Từ Zugdidi – thị trấn thuộc vùng Tây Bắc đất nước Georgia, chúng tôi hối hả lên xe để đến di sản văn hóa thế giới Svaneti cách đó 140km. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đến Svaneti nên ai cũng phải khẩn trương. Cung đường không dài nhưng rất hiểm trở, không phải tài xế nào cũng dám đi. Có lẽ vì thế mà trong cả ngàn năm qua, Svaneti luôn được người Georgia xem là bất khả xâm phạm.
Đi thăm thung lũng giữa núi tuyết
Đất nước Georgia chỉ bằng hơn phân nửa Việt Nam nhưng địa hình khá đa dạng. Hành trình của chúng tôi đã đi qua những đồng bằng bán hoang mạc kiểu Trung Á, những rừng đầm lầy đất thấp, nhiều rừng mưa ôn hòa và giờ thì đến dãy núi Caucasus kỳ vĩ. Sau gần bốn giờ đồng hồ vòng vèo qua các cung đèo ngoạn mục, xe dừng ở Mestia, trung tâm Svaneti. Thị trấn, hay đúng hơn là ngôi làng này có hẳn sân bay phục vụ những chiếc máy bay 15 chỗ bay từ thủ đô về đây, song tôi cho rằng phải đi xe thì mới cảm nhận hết vẻ hoang sơ của vùng đất được bao bọc bởi các đỉnh núi cao từ 3.000 đến 5.000 mét.
Thị trấn sơn cước Mestia đẹp như tranh vẽ. Chỉ cần bước chân ra khỏi trục đường chính, rẽ vào một vài ngõ nhỏ, ta dễ có cảm giác mình bước thẳng từ thời hiện đại về Trung cổ với những tháp canh bằng đá của người Svan sừng sững giữa trời. Bên trong những ngôi nhà vườn xinh xắn, nắng trưa chiếu xiên qua những tán cây, hắt xuống dây quần áo vừa giặt giũ xong, mùi rượu táo mới nấu thoảng lên trong gió nhẹ, ngoài vườn hoa vừa nở và những con gà lục tục kiếm ăn nơi bãi cỏ. Mới mở cửa đón du khách chưa lâu nhưng Mestia hiện là điểm đến mới hấp dẫn cho dân châu Âu. Quần thể hơn hai trăm ngọn tháp canh còn lại ở Svaneti từ lâu đã được công nhận di sản văn hóa thế giới.
Cho đến giữa thế kỷ XIX, những làng cổ Svaneti nằm trong hẻm núi sâu và được bao quanh bởi các đỉnh núi khổng lồ phủ tuyết trắng vẫn bị cô lập, hầu như không ai biết đến. Nhằm phục vụ mục đích quân sự, tộc người thiểu số Svan đã cho xây dựng những tháp canh và những ngôi nhà bằng đá kiên cố. Được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII, các tòa tháp tại Svaneti đều cao từ 20 đến 25 mét với 4-5 tầng. Chiều dày của các bức tường giảm dần khi lên cao, tạo cho tòa tháp một hình dáng thanh thoát mà vững chãi. Các tòa tháp cũng được sử dụng làm nhà ở, tầng trệt có một phòng duy nhất với lò sưởi là chỗ trú ngụ cho cả người và vật nuôi vào mùa đông. Còn vào mùa hè thì họ ở các tầng trên, tầng trệt trở thành cửa hàng thức ăn gia súc hoặc chứa công cụ sản xuất. Mỗi tòa tháp chỉ có một cánh cửa vào thông với các hành lang bảo vệ. Kích thước của hơn 200 ngọn tháp ở đây không giống nhau và không có quy chuẩn nhất định. Ngọn tháp lớn nghĩa là chủ nhân của nó có vị thế lớn và giàu có.
Ngoài hàng trăm ngọn tháp canh kiêm nhà ở độc đáo đó, vùng thượng Svaneti còn có hai lâu đài. Vị trí của hai lâu đài cũng khác nhau, một cái được xây dựng phía dưới làng cái còn lại được xây dựng tại vị trí cao hơn. Lâu đài được xây dựng dưới làng có một nhà thờ nhỏ gọi là Lashkdash, ngoài ra trong làng còn một nhà thờ khác có tên gọi là Matskhvar. Các nhà thờ vùng thượng Svaneti nói chung rất nhỏ nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị tâm linh, tôn giáo và nghệ thuật đặc sắc. Các nhà thờ dù nhỏ thế nào cũng sở hữu các bức tranh tường độc đáo, những bức tranh này có thể là tranh vẽ trên tường cũng có thể được khắc sâu vào tường. Xem tranh mới thấy giữa vùng non cao hẻo lánh hàng ngàn năm qua đã tồn tại một đời sống nhiều màu sắc, nhiều thăng trầm và không kém phần thi vị.
