93 phim đại diện cho 93 quốc gia dự tranh Phim quốc tế hay nhất đã lộ diện. Điện ảnh châu Á có khoảng 20 ứng cử viên tuy không mạnh nhưng lại sở hữu át chủ bài!
Niềm kiêu hãnh từ điều bé nhỏ
Một trong những cái tên đáng chú ý nhất năm nay là In the Life of Music của Cambodia, do hai đạo diễn Caylee So và Sok Visal dàn dựng.
Thuộc thể loại phim tâm lý đề cập đến chiến tranh và âm nhạc song hành, khiến câu chuyện bên lề trở nên đặc biệt hấp dẫn.
Kịch bản phim xoay quanh chỉ một ca khúc thuộc dòng nhạc vàng là Champa Battambang, do ngôi sao quốc nội Sinn Sisamouth phát hành vào khoảng thập niên 60. Theo đó, chuyện phim cũng tuần tự diễn ra từ giai đoạn 60, 70 và 2010 với ba đời dòng họ của một gia đình.
Sở dĩ có sự cách biệt giữa những năm 70 và 2010 là bởi cuộc thảm sát của Pol Pot. Chính sự kiện lịch sử này đã làm sụp đổ ngành công nghiệp điện ảnh ở Cambodia suốt những năm 70.
Ngoài yếu tố lịch sử, chất liệu âm nhạc được hai đạo diễn tiết lộ có vai trò quan trọng trong đời sống của người bản xứ, lột tả đúng tinh thần nhân dân thông qua 40 năm đầy khổ hạnh.
Bên cạnh In the Life of Music, một cuốn phim về nền tảng gia đình xúc động khác cũng đáng được kể tên là phim tài liệu Finding Farideh của Iran. Phim kể về hành trình tìm lại cha mẹ ruột của một phụ nữ 40 tuổi Eline Farideh Koning, có bố mẹ nuôi là người Hà Lan.
Trước Finding Farideh, điện ảnh Iran từng gây ấn tượng mạnh với Oscar khi nhà làm phim Asghar Farhadi hai lần thắng tượng vàng qua hai phim A Separation (2012) và The Salesman (2016).
Trong một diễn biến phức tạp, điện ảnh Indonesia có biểu đồ trồi sụt thất thường. Giai đoạn thập niên 80 được cho là đỉnh cao của ngành công nghiệp làm phim xứ này, tuy nhiên lại rớt hạng thê thảm bởi sự gia nhập từ các phim của Hong Kong và Mỹ.
Sau thập niên 2010, Indonesia dần có các phim bom tấn bán ra thị trường quốc tế. Mỗi năm có khoảng 100 đầu phim ra rạp, Indonesia từ nền điện ảnh nhỏ bé đang có tín hiệu thu hút các Liên hoan phim quốc tế.
Memories of My Body, đại diện cho điện ảnh độc lập Indonesia năm nay cũng có thể gây bất ngờ với câu chuyện về giới tính. Phim lấy cảm hứng từ cuộc đời thật của nam nghệ sỹ Rianto, người đang phát triển sự nghiệp biểu diễn tại Nhật.
Câu chuyện văn hóa rất có thể trở thành điều tiên quyết để tác phẩm “chạm ngõ” Oscar lần đầu tiên, như trường hợp của The Steed đại diện cho Mông Cổ.
Dựa theo bài thơ dân gian Brown horse, chuyện phim là hành trình cảm động của cậu bé Erdene và chú ngựa yêu quý, trong khi cách mạng Nga tràn vào.
The Steed được Mông Cổ chọn sau khi thắng hàng loạt giải thưởng quốc tế trong đó có giải Phim hay nhất tại liên hoan phim San Diego được tổ chức hàng năm tại California.
Dù là những nền điện ảnh ít tiếng vang, không nên bỏ qua tác phẩm đầu tay tinh tế mang tính ngụ ngôn hậu hiện đại Aurora của Kyrgyzstan; hay phim Hot Bread – đại diện đầu tiên của Uzbekistan đến với Oscar…
Kỳ tích cho kẻ gan dạ?
