Khi đặt chân xuống Cappadocia, chúng tôi mới biết vùng đất nổi tiểng Thổ Nhĩ Kỳ này rộng lớn và nhiều điểm tham quan hơn những gì mọi người hình dung trước đó. Không chỉ là vùng núi non trùng trùng điệp điệp với những địa hình, địa chất vô cùng lạ mắt, từng thung lũng lớn nhỏ ở Cappadocia đều có những phong cảnh đặc thù và những nét văn hóa rất riêng.
Ngàn lẻ một tu viện trong thung lũng Zelve
Nếu thung lũng Đỏ (Red Valley) nổi tiếng với những rặng đá có sắc đỏ kỳ ảo, thung lũng Pasabag nổi tiếng với những cột đá hình nấm biểu tượng cho cả xứ Cappadocia thì thung lũng Zelve, điểm đến của đoàn lần này được biết đến với quần thể các tu viện đào sâu trong núi đá. Đi từ xa, ai nấy đã phải chăm chú nhìn những vách đá sừng sững với hệ thống các bậc thang và vòm khoét sâu bên trong.
Nhiều thế kỷ trước, Zelve là một thị trấn rất phồn thịnh với cộng đồng dân cư Thiên Chúa giáo sinh sống đông đúc. Hàng ngàn tu viện lớn nhỏ trong lòng núi đã được tạo tác nhằm phục vụ cho một dòng tu khổ hạnh phát triển rất mạnh vào thời kỳ đó. Cả cuộc đời của các chủ nhân tu viện bó hẹp trong cộng đồng tu hành. Họ sống một cuộc đời cực kỳ thanh đạm, chỉ ăn những thứ tự trồng được và dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc cầu nguyện.
Nơi ở của họ cũng khá đơn giản, cầu kỳ nhất có lẽ chỉ là loạt tranh tường bằng màu nước khá sống động. Những nơi ẩn cư của các tu sĩ bậc cao nhất luôn nằm ở gần đỉnh các cột đá cao chót vót. Leo lên những căn phòng chỉ đủ chỗ cho một người này thật vất vả, nhưng bù lại, khung cảnh thiên nhiên bao la khoáng đạt khiến chúng tôi thấy mình dường như cũng tạm rũ bỏ được chút bụi trần!
Những thay đổi về chính trị, tôn giáo và cả địa chất khiến Zelve bây giờ chỉ còn là một ngôi làng nhỏ hoang vắng, nhưng hình ảnh quá khứ rực rỡ một thời của thung lũng vẫn được các tu viện lặng lẽ cất giữ. Cách Zelve chỉ vài cây số là làng Cavusin. Du khách đi ngang qua ai cũng phải nán lại thăm ngôi làng này một chút vì rất ấn tượng với bức tường đá khổng lồ được sử dụng làm khu cư trú của người dân.
Nhìn từ dưới lên, bức tường đá cao cả trăm mét lỗ chỗ những hốc đá như tổ ong, bên trong có những ngôi nhà và nhà thờ mang phong cách Hy Lạp. Nhìn kỹ, người ta có cảm giác như do bị đục khoét nhiều lỗ quá nên bức tường đá dường như sắp sập xuống đến nơi. Và trên thực tế đúng là như vậy!
Đây là một trong những ngôi làng lâu đời nhất ở vùng Cappadocia. Một trong những nhà thờ trong hang đá lâu đời và lớn nhất Cappadocia chính là nhà thờ có tên đặt theo tên Hoàng đế Nicephoros Phocas ở làng cổ Cavusin này. Bên trong nhà thờ giữa bức tường đá vẫn còn bức chân dung Nicephoros Phocas và gia đình ông.
Có ba lối vào dẫn đến ba gian nằm song song gần như tách biệt. Trước đây, các gian ngăn cách bởi các cột lớn, nhưng nay lấp đầy đất đá. Vài chục năm trước, mưa gió xói mòn các khối đá khiến đất đá rơi xuống. Nhận thấy sự nguy hiểm rình rập từ các công trình này, dân làng Cavusin liền từ bỏ những ngôi nhà đá và di dời xuống phía dưới, xây dựng những ngôi nhà ngay trên mặt đất bằng phẳng để sinh sống.
