Xếp hạng năm nay bao gồm 71 nhân vật đại diện cho 7,1 tỉ người đang sống trên toàn thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama được bầu chọn là người quyền lực nhất hành tinh. Ngoài các chính trị gia tên tuổi như Thủ tướng Đức, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc…, bản danh sách cũng có sự góp mặt của những nhân vật quen thuộc trong giới doanh nhân như tỉ phú Carlos Slim của Mexico (vị trí 11), CEO Mark Zuckerberg của mạng Facebook (vị trí 25), CEO Tim Cook của hãng Apple (vị trí 35)… Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu lọt vào danh sách này nhờ những ấn tượng mà ông tạo ra sau gần một năm đứng đầu nhà nước Triều Tiên. Tên trùm buôn lậu ma túy khét tiếng Joaquim “El Chapo” Guzman của Mexico cũng lọt vào danh sách những nhân vật quyền lực nhất hành tinh năm nay. Quyền lực đen mà Guzman nắm giữ đã đưa hắn vào vị trí nhân vật quyền lực thứ 63 trên thế giới.
Sau đây là danh sách những nhân vật nằm trong Top 10:
1. Tổng thống Mỹ Barack Obama (51 tuổi)
Chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 đã một lần nữa mang lại vị trí đầy quyền lực cho người đàn ông da màu này. Giờ đây ông sẽ có thêm bốn năm nữa để thực hiện sứ mệnh của người đứng đầu quốc gia giàu có nhất thế giới. Ông là tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ – đội quân hùng mạnh nhất thế giới, lãnh đạo một đất nước siêu cường về kinh tế và văn hóa. Hay nói cách khác ông chính là thủ lĩnh của thế giới tự do. Tuy nhiên, với cương vị của mình, Tổng thống Barack Obama vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong đó có cuộc khủng hoảng ngân sách, tình trạng thất nghiệp và bất ổn tái diễn tại Trung Đông.
2. Thủ tướng Đức Angela Merkel (58 tuổi)
Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới chính là trụ cột của khối EU 27 thành viên và cũng là người gánh vác số phận của đồng tiền chung euro. Bà đã kiên quyết giữ vững lập trường thắt lưng buộc bụng cứng rắn để khắc phục cuộc khủng hoảng nợ mặc dù vấp phải những phản ứng gay gắt từ nhiều phía. Bà Merkel nắm giữ cương vị thủ tướng Đức kể từ năm 2005 nhưng một trong những thử thách lớn nhất của bà vẫn còn ở phía trước: đó chính là củng cố lòng tin vốn đang bị suy giảm trong công chúng đối với chính phủ của bà trước mùa tổng tuyển cử năm 2013.
3. Tổng thống Nga Vladimir Putin (60 tuổi)
Tái đắc cử chức tổng thống Nga lần thứ 3 nhiệm kỳ sáu năm vào hồi tháng Ba vừa qua sau vài năm hoán đổi vị trí quyền lực với Thủ tướng Dmitri Medvedev, ông Putin đã chính thức giành lại quyền lực mà không ai tin rằng ông sẽ dễ dàng từ bỏ.
Tháng 10 này, cựu người hùng KGB (Ủy ban an ninh quốc gia Nga), người đứng đầu nắm giữ một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ bước sang tuổi 60 – cái độ tuổi nghỉ hưu tại Nga. Thế nhưng làm sao có thể biết được tham vọng và quyền lực của vị tổng thống này bao giờ mới dừng lại?
4. Tỉ phú Bill Gates (57 tuổi)
Bill Gates trở thành người đàn ông giàu thứ hai thế giới với khối tài sản trị giá 65 tỉ USD sau khi hiến 28 tỉ USD cho hoạt động từ thiện.
Hoạt động từ thiện của tỉ phú Gates còn rất nhiều trong đó có việc góp phần loại bỏ nhiều căn bệnh truyền nhiễm và chết người. Theo ước tính của Bill Gates thì với những nỗ lực mà ông đang theo đuổi, tới năm 2020 sẽ có tám triệu sinh mạng được cứu sống. Tuy nhiên, sự nghiệp từ thiện của ông vẫn không dừng lại ở đó, ông tiếp tục thuyết phục các tỉ phú khác cam kết hiến tặng một nửa tài sản hoặc nhiều hơn cho hoạt động từ thiện. Hiện Bill Gates là đồng chủ tịch quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates.
5. Giáo hoàng Benedict XVI (85 tuổi)
Giáo hoàng nắm giữ quyền lực tối cao, trọn vẹn đối với đời sống tinh thần của 1,2 tỉ tín đồ Công giáo trên khắp thế giới. Đức giáo hoàng cũng là người đưa ra phán quyết cuối cùng về những quyết định thuộc về đời sống riêng tư nhất như hôn nhân, sinh nở… Giáo hoàng Benedict XVI cũng là lãnh đạo của nhà nước Vatican City.
6. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke (59 tuổi)
Ông là người có quyền lực trong các quyết định tài chính chi phối thị trường tiền tệ cũng như nền kinh tế Mỹ, kéo theo những ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới. Việc Mỹ có thể vượt qua được vách đá tài chính hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào tài lèo lái của vị lãnh đạo này.
7. Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah bin Abdul Aziz al Saud (88 tuổi)
Quốc vương của đất nước kiểm soát đến 20% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu và những thành phố thiêng liêng nhất thế giới Hồi giáo đang nắm giữ một thứ quyền lực tối cao. Phong trào Mùa Xuân Ả Rập đã không thể làm rung chuyển đế chế thống trị của hoàng gia. Tuy nhiên tỷ lệ giới trẻ bị thất nghiệp vượt ngoài tầm kiểm soát vẫn là một đe dọa lớn.
8. Chủ tịch ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi (65 tuổi)
Với tình hình khốn khó khi phải đối mặt liên tiếp với các cuộc khủng hoảng như hiện nay, ngân hàng Trung ương châu Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Là một nhà lãnh đạo khu vực tiền tệ lớn nhất thế giới (tổng GDP của eurozone hiện là hơn 17,4 ngàn tỉ USD) ông Draghi cũng phải gánh vác những trọng trách rất lớn trong đó có việc duy trì khối liên minh tài chính 17 quốc gia.
9. Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (59 tuổi)
Người đàn ông này sẽ thay thế vị trí của chủ tịch Hồ Cẩm Đào để lãnh đạo đất nước Trung Quốc trong thập niên tới đây. Ông cũng nắm giữ cương vị chủ tịch Ủy ban quân sự Trung Quốc – trọng trách lớn nhất trong giới quân sự.
10. Thủ tướng Anh David Cameron (46 tuổi)
Thủ tướng Cameron đã khiến thế giới bất ngờ khi khước từ đề xuất tăng ngân sách EU của thủ tướng Đức trong giai đoạn khủng hoảng nợ. Tại Anh, vị lãnh đạo này cũng đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế đi xuống. Bên cạnh đó là lòng tin cử tri dành cho đảng Bảo thủ của ông đang lao dốc trước tương lai u ám của nền kinh tế Anh.
Nguyễn Nam