Thận trọng trước bối cảnh thị trường có những phiên trồi sụt và nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng, dòng tiền trong nước cũng đang rút dần khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong phiên sáng nay.
Sau phiên sáng lao dốc với lực bán liên tục gia tăng, đã khiến VN-Index mất hơn 13 điểm với hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm và thanh khoản sụt giảm.
Sang đến phiên chiều, diễn biến thị trường đã có những tín hiệu tích cực khi dòng tiền trở lại, kéo VN-Index trở lại mốc 975 điểm, nhưng lực cầu lần này cũng giống như phiên sáng, tỏ ra không đủ, trong khi lực bán mạnh lại tái diễn mỗi khi VN-Index cố gắng đi lên.
VN-Index vọt lên 970 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC, và chỉ số lại bị đẩy xuống, mất thêm gần 5 điểm.
Theo SHS, thanh khoản dường như mất hút, tiếp tục sụt giảm mạnh so với phiên trước và duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Nhưng theo chúng tôi, đây là điểm tích cực trong phiên giao dịch 21-6 khi điều này cho thấy áp lực bán đã yếu dần.
Phiên 22-6 được đánh giá là khá quan trọng khi đó là ngày được giao dịch của lượng hàng bắt đáy 19-6.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (22-6), một lần nữa lực bán kỹ thuật đổ vào thị trường đã khiến VN-Index mở cửa bốc hơi thêm 10 điểm, mất mốc 960 điểm.
Tuy nhiên, cũng rất nhanh sau đó, chỉ số lại quay trở lại tham chiếu và từ từ đi lên, nhưng rất chật vật, khi rung lắc liên tục diễn ra trên nền thanh khoản vẫn ở mức thấp và chưa thấy có dấu hiệu cải thiện.
Nhóm cổ phiếu đang hút lực mua lớn nhất đang là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như DLG, FLC, QCG, DXG, AAA cùng một vài mã ngân hàng, vốn đã quay trở lại giảm sâu trong những phiên gần đây như BID, CTG, VPB, STB, trong khi MBB và VCB đang chịu áp lực bán gia tăng.
Thanh khoản sàn HOSE tăng nhẹ so với phiên sáng hôm qua, một số mã vốn hoá lớn tăng vọt, đã có tác động tâm lý tốt lên thị trường, qua đó, VN-Index tạm nghỉ với số điểm phục hồi là gần 7 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 130 mã tăng và 110 mã giảm, VN-Index tăng 6,75 điểm (+0,7%), lên 976,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 56,15 triệu đơn vị, giá trị 1.603,57 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và tăng 11,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 5,46 triệu đơn vị, giá trị 202,9 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường phiên sáng nay điểm sáng lớn duy trì là VNM và GAS. Trong khi VNM +4,8% lên 178.100 đồng, khớp hơn 640.000 đơn vị, thì GAS cũng tăng khá tốt, khi +3,1% lên 91.900 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Cặp đôi VIC, VHM giảm nhẹ lần lượt 0,8% và 0,35% xuống lần lượt tại 123.000 đông và 114.600 đồng.
Ngoài ra, mất điểm còn có SAB -0,7%; TCB -0,8%, MSN giảm sâu nhất khi -2,3% xuống 79.100 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoài TCB giảm nêu trên thì phần còn lại cũng phục hồi, nhưng mức tăng phần lớn cũng chỉ khiêm tốn như VCB +0,2% lên 57.100 đồng; CTG +0,8% lên 25.550 đồng; BID tăng khá +2,4% lên 27.450 đồng; VPB +2,1% lên 31.650 đồng; MBB +0,6% lên 27.250 đồng; HDB +2,1% lên 37.250 đồng; STB +0,9% lên 11.800 đồng; EIB +0,7% lên 14.300 đồng; TPB đứng tham chiếu 27.400 đồng.
