Tám năm vắng bóng, các bé Xì Trum tưởng chừng đã “về hưu non” trong rừng, ai dè 2025 lại đột nhiên quay lại màn ảnh rộng với bộ phim mới toanh. Không chỉ trở lại, mà còn trở lại kiểu… makeover toàn diện, từ nội dung tới dàn cast. Có người bảo đây là Xì Trum bản đa vũ trụ, người khác bảo là phiên bản Disney hóa muộn. Còn người đi xem thì chỉ mong: “Miễn sao không lạc đề”.
Thật vậy, bộ phim mới nhất về tộc người tí hon màu xanh không chỉ rời làng, mà còn rời luôn hệ quy chiếu gốc của chính nó. Câu chuyện mở đầu như một trận cuỗm vua trong game nhập vai: Tí Vua bị bắt cóc bởi phù thủy Gà Mên và em hắn – Cà Mên (nghe như hai anh bán trứng vịt lộn đầu ngõ). Thế là cả làng nhốn nháo, Tí Cô Nương cầm đầu, dẫn đám bạn đi giải cứu ông trùm trong một hành trình xuyên không – xuyên quốc gia – xuyên vũ trụ.
Nghe là thấy hấp dẫn rồi. Như một nồi lẩu thập cẩm: có chút hành động, chút triết lý, chút tình cảm bạn bè, và không thể thiếu phần… định danh cá nhân – thứ mà Hollywood dạo này hay gắn vào mọi thứ, kể cả… phim gà rán.
Nhân vật được giới thiệu như “linh hồn của phim” chính là Tí Vô Danh – một Xì Trum không có đặc điểm gì nổi bật, chẳng được đặt tên, và luôn thấy mình… lạc lõng giữa cộng đồng. Cảm giác quen không? Đó là hình mẫu tiêu biểu cho thế hệ “ai cũng đặc biệt nên chẳng ai nổi bật”. Tí Vô Danh là người đi tìm bản thân, còn cả làng là người đi tìm… ông Vua. Hai tuyến truyện song song nhưng lại hoà lẫn thành một thông điệp na ná TED Talk: “Hãy là chính mình, dù bạn không biết mình là ai”.
Phim quy tụ nguyên dàn sao đình đám: Rihanna lồng tiếng cho Tí Cô Nương, James Corden (đóng luôn Tí Vô Danh), John Goodman vào vai Tí Vua, chưa kể Nick Offerman, Natasha Lyonne, Kurt Russell, DJ Marshmello… Mỗi người một màu, một phong cách, tạo thành tổ hợp rất “đa vũ trụ” cả về nhân vật lẫn năng lượng âm thanh. Có điều, dàn cast Hollywood như vậy nhưng nội dung vẫn… xanh xao.
Nói cho công bằng, phim vẫn dễ thương. Phần hình ảnh do Cinesite đảm nhận, phong cách hoạt hình pha truyện tranh, có hiệu ứng bong bóng suy nghĩ, chạy chữ – đúng tinh thần truyện Peyo. Nhưng không hiểu sao càng chỉnh càng mất hồn. Giống như chuyện mua bát bún riêu đầy topping nhưng nước lại loãng, riêu không vỡ, mà hành phi thì… digital.
Một điểm cộng đáng kể là bản lồng tiếng Việt có nghệ sĩ Thành Lộc – gương mặt thân quen của thương hiệu Xì Trum tại Việt Nam. Nhờ đó mà khán giả trong nước vẫn tìm được chút gì “gốc”, giữa những khung hình ngập tràn các tầng lớp ẩn dụ về “vai trò trong vũ trụ”.
Đạo diễn Chris Miller chia sẻ rằng, lần này, các Xì Trum sẽ rời khỏi thế giới quen thuộc để chu du qua Paris, Munich, đến tận vùng hoang dã Úc và nhiều chiều không gian khác. Như một phiên bản “Doctor Strange” mini màu xanh, nhưng với nhiệm vụ là… giải cứu ông già mất tích. Còn lại thì cứ nói đại là: sứ mệnh cứu vũ trụ, cho oách.
Nghe thì lớn lao, nhưng nếu là fan cứng của thương hiệu Xì Trum từ thời Peyo, bạn sẽ thấy hơi… mỏi lưng. Vì từ chỗ là những nhân vật đáng yêu trong một cộng đồng tự cung tự cấp giữa rừng, giờ đây các Tí bị nhồi nhét vào một “đại tự sự” của nền văn hoá đại chúng, nơi nhân vật chính không thể chỉ là người tốt – mà phải là người có “khủng hoảng bản sắc” để tìm thấy ánh sáng trong chính mình.
Rồi từ hành trình đó, phim lại dạy người ta bài học: Dù không biết mình là ai, nhưng nếu có bạn bè bên cạnh, bạn sẽ là một phần của điều gì đó lớn lao. Nghe giống như slogan tuyển dụng cho Gen Z hơn là phim hoạt hình gia đình.
Thương hiệu Xì Trum, sau tám năm, đã tái sinh với nhiều hoài bão. Phim vừa phục vụ khán giả nhí, vừa lôi kéo cha mẹ đi cùng bằng dàn sao và thông điệp trưởng thành. Nhưng ranh giới giữa sâu sắc và… gồng triết lý trong phim hoạt hình đôi khi chỉ là một cú “bong bóng suy nghĩ” bị vẽ lệch.
Và thế là người ta vẫn đi xem. Vì màu xanh dễ thương, vì Rihanna hát hay, vì muốn tìm lại ký ức thời bé. Nhưng đến cuối cùng, có khi điều còn đọng lại sau 90 phút chỉ là câu hỏi: “Ủa, vậy cuối cùng Tí Vô Danh… có tên chưa?”