Công ty thông báo tháng sau chuyển qua văn phòng mới. Chuyện có đáng gì, ở đâu cũng vậy, chỉ là một chỗ ngồi và cái máy tính, nhưng lòng vẫn bâng khuâng. Ấy là vì anh đã lỡ yêu cái không gian quen thuộc chín năm qua đi về mất rồi, vậy nên chưa đi mà đã nhớ.
Văn phòng anh làm là một ngôi nhà bốn tầng cũ kỹ và xấu xí, đến độ có lần cô cộng tác viên ghé chơi đã không giấu được vẻ thất vọng mà nói rằng “em cứ tưởng văn phòng anh phải thế nào chứ”. Thế nào là thế nào, ở đời có rất nhiều cái bất hợp lý, kiểu như nhiều kiến trúc sư vẫn mặc cảm về việc mình chuyên đi làm nhà đẹp cho người ta nhưng nhà của mình thì chưa đẹp, vậy đó. Nhưng anh vẫn yêu cái không gian xấu xí ấy. Chắc bởi vì nó mở ra một khoảng trời nhiều khi xanh rời rợi bên ngoài, mở ra góc ngã tư láo nháo xe cộ, có cây cột điện rối nùi như miếng giẻ chùi nồi mà mấy ông tây balô mỗi lần đi qua đều dừng lại và giơ camera lên, ra chiều thú vị lắm. Ngồi một góc trong suốt chín năm thì liệu có chán không? Nhiều khi thấy bạn bè nhảy việc anh cũng tự hỏi rồi thấy khó quá, cho qua. Nhưng từ góc ngồi này, anh cũng thấy được bao nhiêu điều hay ho. Từ chuyện người, chuyện cây và chuyện xe cộ ngược xuôi phía dưới.
Công việc của anh liên quan đến chữ nghĩa, viết lách. Anh có một thói quen rất buồn cười là cứ khi bí bách hoặc không còn cảm hứng lại đứng lên, làm một vòng từ cái bình nước nóng lạnh ra tới bảng thông báo, xong, về chỗ ngồi, vén rèm nhìn ra đường một chút là mọi thứ lại đâu vào đó. Tay lại lóc cóc liên hồi. Nhiều lúc anh cũng thắc mắc rằng ngoài đó có gì mà sao cứ nhìn ra thì mình lại có cảm hứng làm việc? Có gì đâu, chỉ là cây điệp cổ thụ nở hoa vàng rực rỡ, thi thoảng gặp khoảnh khắc cơn gió đi ngang qua thì đẹp thôi rồi, bay đầy trời và rải lên vỉa hè một thảm vàng rực rỡ không kém. Mà cây điệp ấy bây giờ cũng có còn đâu, thay vào đó là một cây móng bò khẳng khiu, gầy nhẳng. Ngày chiếc xe cẩu của công ty công viên cây xanh dừng lại bên cây điệp, anh có mặt. Anh nghĩ chắc mấy ổng đi mé nhánh khô để chuẩn bị cho mùa mưa thôi, ai ngờ tiếng cưa máy rè rè suốt buổi sáng. Lúc anh mở cửa sổ nhìn ra thì đã thấy một khoảng trống chói chang nắng. Không hiểu nổi, vì cây đang tươi xanh và để có một gốc cổ thụ như vậy, phải mất vài chục năm. Anh bỗng nhớ đến mấy người phụ nữ trèo lên cây để thể hiện thái độ và bảo vệ mấy cây cổ thụ ngoài lề đường, trước ngôi nhà của mình. Nhớ đến những bạn trẻ đứng ôm cây ngoài đường Tôn Đức Thắng. Giá như ngày đó mình trèo hoặc ôm cây như họ thì mọi chuyện sẽ thế nào nhỉ?
Tán cây mất đi cũng lộ ra chiếc xe nhỏ xíu và người đàn ông nhỏ xíu mà anh gặp hằng ngày khi đi ngang qua, nhưng từ khi mất tán cây thì anh nhìn rất rõ, từ văn phòng của mình. Thực ra, đây cũng là góc phố mưu sinh của người đàn ông ấy vài chục năm rồi. Nhà ông ở đâu đó trong hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cứ bảy, tám giờ sáng đẩy xe ra phố, tìm bóng mát dưới gốc cây và bắt đầu công việc. Ông làm nghề sửa xe. Anh để ý thì khách ghé sửa xe hầu hết chỉ vá ruột hoặc bơm bánh xe bị yếu hơi. Bởi nhìn hình dáng ông và cái tủ đồ bé xíu, ít ai tin tưởng vào tính chuyên nghiệp của người thợ. Vả lại, gần đó là hai tiệm sửa xe khá lớn. Anh cũng có lần sử dụng dịch vụ của ông. Chỉ nhờ bơm bánh xe nhưng ông hăng hái vặn xiết lại tất cả ốc vít. Dù phải trả thêm chút xíu cho dịch vụ cộng thêm ấy nhưng anh thấy không thành vấn đề. Ai mà chẳng mưu sinh?