Yếu tố chính trị được đánh giá là ngày càng nhạy cảm với các giải thưởng phát sóng truyền hình như Oscar: M for Malaysia của hai nhà làm phim Dian Lee và Ineza Roussille ghi lại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 vào năm 2018, khi Mahathir Mohamad trở thành thủ tướng lần thứ hai.
Chưa dừng ở đó, M for Malaysia đề cập đến các vấn đề nhạy cảm trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Mahathir Mohamad như Chiến dịch Lalang và phong trào cải cách liên quan đến Anwar Ibrahim; sự tham nhũng của Najib Razak; cuộc sống cá nhân của Mahathir Mohamad…
Từng chiếu ở các liên hoan phim quốc tế, M for Malaysia được khen ngợi là không có thành kiến và không mang mục đích tuyên truyền, dù đạo diễn Ineza Roussille vốn là cháu gái Mahathir Mohamad.
Oscar 2020 nhiều khả năng sẽ không thể bỏ qua đại diện Israel với Incitement. Bộ phim miêu tả chân dung gã sinh viên luật Yigal Amir, kẻ theo chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, ra tay ám sát thủ tướng Yitzhak Rabin vào năm 1995.
Dù đã xảy ra nhiều năm, câu chuyện rúng động vẫn gây ám ảnh. Khi chiếu tại liên hoan phim Toronto hồi tháng 9, nhiều khán giả đã hốt hoảng khiến buổi chiếu phải dừng lại để kiểm tra an ninh.
Sự ra đi của Yitzhak Rabin chôn vùi viễn cảnh hòa bình, tiếp tục chia rẽ một xã hội vốn đã tàn khốc, để lại dấu ấn không thể phai mờ trên chính trường Israel. Đây là yếu tố then chốt khiến Incitement trở thành tựa đề không dễ gì bỏ qua trong loạt phim châu Á đến Oscar.
Bạo lực, tình cảnh an ninh xã hội thể hiện rõ trong Verdict – đại diện Philipines, do đạo diễn rất trẻ (sinh năm 1992) Raymund Ribay Gutierrez thực hiện. Verdict đã giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim Venice hạng mục Horizon.
Verdict (tạm dịch: Bản án) nhưng theo lời Gutierrez, anh không đưa ra lời phán quyết nào cho những người cầm đầu đất nước. Sự hỗn mang trong Verdict được Gutierrez miêu tả như cuộc sống hiện tại: “Đó không phải là màu đen và trắng. Luật pháp không phải lúc nào cũng công bằng”.
Trước Verdict, điện ảnh Philipines được hồi sinh bởi những tên tuổi sáng giá như Brillante Mendoza, Lav Diaz… nhưng chưa thật sự được Oscar để mắt.
Đại chúng có lên ngôi?
Không hẹn mà gặp, hầu hết các phim có thành tích phòng vé nổi bật đều đến từ những quốc gia dày dạn kinh nghiệm trên đấu trường Oscar.
Trung Quốc mang Na Tra: Ma đồng giáng thế, doanh thu hơn 700 triệu USD toàn cầu chinh phục giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.
Là phim 3D, lại là phim hoạt hình có yếu tố thương mại cao, rõ ràng Na Tra: Ma đồng giáng thế không đặt mục tiêu thắng giải hay thậm chí được đề cử. Nhìn lại các năm gần đây, Trung Quốc đều mang phim bom tấn hoặc giải trí tham gia như Chiến Lang 2, Đường sơn đại địa chấn…
Việc Trung Quốc hờ hững với Oscar một phần vì trong lịch sử chỉ có hai phim được đề cử (đều của Trương Nghệ Mưu); phần còn lại là vì ngành công nghiệp phim ảnh xứ này quá mạnh, doanh thu hàng năm đều tăng… nên chuyện chẳng màng tới giải thưởng là điều dễ hiểu.
Tương tự như Trung Quốc, một đại diện Hoa ngữ khác là Hong Kong cũng chưa một lần thắng tượng vàng. Năm nay, họ ưu tiên phim có hai siêu sao màn bạc Cổ Thiên Lạc và Lưu Đức Hòa là Bão trắng 2: Trùm á phiện.
