Áp lực chốt lời xuất hiện mạnh trong phiên chiều, nhất là khi VN-Index chạm vùng 1.140 điểm, đẩy nhiều mã ngân hàng đảo chiều, khiến VN-Index thoái lui theo. Tuy nhiên, nhờ đà tăng của VNM, VCB, GAS, nên VN-Index vẫn đứng vững.
Trong phiên sáng, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 1.140 điểm ngay đầu phiên, nhưng sau đó chịu áp lực chốt lời nên hạ nhiệt. Sau đó, chỉ số này giằng co quanh ngưỡng 1.138 điểm khi sự phân hóa diễn ra trong nhóm bluechip.
Trong phiên giao dịch chiều, VN-Index một lần nữa chinh phục lại ngưỡng 1.140 điểm, nhưng cũng giống như 2 lần ở phiên sáng, áp lực chốt lời gia tăng, đẩy chỉ số này thoái lui trở lại. Thậm chí, trong phiên chiều, áp lực chốt lời đã xuất hiện tại nhóm ngân hàng, đẩy nhiều mã quay đầu như CTG, STB, BID, khiến VN-Index bị đẩy lùi mạnh hơn, có lúc về sát tham chiếu.
Khi nhiều nhà đầu tư đã nghĩ tới kịch bán xẩu với VN-Index trong phiên hôm nay, thì bất ngờ thị trường lại nhận được sự hỗ trợ đắc lực của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VNM, VCB và GAS, giúp chỉ số này nảy trở lại vào cuối phiên và đóng cửa tiếp tục có sắc xanh.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 4,78 điểm (+0,42%), lên 1.138,09 điểm với 147 mã tăng và 142 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 250,55 triệu đơn vị, giá trị 7.120,44 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,44% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28 triệu đơn vị, giá trị 714,3 tỷ đồng.
Như đã đề cập, áp lực chốt lời khiến 2 mã “hót” nhất của nhóm ngân hàng trên sàn HOSE trong thời gian qua là STB và CTG đều quay đầu điều chỉnh. Trong đó, STB giảm 0,31%, xuống 16.050 đồng với 16,44 triệu đơn vị được khớp, vẫn dẫn đầu sàn HOSE về thanh khoản. Trong đó, khối ngoại bán ròng khá mạnh với khối lượng bán ròng hơn 1 triệu đơn vị.
CTG cũng giảm 0,42%, xuống 35.550 đồng với 8,6 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 5 sau STB, SBT, HAG và FLC. Ngoài ra, BID cũng quay đầu giảm 0,51%, xuống 39.000 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp.
Các mã lớn khác cũng chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm nay còn có VIC (-0,1%, xuống 102.500 đồng), SAB (-1,11%, xuống 214.600 đồng), VRE (-4,12%, xuống 53.500 đồng), MSN (-1,05%, xuống 94.000 đồng).
Trong khi đó, VCB lại giữ được đà tăng mạnh 2,5%, lên 73.800 đồng. VNM cũng bất ngờ đảo chiều tăng 1,43%, lên 213.000 đồng. GAS cũng có sắc xanh với mức tăng 2,78%, lên 118.200 đồng.
Cũng có sắc xanh như VCB trong nhóm ngân hàng còn có VPB khi tăng 0,47%, lên 64.500 đồng và lọt Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, MBB tăng nhẹ 0,29%, lên 34.800 đồng với 8,14 triệu đơn vị được khớp. Đặc biệt, sau 5 phiên lình xình quanh ngưỡng 42.500 đồng, HDB đã có phiên giao dịch khởi sắc với mức tăng 4,02%, lên 44.000 đồng với gần 6 triệu đơn vị được khớp. Dù trong phiên nay, HDB bị khối ngoại bán ròng hơn gần 2,3 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu khác, SBT tiếp tục khởi sắc, dù không thể có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Chốt phiên, SBT tăng 6,34%, lên 19.300 đồng, mức cao nhất ngày với 14,3 triệu đơn vị được khớp.
Với nhóm cổ phiếu nhỏ, HAG và FLC có giao dịch khá sôi động với trên dưới 10 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 3,63%, lên 7.410 đồng và 1,21%, lên 5.870 đồng.