Trầm lắng cố đô Mtskheta
Rời dãy núi Caucasus trở lại với thủ đô Tbilisi, chúng tôi chỉ còn hai việc, đó là thưởng thức các món ăn giúp Georgia nổi tiếng khắp vùng biển Đen và đi thăm cố đô Mtskheta. Đã nghe nhiều lời khen ngợi về phong cách ẩm thực ngon và đẹp của Georgia, nhiều người vẫn ngạc nhiên trước ổ bánh khachapuri adjarulu trông như chiếc nồi mỏng tang xinh xắn với lòng đỏ trứng tròn xoe nằm giữa. Rồi từng xâu churchkhela đủ màu sắc tô điểm cho dãy gian hàng bánh kẹo vốn đã quá rực rỡ, món này mới nhìn tôi cứ tưởng là xúc xích, hóa ra không phải, churchkhela là xâu hạt óc chó, đậu phộng được phủ nước cốt trái cây keo đặc. Trái cây Georgia rất phong phú, vậy nên mứt kẹo xứ này cũng hấp dẫn tuyệt vời. Nhiều chị em trong đoàn dù không ưa ngọt nhưng vẫn mua cả gói lớn kẹo tklapi. Kẹo này mới nhìn cứ tưởng là bộ sưu tập khăn lụa với tông màu đỏ, cam, vàng, tía, nhưng thực ra đây là tinh chất trái cây cô đặc được cán mỏng như giấy rồi đem phơi khô.
Người Georgia rất khó tính trong việc chế biến thực phẩm, thế nên churchkhela hay tklapi đều không có hóa chất mà vẫn đẹp mắt và thơm ngon. Kỹ thuật chế biến bánh kẹo thủ công hơn ngàn năm kinh nghiệm có những bí quyết không bao giờ lọt ra ngoài. Kỹ thuật làm rượu vang, rượu trái cây cũng là “tài sản quốc gia”. Georgia là một trong những vùng sản xuất rượu vang đầu tiên trên thế giới. Người dân uống vang vào cả buổi sáng, trưa, tối. Trong các nhà hàng nhỏ mà cả đoàn đã ghé ăn, chúng tôi được thưởng thức nhiều loại rượu vang ngon tuyệt với mức giá chỉ khoảng 50 ngàn VND một ly.
Cố đô Mtskheta chỉ cách thủ đô hiện tại 20km nhưng đó không phải là lý do khiến cả nhóm chọn taxi thay cho xe bus. Hệ thống xe bus ở Georgia khá ổn song người dân ở đây hút thuốc rất nhiều nên mùi lúc nào cũng nồng nặc. Xe dừng tại trung tâm Mtskheta, cũng là trung tâm của một quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Mtskheta từng là thủ đô của Vương quốc Iberia Gruzia từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên tới tận thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Đó là giai đoạn phát triển rực rỡ của Chính thống giáo nước này nên Mtskheta có nhiều kiến trúc nhà thờ cổ rất giá trị. Chúng tôi dừng chân hơi lâu ở thánh đường Svetiskhoveli hơn ngàn năm tuổi. Ngoài vẻ cổ xưa, kiến trúc này gây ấn tượng nhờ những ô cửa sổ được thiết kế với mục đích lấy được nhiều nhất ánh sáng bên ngoài. Ngắm những luồng nắng chiếu soi rõ từng hạt bụi li ti trong không trung, người ngoại đạo cảm thấy cõi lòng dường như bình an hơn một chút.
Khu vực ngoại thành của Mtskheta còn nhiều kiến trúc rất cổ xưa như tu viện Jvari, pháo đài Armaztsikhe, vệ thành Armaztsikhe… Chúng tôi chọn đi thăm tu viện Jvari cách phố cổ 5km vì nơi đây còn nguyên vẹn và vì đang Chủ nhật, du khách có nhiều cơ hội chứng kiến các lễ cưới địa phương tổ chức trong thánh đường. Đường lên núi quanh co, đi qua nhiều cụm nhà cửa khá đẹp. Mức sống ở Georgia chưa cao nhưng người dân rất chăm chút đến vẻ ngoài nhà cửa cũng như trang phục. Đa số nhà dân đều có ban công gỗ được chạm khắc cầu kỳ và rèm thêu tinh xảo. Bên cạnh vẻ đẹp kiến trúc, tu viện Jvari rất đáng tham quan bởi vị trí tọa lạc trên đỉnh núi cao, nơi giáp ranh của hai con sông Aragvi và Mtkvari với hai sắc sông nổi bật không hề hòa lẫn.