử dần, tự học cách đánh giá, mất thời gian nhiều hơn, mất chi phí trải nghiệm nhiều hơn, nhưng rõ ràng là cuộc sống tinh thần của họ cũng phong phú hơn.
Các bạn ấy sẽ không như mình ngày xưa – thích một thứ được dạy và tin rằng chỉ có thứ ấy tốt, tất cả những thứ khác thì không cần để ý hoặc không được tiếp cận. Còn các bạn trẻ bây giờ tự khám phá, rồi tự biết mình thích gì và cũng chấp nhận sở thích của người khác, thậm chí tìm hiểu cả những điều mình không thích để có cách ứng xử thích hợp. Công việc của chúng ta bây giờ là đi bên cạnh và trao đổi ý kiến để họ có thể rút ngắn thời gian và chi phí trải nghiệm ấy mà thôi. Một trong những ưu điểm nổi bật của giới trẻ hiện nay là thẳng thắn, tự tin đưa ra ý kiến nhưng lại cũng có thể sẽ thay đổi ý kiến, tức là tư duy rất mở.
Các bạn trẻ bây giờ tự khám phá, rồi tự biết mình thích gì và cũng chấp nhận sở thích của người khác, thậm chí tìm hiểu cả những điều mình không thích để có cách ứng xử thích hợp. Một trong những ưu điểm nổi bật của giới trẻ hiện nay là thẳng thắn, tự tin đưa ra ý kiến nhưng lại cũng có thể sẽ thay đổi ý kiến, tức là tư duy rất mở.
____
Đã có không ít phàn nàn rằng các kênh truyền hình ở nước ta có quá nhiều trò chơi, hơn nữa toàn là trò chơi “bắt chước” nước ngoài. Vậy tại sao với lực lượng đông đảo phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp và năng động sẵn có, Đài truyền hình Việt Nam không sản xuất những trò chơi thuần Việt để phục vụ khán giả?
Có hai lý do để giải thích việc đài ít sản xuất trò chơi truyền hình thuần Việt. Một là xu hướng. Bản quyền các chương trình truyền hình theo “format” của Anh, Mỹ… bao giờ cũng đi đầu, tiên phong về xu hướng và xuất phát từ nền tảng công nghệ tiên tiến. Ví dụ những cuộc thi tài năng có sự bình chọn trực tiếp của khán giả thì phải có hạ tầng công nghệ để cho khán giả có thể vote (bầu chọn) được cho người chơi, chỉ sau 15, 20 phút là có kết quả. Và đó là những gì người xem mong muốn: tính tương tác được đẩy lên cao nhất. Các format nước ngoài đã nhấn mạnh vào yếu tố đó, họ thành công trên toàn thế giới vì kéo được người xem tham gia. Thực ra Đài truyền hình Việt Nam từ 15 năm nay cũng đã tự viết format và sản xuất khá nhiều trò chơi thuần Việt, nhưng ở thời điểm này, khán giả đòi hỏi cao hơn và các format thuần Việt cũng đang cần nâng cấp về công nghệ mới hút được khán giả.
Mặt khác, tôi nghĩ chất xám thì ở đâu cũng như nhau thôi. Mình dùng những thành tựu chất xám nước ngoài đôi khi là cách làm thông minh hơn là cứ phải tự cày xới cái gì đó na ná. Cũng giống như việc mình hỏi tại sao các kỹ sư giỏi ở ĐH Bách khoa không sáng chế ra cái tủ lạnh “Made in Vietnam” để cho toàn dân Việt Nam dùng tủ lạnh thuần Việt? Quan trọng là chất xám đó, format truyền hình nước ngoài đó vẫn chỉ là công thức nhập ngoại, quá trình Việt hóa nó, biến nó thành một game show thành công ở Việt Nam, mang hơi thở cuộc sống tinh thần người Việt Nam mới là việc làm vô cùng tốn công sức, chất xám bỏ ra ở đó không hề nhỏ.
____
“Làn sóng mới – cảm xúc mới” là slogan trong bước tiến mới của VTV6. Nhưng với việc nhập khẩu “nguyên chiếc đập hộp” (mua bản quyền phát sóng, lồng tiếng – PV) các trò chơi “bom tấn”: Vua đầu bếp, Người đi xuyên tường, Americal Idol… thì điều gì sẽ làm nên dấu ấn cho sự phát triển của bản thân kênh này?