Trong khi IDI chịu áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng mạnh trước đó nên quay đầu điều chỉnh 4,64%, xuống 15.400 đồng với gần 7 triệu đơn vị được khớp, thì ASM vẫn giữ được sức nóng với mức tăng 4,63%, lên 11.300 đồng, mức cao nhất ngày với 5,9 triệu đơn vị được khớp.
Các mã nhỏ khác nổi sóng trong phiên hôm nay phải kể đến QCG, đôi lúc là HAR, FIT, FTM, TLD, NVT, CEE, C47, RIC, VID…
Trên HNX, với sự khởi sắc của PVI, nhóm chứng khoán và VGC, HNX-Index cũng bật mạnh ngay đầu phiên chiều và thiết lập đỉnh của ngày trước khi hạ nhiệt nhẹ do SHB hạ nhiệt bớt và ACB chỉ lình xình ở tham chiếu.
Chốt phiên chiều 14/3, HNX-Index tăng 0,77 điểm (+0,59%), lên 130,43 điểm với 90 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,91 triệu đơn vị, giá trị 1.238,13 tỷ đồng, tăng 37,5% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,38 triệu đơn vị, giá trị 10,85 tỷ đồng.
Chốt phiên chiều nay, SHB không giữ được mức giá cao nhất ngày khi đóng cửa ở mức 13.000 đồng, tăng 2,36% với 34,44 triệu đơn vị được khớp, cao nhất thị trường. ACB chỉ đứng ở tham chiếu 49.200 đồng với 2,97 triệu đơn vị được khớp. PVS không có tiến triển hơn khi đóng cửa giảm 2,15%, xuống 22.800 đồng.
Trong khi đó, thị trường lại ghi nhận sự khởi sắc của PVI với mức tăng 9,59%, lên 42.300 đồng với 1,67 triệu đơn vị được khớp, có lúc đã lên mức trần 42.400 đồng.
Ngoài ra, VGC cũng giao dịch tích cực phiên chiều nay khi tăng 3,46%, lên 23.900 đồng với 2,19 triệu đơn vị được khớp.
Trong các mã nhỏ, sau 2 phiên lặng sóng và phiên sáng nay gần như bị quên lãng, thì KLF bất ngờ lại tăng trần lên 2.600 đồng trong phiên chiều nay với 1,35 triệu đơn vị được khớp. Sắc tím cũng xuất hiện tại NHP, SPI, DCS, DPS, HVA…
Nhóm chứng khoán ghi nhận đà tăng tốt của SHS (+5,8%, lên 23.700 đồng, khớp 5,35 triệu đơn vị), MBS (+1,65%, lên 18.400 đồng), VIX (+2,94%, lên 10.500 đồng)…
Trên UPCoM, sau ít phút cầm cự, UPCoM-Index đã bị đẩy mạnh xuống dưới đường tham chiếu, thiết lập mức đáy của ngày trước khi bật trở lại và may mắn đóng cửa với mức tăng nhẹ, gần như không đổi.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,06%), lên 61,29 điểm với 87 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,09 triệu đơn vị, giá trị 551,64 tỷ đồng, giảm 27,4% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,5 triệu đơn vị, giá trị 8,4 tỷ đồng.
Trên sàn này, ngoại KLB giảm nhẹ, còn lại các mã ngân hàng khác đều có sắc xanh, đặc biệt là VIB tăng 9,56%, lên 42.400 đồng. LPB dù tăng nhẹ 0,63%, lên 16.000 đồng, nhưng có thanh khoản tốt với 2,95 triệu đơn vị, đứng sau BSR và POW.
Trong khi đó, cả 3 mã mới lên sàn đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, BSR giảm 5,36%, xuống 26.500 đồng với 5,33 triệu đơn vị, đứng đầu về thanh khoản. POW giảm 1,16%, xuống 17.000 đồng với 4,46 triệu đơn vị. OIL cũng giảm 3,06%, xuống 22.200 đồng.
Cũng giảm giá còn có một số mã lớn như HVN, DVN, LTG, MSR, ACV, SDI, trong khi ngoài 3 mã ngân hàng trên, còn có sự hỗ trợ của VGT, MCH, KDF.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, SBS bất ngờ nổi sóng khi đóng cửa ở mức trần 2.900 đồng với 0,55 triệu đơn vị được khớp.