Với nhiều doanh nghiệp, bên cạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận, việc tham gia các hoạt động ý nghĩa vì lợi ích của cộng đồng cũng luôn được chú trọng và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Cụm công trình A place we stand (Nơi chúng ta đứng) do Tập đoàn SCG phối hợp với các kiến trúc sư trẻ của Thái Lan thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở thành phố Saensuk (tỉnh Chonburi, Thái Lan) là một ví dụ.
A place we stand là một quần thể bao gồm ba công trình là Live for Reading Room, The Flow và The Labyrinth, cùng tọa lạc trên bãi biển Bangsaen, cùng mang nét đặc biệt là tất cả đều được làm từ các nguyên vật liệu do SCG sản xuất. Live for Reading Room là một thư viện cộng đồng do kiến trúc sư Duangrit Bunnag thiết kế. Công trình này là một khối kiến trúc đơn giản ẩn mình dưới những tán lá dừa, có kết cấu nhẹ, tường và mái sử dụng tấm ngói trong (translucent sheet). Vật liệu này cho phép ánh sáng tự nhiên xuyên qua, chan hòa vào nội thất của thư viện, tạo nên một không gian thân thiện với mắt của người đọc và giúp tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng. Cách sử dụng vật liệu như thế vừa giúp cho công trình hòa hợp với thiên nhiên, vừa đem lại cho người sử dụng những trải nghiệm hết sức thú vị. Đến đây, người ta có thể tìm kiếm và chia sẻ kiến thức trong tiếng vỗ về của sóng biển, cảm nhận được sự biến đổi về mặt thị giác của ánh sáng và những tán cây qua sự thanh lọc của vật liệu, những làn gió biển…
Nếu như thư viện lựa chọn vị trí ẩn mình dưới những tán cây thì công trình The Flow (Dòng chảy) của kiến trúc sư Twitee Vajrabhaya Teparkum lại lựa chọn một vị trí thoáng rộng trên bờ cát, hướng ra biển. Một sàn nhà được nâng cao với hình dáng giống như trang giấy uốn cong mở ra một không gian đa dụng. Đó có thể là một chỗ ngồi để thưởng ngoạn cảnh biển, là một khán đài để theo dõi các trận đấu, là một sân khấu nhỏ cho các buổi trình diễn nghệ thuật… Do tính đa chức năng của công trình nên các bộ phận của sàn nhà cũng khá linh hoạt, có thể điều chỉnh để tạo thành bàn, ghế cho các hoạt động khác nhau. Mái nhà được tạo thành bởi các tấm ngói trong và tấm xi măng smartboard của SCG, vừa giải quyết chống nóng, vừa tạo nên bóng mát.
Đã có một thư viện để tìm kiếm và chia sẻ kiến thức cùng một sân khấu để trình diễn nghệ thuật, vì vậy The Labyrinth (Mê cung) do kiến trúc sư Pitupong Chaowakul thiết kế giống như một sân chơi cho tất cả mọi người. Ý tưởng của thiết kế này là để người lớn và trẻ em cùng tham gia rèn luyện sức khỏe và tận hưởng môi trường thiên nhiên. Mê cung là một khối kiến trúc có kết cấu vững chắc. Cách thực hiện là dùng xi măng portland hòa với sơn đỏ và tạo khuôn ngay tại hiện trường để đảm bảo độ vững chắc của kết cấu cũng như sự an toàn cho người sử dụng. Các đường dẫn và cầu thang được thêm vào sau đó, tạo nên nhiều luồng lưu thông đan xen. Đi bộ một vòng trong sân chơi này sẽ giúp tiêu thụ mười calorie, vì vậy công trình này còn có tên gọi là “Tháp 10 calo”.
Cụm ba công trình này không chỉ được xây dựng ở bãi biển Bangsaen, mà còn được triển khai ở nhiều địa phương khác của Thái Lan. Như vậy, dự án Nơi chúng ta đứng không chỉ mang lại cho cộng đồng cơ hội tiếp cận tri thức, nghệ thuật và rèn luyên thể thao, mà còn là một cách xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả.
Bài Nam Khương, Ảnh Tư liệu (DNSGCT)