Trong số này, VPB khớp lệnh cao nhất với 1,9 triệu đơn vị; CTG có 1,85 triệu đơn vị; MBB có 1,8 triệu đơn vị; VCB và BID từ 1,3 đến 1,4 triệu đơn vị…
Nhóm bluechip VN30 có 19 mã tăng, gấp đôi số mã giảm, trong đó, ngoài đà tăng tốt của VNM, GAS thì còn có DHG +3% lên 103.000 đồng; BVH +3,6% lên 83.900 đồng; BMP +2,1% lên 59.400 đồng…
Cổ phiếu mất điểm lớn nhất vẫn là ROS, mặc dù thoát mức giá sàn nhưng chốt phiên sáng vẫn giảm mạnh 6% xuống 43.700 đồng, khớp lệnh hơn 1,1 triệu đơn vị.
Còn lại mất điểm nhẹ ngoài VIC, SAB còn có CII -0,6%; KDC -0,5%; NVL -0,2%; SBT -0,3%.
Khớp lệnh cao nhất nhóm, và cũng là cao nhất HOSE là HPG với hơn 3,6 triệu đơn vị, chốt phiên +2,2% lên 40.100 đồng; SSI có 2 triệu đơn vị được khớp, đứng tham chiếu tại 30.900 đồng. Theo sau là 4 mã ngân hàng nêu trên gồm CTG, MBB, VCB, BID.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ phiên sáng nay hút lực mua nhất là DLG, FLC, DXG, AAA, ASM, QCG, HAI…khớp lệnh từ hơn 500.000 đến 2,83 triệu đơn vị.
Trong khi đó, mất điểm là HAG, KBC, PDR, HBC, VND, TNI, TLD…khớp lệnh cao nhất có HAG với hơn 1,2 triệu đơn vị, VND có hơn 610.000 đơn vị.
Một số mã đáng lưu ý khác có PGD, khi tăng 6,8% lên 40.600 đồng, khớp lệnh tuy chỉ có gần 150.000 đơn vị, nhưng cũng lớn hơn rất nhiều các phiên gần đây.
VRE cũng tăng khá tốt +3% lên 39.650 đồng, khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị; TCH +3,5% lên 22.200 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị; VSC +2,5% lên 35.000 đồng, khớp hơn 110.000 đơn vị.
Ngược lại, giảm mạnh có DBD -4,5% xuống 42.000 đồng; PNJ -2,4% xuống 100.500 đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index lại giằng co, rung lắc trong cả phiên và tạm nghỉ trong sắc đỏ nhạt với diễn biến trái chiều từ nhóm cổ phiếu lớn chi phối.
Trong đó, PVS tăng 2,4% lên 17.000 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 2,6 triệu đơn vị; ACB +0,3% lên 38.300 đồng, khớp 1,27 triệu đơn vị; HUT +1,6% lên 6.300 đồng; VCG +1,2% lên 16.700 đồng; PVI +1,4% lên 30.000 đồng.
Ngược lại, SHB -1,2% xuống 8.500 đồng, khớp hơn 1,91 triệu đơn vị; VGC -1,7% xuống 23.600 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị; CEO -0,7% xuống 13.800 đồng; VCS -0,9% xuống 84.700 đồng.
Một số mã đứng tham chiếu là SHS, NVB, DTD, DST…và mã nhỏ PVX tăng kịch trần lên 1.500 đồng, khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 53 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,1%), xuống 110,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,35 triệu đơn vị, giá trị 235,54 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cvề khối lượng và tăng 82% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thoả thuận có thêm 1,44 triệu đơn vị, giá trị 58,2 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, diễn biến tương tự như trên HNX, khi chỉ số UpCoM-Index giằng co quanh tham chiếu cho đến hết phiên, nhưng may mắn hơn lại tạm nghỉ trong sắc xanh nhạt.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đều tăng với BSR +1,1%; OIL +3,8%; POW +2,3%, khớp lệnh từ hơn 400.000 đến hơn 600.000 đơn vị.
2 mã ngân hàng kém tích cực khi LPB -0,9% xuống 11.400 đồng thì VIB bị đẩy xuống tham chiếu 27.200 đồng.
Cổ phiếu cổ phiếu hàng không ngược chiều nhau, trong khi ACV +2,6% lên 91.500 đồng thì HVN -0,6% xuống 33.500 đồng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,04%), lên 51,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,61 triệu đơn vị, giá trị 53,24 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm hơn 900.000 đơn vị, giá trị 26 tỷ đồng.
-Theo ĐTCK