Chín năm đi về với một chỗ ngồi, một văn phòng cũng hình thành những thói quen nhất định. Cữ cà phê sáng là không thể thiếu. Hình như chín năm qua anh chỉ cà phê sáng ở hai quán gần văn phòng, không hơn. Mỗi quán là một giai đoạn, kết thúc quán này rồi mới tìm quán khác, như những cuộc tình. Quán đầu tiên nằm trong một tòa nhà gần văn phòng, cô chủ quán người Bắc, cao ráo và khéo léo. Quán chỉ chuyên phục vụ cà phê và các loại nước uống, đồ ăn thì chỉ có món mì gói nấu với thịt bò nhưng khá ngon. Thậm chí, có anh bạn ngồi chung quán còn cho rằng món mì bò ở đây ngon nhất Sài Gòn. Những kỷ niệm của anh với quán này gắn liền với anh đồng nghiệp lớn tuổi. Hai anh em làm chung một nhóm, sáng nào cũng ngồi ở đây, dò vé số rồi cùng nhau đi “cày”. Anh nhớ có ai đó nói rằng chỉ có những người nghèo mới tìm niềm vui và nuôi hy vọng ở trò may rủi với các công ty xổ số, nếu vậy thì buồn thật, vì dạo này thấy đội ngũ người già và trẻ em bán vé số ngày càng nhiều, mà đông người mua thì mới lắm kẻ bán. Anh đồng nghiệp cưới vợ muộn, gần năm mươi mới có con, ở nhà thuê… Anh em cùng chụp hình, viết lách, có cơ hội tiếp cận với những ngôi nhà đẹp và hoàn toàn có thể hình dung về một ngôi nhà đẹp của mình, dĩ nhiên là “trong mơ”, đó cũng là một bi kịch. Những tờ vé số sẽ cho người ta mơ tiếp giấc mơ đó chăng? Cho đến bây giờ, anh vẫn chăm chỉ hằng ngày dò vé số, riêng anh đồng nghiệp còn chẳng có cơ hội đó. Anh mất ở tuổi năm mươi mốt, khi cậu con trai chưa vào lớp 1.
Quán cà phê thứ hai anh thường uống gần đây, khi quán cũ đã đổi người nấu mì bò. Quán mới cũng dạng cà phê lóc cóc leng keng, nhưng vẫn đông khách. Lý do để anh chọn ngồi quán này vì gần văn phòng. Chỉ băng ngang đường và đi bộ 1 phút. Ngoài chuyện cà phê sạch thì quán không có gì đặc biệt. Nhưng anh là người mơ mộng, luôn có cách để chiếm lĩnh và biến những thứ không có gì đặc biệt thành một phần nào đó của mình. Chị khách ngồi chung quán là một ví dụ. Quán đa phần là đàn ông và chị là một khách nữ hiếm hoi rất trung thành. Chẳng biết vô tình hay hữu ý nhưng thường thì sáng nào anh và chị đều chọn một vị trí quen thuộc riêng thường là đối diện nhau. Chưa bao giờ trò chuyện nhưng vì cùng là khách quen nên vẫn gật đầu chào nhau khi có dịp. Anh đã từng làm thơ về chị (dĩ nhiên là chị không biết). Mấy ông bạn trên Facebook của anh có lần đọc thơ đã tò mò và đòi bằng được là phải đến uống quán đó và tìm xem nàng thơ của anh là ai. Bài thơ thế này:
Cà phê cóc chỗ ngồi quen
Anh sa vào khoảng không đầy gió
Kìa em, khuy áo còn bỏ ngỏ
Em câu ánh nhìn mà anh được tứ thơ…
Mấy cái thằng, đã bảo là chẳng có gì đặc biệt. Vậy mà cứ đòi ghé quán, chẳng biết vì nàng thơ của mình hay chỉ vì hai câu thơ cuối?