Việc không nhận được sự ủng hộ của dòng tiền trong bối cảnh áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã bluechip chìm trong sắc đó, từ đó kéo VN-Index giảm mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản ghi nhận sự cải thiện nhẹ khi dòng tiền chuyển hướng sang các mã vừa và nhỏ, có thông tin riêng.
Thực tế giao dịch cho thấy, dòng tiền chảy khá tích cực vào bluechip trong thời gian đầu phiên, nhưng sau đó đuối dần. Theo đó, sắc xanh có được thời gian đầu cũng nhạt dần và nhường chỗ cho sắc đỏ. Việc dòng tiền dè dặt khiến VN-Index rung lắc mạnh, trước khi đi theo xu hướng giảm.
Trong phiên giao dịch chiều, tiền tiếp tục tỏ ra thận trọng với nhóm cổ phiếu bluechip khiến sắc đỏ tiếp tục nới rộng tại nhóm này. Hệ quả là đà giảm của VN-Index nhanh chóng được nới rộng.
Dè dặt với nhóm bluechip, song dòng tiền lại tỏ ra khá “phóng khoáng” với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu có thông tin hỗ trợ. Sự chuyển hướng này chưa thể giúp VN-Index hãm bớt đà rơi, song thanh khoản thị trường có sự cải thiện nhẹ.
Đóng cửa, với 157 mã giảm và 114 mã tăng, VN-Index giảm 14,81 điểm (-1,44%) xuống 1.015,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 166,15 triệu đơn vị, giá trị 4.548,9 tỷ đồng, tăng 43,23% về khối lượng và 16,94% về giá trị so với phiên 13/6.
Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 31 triệu đơn vị, giá trị trên 911 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 4,21 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 225,46 tỷ đồng; 4,338 triệu cổ phiếu STB ở mức giá trần 13.650 đồng, giá trị 59,2 tỷ đồng; 2,21 triệu cổ phiếu SKG ở mức giá sàn 26.700 đồng, giá trị 59,2 tỷ đồng; 2,5 triệu cổ phiếu SJS, giá trị 60 tỷ đồng…
Những phiên gần đây, dòng tiền có xu hướng thận trọng với các cổ phiếu bluechip và phiên hôm nay cũng không là ngoại lệ. Trong rổ VN30, chỉ có 11 mã đạt mức khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị trở lên và mã khớp lệnh cao nhất là HPG với hơn 6,5 triệu đơn vị. Ở nhóm vốn hóa lớn, chỉ có 4 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị và mã có thanh khoản cao nhất là BID với 3,86 triệu đơn vị được khớp.
Do không nhận được sự ủng hộ của dòng tiền nên đa phần nhóm bluechip giảm điểm khi rổ VN30 có tới 21 mã giảm. Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thì cũng giảm tới 9, chỉ duy nhất MSN tăng điểm. Trong đó, các ông lớn ngân hàng như VCB, CTG, BID, VPB… đều giảm mạnh. Việc các mã lớn đồng loạt giảm nên VN-Index khó tránh được phiên giảm sâu.
BID và VPB cùng giảm 4,6% về tương ứng 28.300 đồng và 50.000 đồng, VCB giảm 3% về 58.100 đồng, CTG giảm 2,4% về 26.800 đồng… Các mã MBB, HDB đều giảm trên 4%, trong khi TCB, TPB có mức giảm nhẹ. STB dù được thỏa thuận khá cao ở mức giá trần, nhưng kết phiên vẫn giảm 2%. EIB là mã duy nhất tăng điểm. Các mã có thanh khoản cao là BID, CTG, MBB khớp trên 3 triệu đơn vị; VPB, MBB, STB khớp trên 2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã như VNM, GAS, VIC, VHM, BVH, SSI, HPG… cũng đều ghi nhận mức giảm khá mạnh. VNM -0,8%, VIC -1,6%, VHM -0,8%, GAS – 2,7%, BVH -6%, HPG -1,8%, SSI -4%…
Như đã nêu ở trên, dòng tiền phiên này đã chuyển sang các mã vừa nhỏ, đặc biệt tại cổ phiếu có thông tin. Đơn cử, sau khi thông tin về kế hoạch kinh doanh 2018 được công bố, cặp đôi HAG – HNG phiên này khớp lệnh khá đột biến, với 14,9 triệu đơn vị dành cho HAG, dẫn đầu sàn, còn HNG khớp 5,68 triệu đơn vị, đứng thứ 5. HAG tăng 3,6% lên 4.650 đồng, HNG tăng 5,6% lên 9.100 đồng.
