Ứng dụng phòng chống dịch Pc-Covid của Việt Nam đã chính thức lên hai kho ứng dụng lớn nhất là Google Play và App Store. Pc-Covid sẽ là ứng dụng duy nhất cho công tác phòng chống dịch Covid và thay thế cho toàn bộ các app chống dịch trước đây…
Từ rạng sáng 30-9, PC-COVID – ứng dụng phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam – đã chính thức có mặt trên hai kho ứng dụng Apple Store và Google Play.
Đây là ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 thống nhất sử dụng trên toàn quốc do Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch bệnh COVID-19 quốc gia – thuộc Bộ Thông tin và truyền thông – trực tiếp phát triển.
Thay thế gần hết các app COVID-19 hiện nay
Theo chia sẻ từ các chuyên gia thuộc Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, PC-COVID được thiết kế để thay thế và tích hợp các ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 hiện đang do Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế đang triển khai như: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh. Các tính năng này được tổng hợp từ loạt ứng dụng phòng chống dịch trước đó, như Bluezone, VHD, VNeID, Sổ sức khỏe điện tử…
PC-Covid được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực từ bốn nguồn dữ liệu lớn, quan trọng, gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.
Cấp mã QR cá nhân cho từng người dân sử dụng
Với ứng dụng PC-Covid, sau khi nhập thông tin vào, người dùng sẽ được cấp mã QR cá nhân duy nhất chứa các thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, số CMND/CCCD… Mã này được sử dụng để người dân di chuyển ra vào các cơ quan, nơi làm việc, chốt kiểm dịch, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh…
Ngoài ra, PC-Covid còn có nhiều chức năng khác như khai báo di chuyển nội địa; tra cứu thông tin tiêm vaccine Covid-19, kết quả xét nghiệm; thông tin nơi đã đến; khai báo y tế; thông tin thẻ Covid-19; truy vết thần tốc; bản đồ nguy cơ; thông tin mật độ di chuyển; xu hướng lây nhiễm; chiến lược tổng thể phòng dịch…
Một trong những tính năng nổi bật trên PC-Covid 19 là Thẻ Covid-19. Màu thẻ (xanh, vàng, đỏ) được hiển thị tùy thuộc vào các dữ liệu của người dùng, cụ thể là thông tin về dịch tễ, từ các hệ thống quản lý tiêm vaccine, hệ thống quản lý xét nghiệm… Trong đó quy định người có thẻ xanh (trên app PC-Covid) sẽ được phép di chuyển, người có thẻ vàng bị hạn chế đi lại, còn người có thẻ Covid màu đỏ không được di chuyển.
Khi xuất hiện ca nghi nhiễm, PC-COVID sẽ cung cấp các thông tin về mã QR, khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, phát hiện tiếp xúc gần, phản ánh từ người dân… để cho ra kết quả truy vết các trường hợp nghi nhiễm trong thời gian nhanh nhất.
PC-COVID không thay thế Sổ sức khỏe điện tử
PC-COVID sẽ được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với bốn nguồn dữ liệu lớn, quan trọng, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa COVID-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm COVID-19.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, ba nguồn dữ liệu đầu là tập trung, thống nhất, riêng nguồn thứ tư hiện đang phân tán ở các địa phương, bệnh viện, cơ sở xét nghiệm, cần tập hợp, thống nhất lại.
Theo thiết kế, PC-COVID cũng sẽ đưa ra loại thẻ “xanh – vàng – đỏ”. Cụ thể về mức độ đánh giá, hiển thị “màu” thẻ sẽ dựa vào quy trình về thông tin dữ liệu dịch tễ do Bộ Y tế cung cấp.
PC-COVID khi đi vào hoạt động sẽ chỉ tích hợp và thay thế các ứng dụng phòng chống dịch do bộ và Bộ Y tế đang triển khai, vận hành. Còn các ứng dụng về phòng chống dịch của một số địa phương đã triển khai sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.
PC-COVID cũng sẽ không thay thế ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vì Sổ sức khỏe điện tử được xác định sẽ thay thế sổ khám sức khỏe giấy, theo mỗi cá nhân cả đời, phục vụ công tác khám chữa bệnh đa dạng, chứ không riêng mỗi chuyện tiêm phòng COVID-19.
Hiện Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế đang yêu cầu các bên liên quan đẩy nhanh quá trình cập nhật, sửa lỗi dữ liệu và hoàn thiện ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”.