Làng mới Cavusin yên tĩnh, thanh bình, sống chủ yếu bằng nghề làm nông. Trong làng có quán trà kiểu truyền thống nho nhỏ nằm cạnh vài tiệm bán đồ lưu niệm đơn sơ, là nơi những người đàn ông thường ngồi tán dóc. Các cụ bà trong trang phục kiểu Hồi giáo với khăn trùm đầu hoa văn màu sắc rất đẹp ngồi hóng mát trước hiên nhà. Phía xa xa là cánh đồng, nơi có những chú cừu béo ú chăm chỉ gặm cỏ.
Đại vực và thành phố dưới lòng đất
Cách Zelve và làng Cavusin không xa, thung lũng Ihlara được tạo nên bởi bụi núi lửa nên đất đá có màu đỏ rực. Ihlara phải gọi là đại vực mới đúng vì dải đất đầy cây cối xanh tươi này được bao bọc bởi hai bờ vách dựng đứng, bị cắt gọt ngọt lịm thành những đường gồ ghề ra vào giống như bậc thang. Giữa thung lũng, dòng suối xanh mát chảy uốn lượn qua bãi đá sỏi và những hàng cây cổ thụ. Ihlara cũng sở hữu vài trăm nhà thờ được đục trong vách đá dựng đứng.
Các kiến trúc đó đều đã gần 2 ngàn năm tuổi, nay nằm hoang phế cạnh những hốc đá vuông vức được dành làm chỗở cho bồ câu từ thời xa xưa. Quần thể tu viện, nhà thờ lớn nhất trong thung lũng có tên là Selime. Để vào được Selime, du khách cũng chẳng có cách nào khác ngoài bấu víu vào những tảng đá dựng đứng. Vậy mới thấy khâm phục ý chí của người xưa khi làm được những thánh đường rất đẹp và quy mô trong lòng đá.
Cappadocia được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, bởi từng tấc đất, từng ngọn núi ở đây đều là sản phẩm kết tinh độc đáo. Những thung lũng đỏ quạnh là sản phẩm của núi lửa, trong khi núi đá lại là sự kết tủa của một thứ hợp chất kỳ lạ, bên ngoài cứng cáp mà bên trong xốp mềm. Chỉ cần lấy dao cạo nhẹ vào thành đá có thể thấy những mủn đất, những hạt bụi trắng liti như muối, đó là lý do vì sao dân cưở đây có thể xây dựng được nhiều thị trấn trong lòng núi và dưới đất sâu.
Trong hơn khoảng 1 ngàn năm kể từ sau Công nguyên, cộng đồng Thiên Chúa giáo ở đây phải liên tục trốn tránh quân La Mã rồi quân Ả Rập. Vì thế người dân trong vùng xây đến hơn 40 đô thị dưới lòng đất. Trong đó lớn nhất là Derinkuyu với tám tầng, chiều sâu lên đến 85 mét. Có sức chứa 20 ngàn dân cùng hàng vạn gia súc, Derinkuyu đầy đủ chức năng như một đô thị thời xưa: có phòng lạnh trữ thịt tươi, có nhà thờ, có cả nhà… xác.
Thành phố còn có lối đi ăn thông với vài thành phố lân cận. Khi xưa dân nơi này sống trên mặt đất là chính, chỉ khi có biến mới xuống thành phố ngầm. Nhưng để chắc chắn rằng cả cộng đồng có thể sống trong thời gian dài dưới này, họ đã phải thiết kế cho mình được cuộc sống đầy đủ như trên kia. Đặc biệt là hệ thống ống thoát khí để tránh cho chỗ trú ngụ bị bí bách, ẩm thấp. Mỗi cột khí chòi lên cao là một cột đá mảnh khảnh, họ gọi đó là các fairy chimney (ống khói thần).
Theo các nhà sử học, mục đích người địa phương xây những thị trấn dưới lòng đất như Derinkuyu chỉ là một giải pháp tình thế nhằm tránh khỏi sự truy quét của thế lực bên ngoài. Tuy nhiên, họ đã không lường trước được rằng giải pháp “tạm thời” đó lại dai dẳng kéo dài đến hơn một thiên niên kỷ!