Tương tự, thông tin Đầu tư Hoa Sen đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HSG giúp mã này tăng 3,1% lên 13.200 đồng và thanh khoản khá mạnh với 4,46 triệu đơn vị được khớp, trong khi các mã cùng ngành như HPG, NKG… đều giảm điểm.
Ngoài ra, nhiều mã vừa đi ngược thị trường, vừa có thanh khoản tốt như HBC, IDI, SCR, KBC, AAA, ITA, QCG, HAR…
Ở chiều ngược lại, các mã FLC, DXG, HQC, NVL, VND… giảm điểm, khớp lệnh từ 1-5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến giảm cũng tăng dần về cuối phiên khi đa phần các mã bluechips đều giảm mạnh, thanh khoản giảm nhẹ.
Đóng cửa, với 80 mã giảm và 39 mã tăng, HNX-Index giảm 1,77 điểm (-1,52%) xuống 114,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,28 triệu đơn vị, giá trị 458,53 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên 13-6.
Giao dịch thoả thuận đóng góp khiêm tốn với 3,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 28 đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 2,4 triệu cổ phiếu SHB ở mức giá sàn 8.300 đồng, giá trị hơn 22 tỷ đồng.
Cũng tương tự như rổ VN30, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trong rổ HNX30 với 20 mã giảm và chỉ có 3 mã tăng, từ đó gây sức ép lớn lên HNX-Index.
Trong số 9 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị thì có tới 7 mã giảm và 2 mã đứng giá, 7 mã trong số này là các mã trụ. Chẳng hạn, SHB giảm 2,2% về 9.000 đồng và khớp 5,8 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. ACB cũng giảm 2,2% về 40.600 đồng và khớp 3,79 triệu đơn vị. PVS giảm 2,3% về 16.700 đồng và khớp 2,16 triệu đơn vị…
Mã DST có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp về 3.000 đồng (-9,1%) và khớp 5,04 triệu đơn vị, đứng sau SHB.
Ngược lại, các mã KLF, NHP, KVC, HKT, DTD cùng tăng trần, song thanh khoản không cao.
Các mã NVB, PVX và HUT cùng đứng giá tham chiếu, trong đó PVX và HUT cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sắc đỏ cũng chiếm phần lớn thời gian giao dịch, nhưng tích cực hơn so với 2 sàn niêm yết khi đà giảm càng về cuối phiên càng được hạn chế. Tuy nhiên, thanh khoản rất èo uột.
Đóng cửa, với 70 mã tăng và 50 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,18%) xuống 53,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 5,4 triệu đơn vị, giá trị 91,95 tỷ đồng, giảm 38% về khối lượng và 68% về giá trị so với phiên 13-6. Giao dịch thoả thuận có thêm hơn 2,8 triệu đơn vị, giá trị 183 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,27 triệu cổ phiếu TBD, giá trị 109,22 tỷ đồng.
Phiên này, BSR là mã duy nhất khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, tăng 2,2% lên 18.900 đồng. Các mã “nóng” khác như POW, LPB, HVN, VIB, OIL… thanh khoản không mạnh. Ngoại trừ POW đứng giá tham chiếu 13.600 đồng, còn lại đều giảm.
OIL giảm 0,6% về 16.900 đồng, LPB giảm 0,8% về 12.100 đồng, VIB giảm 2,3% về 29.500 đồng, HVN giảm 3,4% về 34.400 đồng…
Cũng như các mã ngân hàng khác, mã BAB giảm 0,5% về 22.100 đồng và cũng là phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Ngược lại, KLB có phiên tăng thứ 2 liên tiếp lên 11.300 đồng (+2,7%).
–Theo ĐTCK