Đây là câu hỏi đáng suy nghĩ. Mang những thứ hay của người khác về “trưng” ở trong nhà mình thì đó chỉ là sự mua sắm. Còn bản thân mình làm được gì để tạo dấu ấn riêng? Theo cách nói về trang trí nhà cửa, thì mua đồ về rồi sắp xếp thế nào cũng là một cách tạo dấu ấn. Vậy nên sắp xếp khung chương trình để khán giả nhớ và chờ xem các game bom tấn trên VTV6 cũng là một dấu ấn. Bên cạnh đó, dấu ấn chắc chắn phải được tạo ra bởi những chương trình mình tự làm. Thế nên VTV6 hiện nay vẫn để ba dải giờ phát những chương trình do VTV6 tự sản xuất. Dải giờ Bản tin trẻ Thư viện cuộc sống 18g hằng ngày chúng tôi đang học cách làm, phải dùng từ “học cách làm” bởi vì VTV1 có tới 14, 16 bản tin/ngày, VTV6 chỉ có một bản tin/ngày nên để tạo khác biệt không phải đơn giản. Và chúng tôi phải cố gắng làm được điều đó.
Dải giờ Reality trải nghiệm thực tế cùng VTV6 18g30 hằng ngày gồm “Sống khác” đưa bạn trẻ thử sức với môi trường sống lao động vất vả: ra chợ đầu mối Long Biên để gánh hoa quả, chăn bò sữa ở Ba Vì, đi hát dạo bán bao cao su vào buổi tối… “Lựa chọn của tôi” cho các bạn làm những nghề chưa bao giờ làm: nữ hộ sinh, lái taxi hay thợ hút ống cống… Những chương trình này giúp khán giả trẻ hiểu và trải nghiệm cuộc sống, đặt họ vào một hoàn cảnh đặc biệt, theo dõi những trải nghiệm và cách vượt qua những hoàn cảnh khác biệt đó. Khán giả trẻ rất yêu thích những chương trình này vì có góc nhìn riêng của kênh VTV6.
Dải giờ Studio V6 vào 21g40 hằng ngày là serie giải trí buổi tối trong trường quay: Talkshow với người nổi tiếng, gặp gỡ các ban nhạc, ca sĩ mới, thay đổi xu hướng thời trang, trò chuyện về các phát minh của bạn trẻ… Thực ra đây cũng là những chương trình có ở rất nhiều kênh truyền hình, do vậy khi tiếp cận, các ê-kíp của VTV6 càng phải nỗ lực hơn để có sức cạnh tranh. Trên kênh VTV6 càng nhiều game nhập khẩu và phim hay nước ngoài thì cơ hội để khẳng định, để ghi dấu ấn lại càng gian nan. Nhưng tôi tin chúng tôi tạo được “màu” riêng biệt, ấn tượng cho các sản phẩm riêng của mình.
Thành công của VTV3 không phải là quả ngọt để mình cứ hái mãi. Sang VTV6 cũng là làm mới cho mình. Ngay cả việc mình không lên hình dày đặc nữa, không làm tâm điểm chú ý nữa cũng làm cho mình thay đổi rất nhiều.
____
Xinh đẹp, thông minh, giỏi giang… là những từ người ta hay nói về MC Diễm Quỳnh. Còn chị tự họa chân dung mình như thế nào?
Xinh đẹp hay giỏi giang là đánh giá chủ quan của mọi người thôi, mà cũng chẳng có tiêu chí nào cả đâu. Điều quan trọng là cảm giác mình mang lại cho người khác. Tôi tự đánh giá mình là người vui vẻ, lạc quan, tôi không thích người ngoài nhìn thấy mình buồn rầu hay căng thẳng vì công việc. Thực ra không phải ngay từ đầu tôi đã lạc quan, tôi chỉ là người vui vẻ thôi, và sự vui vẻ ấy nhiều khi bị “cướp” mất bởi bận rộn công việc. Nhưng đến tuổi này, tôi nhận ra là khi mình nghĩ về mọi thứ hài hòa, lạc quan trước khó khăn, nghĩ tích cực hơn, biết hài lòng hơn thì sẽ sống nhẹ nhàng hơn. Chính cảm giác nhẹ nhàng ấy, hài hòa ấy khiến cho người ta trông tươi vui hơn. Tôi nghĩ, vui vẻ và lạc quan là những điều tôi thích và muốn giữ được cho mình.
