Lực bán tháo ồ ạt ngay khi thị trường bước vào phiên chiều đã đẩy VN-Index giảm gần 46 điểm, về sát mốc 940 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp hãm đà giảm của thị trường, kéo VN-Index lên trên mức đóng cửa của phiên sáng.
Sự hoảng loạn tiếp tục được thể hiện bởi ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán ồ ạt được tung vào thị trường, kéo VN-Index tiếp tục lao dốc.
Tại thời điểm 13h30, VN-Index giảm gần 36 điểm, tức mất 3,6% giá trị về mức 951 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 150 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.159 tỷ đồng.
Lúc này, trong nhóm VN30, không còn mã nào tăng. Trong đó, ROS giảm sàn về 51.200 đồng (-6,9%). Các mã thanh khoản cao như HPG, SSI, MBB, STB… cũng đều giảm trên 3%. HPG khớp hơn 7 triệu đơn vị, các SSI, MBB, STB cùng khớp trên 5 triệu đơn vị.
Trong Top mã vốn hóa lớn, việc TCB giảm sàn về 93.000 đồng (-7%) đang là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số, trong khi các mã còn lại phần đông giảm trên 3%. Các cổ phiếu ngân hàng trong nhóm là CTG, BID và VCB là các mã có thanh khoản cao nhất nhóm, với lượng khớp từ 2-4 triệu đơn vị.
Tương tự, sắc đỏ cũng bao trùm trên sàn HNX. Tại cùng thời điểm, HNX-Index giảm hơn 4 điểm, tương đương hơn 3,7% về mức 108,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 37 triệu đơn vị, giá trị hơn 560 tỷ đồng.
Rổ HNX30 cũng không còn mã nào tăng, trong đó VGC giảm sàn về 20.900 đồng (-9,9%). Mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB đang giảm rất mạnh 5,3% về 37.700 đồng và mã gây sức ép lớn nhất lên chỉ số sàn này. Thanh khoản cao với lượng khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Đang dẫn đầu thanh khoản là SHB với hơn 8 triệu đơn vị, giảm 3,4% về 8.500 đồng.
Điểm chung trên cả hai sàn là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang nằm sàn la liệt, có thể đến như DXG, VND, HBC, DIG, FIT, KVC, DS3, HKT, VIG…
Tại thời điểm thị trường giảm mạnh, cầu bắt đáy đã xuất hiện nhưng không thực sự mạnh, trong khi áp lực bán vẫn rất dứt khoát nên VN-Index nhanh chóng giảm trở lại sau mỗi nhịp hồi phục.
Tại thời điểm 14h, VN-Index giảm 41,09 điểm (-4,6%) về 946,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 180 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.935 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 4,89 điểm (-4,87%) về 108,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 669 tỷ đồng.
Dần về cuối phiên, cầu bắt đáy hoạt động mạnh hơn, qua đó giúp đà giảm của VN-Index hạn chế đáng kể. Cùng với đó, thanh khoản ghi nhận sự cải thiện mạnh.
Đóng cửa, với 257 mã giảm và 46 mã tăng, VN-Index giảm 25,18 điểm (-2,55%) về 962,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 250,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 6.828 tỷ đồng, tăng 38% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên 18/6.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,3 triệu đơn vị, giá trị gần 1.272 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của hơn 4 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 213,4 tỷ đồng; 2,1 triệu cổ phiếu TCB giá trần 107.000 đồng, giá trị 225,7 tỷ đồng; 4,58 triệu cổ phiếu FPT giá trần 48.550 đồng, giá trị 199,3 tỷ đồng; 11,67 triệu cổ phiếu EIB, giá trị 167,7 tỷ đồng…
Nhờ cầu bắt đáy hoạt động tốt, nhiều mã vốn hóa lớn đã thu hẹp đáng kể đà giảm, từ đó giảm bớt gánh nặng cho VN-Index. Chẳng hạn, TCB chỉ còn giảm 5% về 95.000 đồng, VIC chỉ còn giảm 0,3% về 123.000 đồng, VCB lùi về mức tham chiếu 56.500 đồng so với mức thấp nhất phiên 54.000 đồng trước đó…
Trong khi đó, một số mã lớn khác như VNM, VHM, MSN… vẫn giảm mạnh.
Ngoại trừ VHM và SAB, 8 mã trong Top 10 vốn hóa đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. CTG khớp mạnh nhất nhóm với 8,2 triệu đơn vị, giảm 1,7% về 25.400 đồng. VCB và BID cùng khớp trên 5 triệu đơn vị.
Tại nhóm VN30, HPG khớp lệnh 13,16 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, song mức giảm vẫn mạnh với 4,6% xuống 38.350 đồng. Các mã SSI, STB, MBB có thanh khoản thấp hơn, từ 5-8 triệu đơn vị và cũng đều giảm điểm, song mức giảm đã giảm bớt, từ 1-2%.
ROS do thanh khoản không cao, chỉ hơn 0,6 triệu đơn vị nên vẫn đo sàn ở mức 51.200 đồng. Một loạt mã bluechipkhác đã thoát giảm sàn như PNJ, VND, NVL, BVH, HCM, GMD… nhờ thanh khoản cải thiện.
Mặc dù đà giảm đã giảm đáng kể, song vẫn có hàng chục mã giảm sàn, trong đó có nhiều mã đáng chú ý như HBC, DXG, DWG, LDG, VCI, FIT, FCM, HTT, JVC…, trong đó thanh khoản cao có HBC với 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh, FIT với 1,3 triệu đơn vị.
–Theo ĐTCK