Là một trong những quốc gia châu Á nhiều lần được đề cử (thắng một), Nhật Bản chọn Weathering with You như một lời tri ân dành cho các nhà làm phim hoạt hình, đặc biệt sau vụ tai nạn thảm khốc tại xưởng Kyoto Animation. Weathering with You đạt 13 tỷ Yên tương đương 130 triệu USD.
Sau Cô ba Sài Gòn năm ngoái, phim Việt nuôi hi vọng với Hai Phượng (tựa Anh: Furie) dù biết rõ thể loại hành động rất khó cạnh tranh. Hai Phượng là phim Việt hiếm hoi chiếu trên Netflix – nền tảng xem phim trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay đồng thời ra rạp tại Bắc Mỹ thông qua nhà phát hành Well Go USA.
Bên cạnh đó, cái tên Ngô Thanh Vân ít nhiều ghi dấu ấn với khán giả phương Tây khi góp mặt trong các dự án bom tấn Hollywood. Hai Phượng được cho là phim cuối cùng trong vai đả nữ của Ngô Thanh Vân, kiếm về 115 tỉ đồng cùng một số lời khen từ các nhà phê bình uy tín như Hollywood Reporter, Houston Chronicle…
Hai đại diện Thái Lan và Ấn Độ cũng chọn phim giải trí có tính “đặc sản” đến Oscar bao gồm phim kinh dị Krasue: Inhuman Kiss và phim ca nhạc Gully Boy. Trong đó, Gully Boy có hai ngôi sao nội địa là Ranveer Singh và Alia Bhatt, giành được tình cảm của đại đa số khán giả lẫn giới chuyên môn khi chiếu giới thiệu tại Liên hoan phim Berlin.
Theo dòng sự kiện, Dear Ex của Đài Loan chắc chắn sẽ được cộng đồng LGBT hưởng ứng nhiệt tình khi hôn nhân đồng giới được hợp thức hóa vào tháng 5 năm nay tại đảo quốc này.
Kịch bản mới mẻ, cách xây dựng câu chuyện thú vị đã khiến Dear Ex từ một phim tâm lý xã hội không ngôi sao trở thành hiện tượng màn bạc, khiến Netflix mua bản quyền phát hành đầu năm nay.
Vàng thử lửa?
Cùng thắng giải cao nhất ở hai liên hoan phim quốc tế danh giá, liệu Parasite của Hàn Quốc và A Land Imagined của Singapore có đủ sức đại diện châu Á?
Được báo chí phương Tây đặc biệt là Mỹ dự đoán là ứng viên sáng giá, Parasite có vị trí khá an toàn ở cuộc đua năm nay. Đoạt Cành cọ vàng Cannes trong một cuộc bỏ phiếu đồng thuận, Parasite sau đó lập kỷ lục phòng vé Bắc Mỹ, củng cố cho những lời khen ồ ạt từ cả khán giả lẫn nhà chuyên môn.
Bên cạnh đó, nhà làm phim Bong Joon Ho vốn có tiếng vang không nhỏ ở Hollywood sau khi thực hiện Snowpiercer và Okja, lại tràn trề hi vọng mang về đề cử, thậm chí chiến thắng Oscar đầu tiên cho Hàn Quốc.
A Land Imagined ngược lại, phô diễn khả năng kể chuyện sáng tạo và mới mẻ, giành được Báo vàng Locarno và hàng chục giải thưởng lớn nhỏ.
Chất liệu neo-noir hiếm có khó tìm trên màn ảnh châu Á, được đạo diễn trẻ Yeo Siew Hua thể hiện tài tình, gợi nhớ tới loạt tác giả Hoa ngữ thế hệ mới như Lâu Diệp, Điêu Diệc Nam…
Như mọi năm, danh sách đề cử rút gọn (gồm 9 phim) sẽ được công bố trước khi đề cử chính thức (5 phim) diễn ra vào tháng 1 năm sau. Với những nhan đề đa dạng, cơ hội cho phim châu Á có nhưng lại không dễ lựa chọn đại diện tiêu biểu.