Khi thành phố chìm mình vào đêm, thay vì phóng xe ra đường, lao mình vào dòng người hun hút ngoài kia bằng những cuộc vui, ta chọn cho mình một thế giới riêng lẻ, bằng những vụn vặt nỗi nhớ đánh rơi đâu đó ngoài kia sau bao năm xa quê lay lắt với vòng xoáy mưu sinh nơi xứ người. Ký ức quê nhờ những buổi tối quạnh quẽ như dòng chảy khúc sông quê bên bồi, bên lở, cuốn đám lục bình tím biếc theo dòng nước nhuốm phù sa đục ngầu cứ thế chầm chậm tìm về trong vốc nhớ chập chờn tựa ánh trăng đêm.
Ta nhớ đến dáng mẹ những đêm dài hun hút chạy mưa cho đám thóc vừa mới tuốt độ ban chiều, hong nửa chừng bởi vốc nắng nhạt thếch những mùa tháng 6 ẩm ương. Hương thóc nồng nồng, theo ngọn gió giữa đêm xộc thẳng vào căn buồn cũ kĩ. Gió trêu ghẹo cánh cửa mọt mối, kẽo kẹt cùng đám bò hóng bám rít trịt trên mái nhà, đung đưa theo từng tiếng thở đều đặn của đám trẻ con sau một ngày dãi dầu trên cánh đồng quê cháy nắng.
Mùa gặt bắt đầu từ giữa tháng 6, những đụm rơm vàng chẳng mấy chốc cao ngợp cả mái nhà cấp bốn thấp le te. Con đường quê ngày thường gánh lên vai mình những vòng xe lăn, những bàn chân oằn nặng đôi quanh gánh nay vùi lên mình những đụm rơm, đụm thóc phơi kín ngập cả lối về. Dòng người khấp khởi trên cánh đồng rộng huơ, những giọt mồ hôi lã chã giữa trưa oi nồng không ngăn nổi nỗi lo những cơn bão ẩm ương mùa này ùa về nhanh như mắt chớp, sợ những thân lúa gầy guộc tựa như dáng người quê lam lũ, đổ gập dưới lớp bùn đất nâu tanh tưởi.
Nhớ cả những đêm gió giông oanh tạc cả xóm quê nghèo. Lũy tre già tựa như người quê những năm kháng chiến, kiên cường đứng đó, giương những thân cành che chắn bảo vệ làng xóm khỏi những cơn giông phẫn uất của mẹ thiên nhiên. Người lớn trong làng mắt thao láo, không tài nào ngủ nổi, gương mặt hiện lên những nỗi lo cho đám lúa ngoài đầm chưa kịp gặt xong, sợ những hạt ngọc vàng tươi kết tinh từ mồ hôi công sức hóa thành công cốc sau bao tháng ngày cực nhọc. Đám trẻ con những ngày bão giông cũng giật thót mình lo sợ, sợ những tiếng sét rền rĩ xé toạc bầu trời đêm phủ mây quánh đặc, sợ xa rời vòng tay của mẹ cha rồi sẽ chỉ toàn bão tố, mưa tuôn.
Thế mà đúng thật, định mệnh cuộc đời chẳng ai trổ tài đong đoán nổi, những đứa trẻ năm nào rồi cũng đủ lớn như cánh cò trắng giữa khoảng đồng bát ngát mênh mông, phải đến lúc sải đôi cánh rụt rè bay trên những khoảng trời lớn rộng, tìm cho mình một tương lai xán lạn, theo đúng mong muốn của mẹ cha nơi xóm quê nghèo.
Nào hay phố thị tựa như những đêm giông gió tơi bời, những cạm bẫy, vấp ngã hiện về như tiếng sét năm nào xé toạc giữa khoảng trời vốn dĩ bình yên. Nước mắt tuôn chảy như những giọt mồ hôi trên lưng áo cha những trưa hè nóng bức. Đã có lúc những đứa trẻ ngoan nghĩ về tương lai phía trước, bặm môi bật máu khóc rưng rức giữa căn nhà trọ xập xệ thoảng mùi bụi bặm thời gian mà tự an ủi mình, không có thành công nào mà không đánh đổi từ những vấp ngã đớn đau.
Ta tìm về nương náu vào quê, bằng những giấc mơ nửa vời phố thị. Ước mình được thêm một lần nhỏ lại, chạy nhảy trên cánh đồng ngút ngàn, bất tận. Chân trần, đầu khét mùi nắng cháy, mải mê theo cánh chuồn chuồn đỏ ối bay chấp chới trong cơn mưa chiều liu riu. Dỏng tai nghe theo tiếng sáo diều giữa lưng chừng bình yên những đêm trăng trời như ánh đèn buông lấp lánh, để gục cánh mũi vào mái tóc mẹ vương màu thời gian, nghe hương bồ kết chảy trên từng sợi tóc rối bung, nghe hương mít chín vàng mẹ dúi trong bồ thóc, để đợi những đứa con đi xa lâu lắm mới có dịp trở về cùng san sẻ ngọt bùi những mùa rất đỗi bình yên.
Xa quê ta hẹn ngày tương phùng những mùa gió chao đảo cánh diều xanh đỏ, hẹn mùa lúa chín vàng bâng khuâng cánh cò trắng nghẹn cả quầng mây xám rì, hẹn mùa hoa nhãn lao xao rụng kín lối ta về, hẹn những sợi rơm vàng bịn rịn níu bước chân ta ngập ngừng, quyến luyến. Bước chân đi rồi mà lòng cứ nấn ná thương, tự hỏi quê có buồn những lúc ta chia xa những mùa xưa hóa cũ?