____
Được coi là một ngôi sao trong làng showbiz Việt, hẳn cũng có những lúc chị là nạn nhân của những lời đàm tiếu? Khi đó chị ứng xử ra sao?
Tôi đã qua giai đoạn sống chật vật vì nhiều lời đàm tiếu rồi, may quá. Có thể tôi học ở Trung Quốc nên suy nghĩ và cách nhìn cuộc sống của tôi hơi có nét AQ chăng! Thiên hạ đồn cô ấy chết bảy năm nay rồi nhưng tôi biết mình vẫn đang sống, may thế đấy. Lại nói về kiểu tinh thần AQ, Lỗ Tấn điển hình hóa lên để mà chỉ trích, chê cười cái thói tự huyễn hoặc tự ru mình. Nhưng nhìn từ mặt khác, tinh thần ấy nhiều lúc giúp ta cân bằng cuộc sống rất nhiều, kể cả khi người ta đang ở những lúc gian nan của cuộc đời thì vẫn nhìn thấy ánh sáng, thấy hy vọng để mà tin. Nói như thế cũng không có nghĩa là sống tự mãn, không có ước mơ, không dám phấn đấu, nhưng quan trọng là phải rất thoải mái và lạc quan.
____
Có lẽ chính vì điều đó mà Diễm Quỳnh trong mắt người khác bao giờ cũng là cô gái tươi tắn, cởi mở… Nhưng trong cuộc sống, có khi nào chị cáu giận hoặc bị quá căng thẳng không?
Có chứ. Nhưng tôi là người dễ thay đổi cảm xúc, lại hay quên, do vậy không bị ảnh hưởng nhiều về hào quang cũng như sự thất bại. Tôi có cô em họ rất thân, cả hai chị em tôi lúc đó đều là người khá tham vọng và đều đã được ghi nhận trong công việc. Bất ngờ cô ấy bị bệnh và ra đi ở tuổi ba mươi. Cái chết của cô ấy đã làm cho cuộc sống của tôi có rất nhiều thay đổi. Trước đây, tôi nghĩ cuộc sống rất giá trị khi mình được làm những việc mà mình đang làm. Nhưng sau sự mất mát ấy, tôi sống “chậm” hơn bởi nghĩ rằng mình sẽ không được làm những việc ấy nữa khi mình không còn cuộc sống. Tôi bắt đầu tập yoga, đi bơi đều đặn; biết trân trọng cuộc sống của mình hơn; dành thời gian cho gia đình và cha mẹ nhiều hơn. Sau đấy tôi được chọn sang VTV6. Hồi làm ở VTV3 cứ hết chương trình này lại đến chương trình khác, hết buổi ghi hình này lại đến buổi ghi hình khác, không có cớ gì để dừng lại. Nếu vẫn làm ở VTV3 thì tôi sẽ lại tiếp tục như thế. Vậy nên tôi quyết định chuyển sang VTV6 và thiết lập cho mình một nhịp sống khác, mặc dù những ngày đầu sang VTV6 công việc vô cùng bận rộn. Suy nghĩ của tôi cũng thay đổi, thành công của VTV3 không phải quả ngọt để mình cứ hái mãi. Sang VTV6 cũng là làm mới cho mình. Không phải lúc đó không có ý kiến cho rằng tôi sang VTV6 để được làm “sếp”, nhưng từ trong sâu thẳm tôi biết đây là cơ hội để thay đổi mạch sống. Ngay cả việc mình không lên hình dày đặc nữa, không làm tâm điểm chú ý nữa cũng làm cho mình thay đổi rất nhiều.
____
Vẫn biết, hạnh phúc là điều gì đó rất khó định nghĩa, định lượng… nhưng chị có nghĩ mình là người hạnh phúc không?
Tôi nghĩ tôi là người rất hạnh phúc và điều đó không giấu được, nhất là với người hướng ngoại như tôi. Như tôi đã nói, cũng có những lúc tôi cau có, buồn rầu khi công việc không trôi chảy hoặc trong gia đình có người bị bệnh… Nhưng sau những phút như thế thì lúc nào tôi cũng nhận ra một điều hết sức quý giá là mình vẫn còn có mặt trên cuộc đời này, vẫn còn công việc yêu thích để làm, vẫn có gia đình để được yêu thương, có bố mẹ để phụng dưỡng… Tôi coi tất cả những điều đó là hạnh phúc, niềm hạnh phúc lớn lao!
____
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Xem thêm: