Nhắc đến Johann Wolfgang von Goethe, chúng ta nhớ ngay câu danh ngôn: “Tất cả mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Nhà thơ vĩ đại này của Đức này được cả thế giới ngưỡng mộ. Ít ai hay hình ảnh Goethe lý tưởng trong sách vở không hẳn là Goethe trong đời thật. Người Đức đã kỳ công gột sạch những thông tin xấu về ông để xây dựng một Goethe đáng khâm phục nhất trần đời.
Thiên tài cáu và quậy
Johann Wolfgang von Goethe (28-8-1749 – 22-3-1832) là nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia Đức. Ông được đánh giá là một trong những vĩ nhân thế kỷ XIX có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, tư tưởng nghệ thuật của các thế hệ sau.
Thuở thiếu thời, Goethe nổi tiếng là cậu ấm của một danh gia vọng tộc. Ông nội của cậu là thị trưởng thành phố Frankfurt, còn ông ngoại là luật sư nổi tiếng. Cha Goethe-Johann Caspar có khá nhiều con trai, nhưng hầu hết lại qua đời trước khi trưởng thành, chỉ còn một người con trai duy nhất là Goethe và 4 người con gái. Ông cưng chìu Goethe, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, thuê hàng tá gia sư tận tình dạy dỗ.
Mới 7 tuổi, Goethe đã viết trong nhật ký: “Mình chẳng việc gì phải cúi đầu trước ai cả”. Cậu đòi mẹ mỗi sáng phải chuẩn bị đủ 3 bộ đồ để tùy ý chọn mặc, còn cha phải cho gấp đôi tiền tiêu vặt và không can thiệp vào đời tư của mình. Những năm thiếu niên, Goethe ỷ thế gia tộc, quậy phá. Khi được thương gia Herr Glaser ở Stützerbach mời đến nhà chơi, cậu khoét mặt bức tranh chân dung Glaser quý như vàng, chui đầu qua le lưỡi cười nhạo rồi chuồn mất. Goethe còn thông đồng với một người bạn tinh nghịch khác ăn trộm rượu và thuốc lá đắt tiền của Glaser.
Dù nghịch ngợm, Goethe yếu như sên. Anh phải bỏ học trường Luật ở Leipzig năm 19 tuổi vì đau bệnh, sau đó liên tục bị bệnh tật hành hạ. May cho Goethe là tài thơ nở sớm. Từ năm 1770, ở tuổi 21, anh đã có tập thơ đầu tay. Năm 1772, Goethe được một người bạn là Quận công Charles Augustus xứ Saxe-Weimar mời đến Weimar làm giám đốc Nhà hát Weimar. Năm 1773, anh cho ra mắt vở kịch G#tz von Berlichingen, mở đường cho trào lưu văn nghệ Bão táp và Xung kích (Sturm and Drang). Tác phẩm này được yêu thích và có sức ảnh hưởng đến nỗi vào năm 1943, nhà độc tài Hitler đã lấy nó đặt tên cho Sư đoàn 17-Bộ binh Cơ giới G#tz von Berlichingen.
Tại Weimar, Goethe được vô số người săn đón. Nhà hát của anh ngày càng ăn nên làm ra, song các nhân viên cũng sống dở chết dở vì Goethe. Nhà thơ kiêm nhà biên kịch này rất trái tính trái nết. Phút trước, anh vừa ngân nga bản ballad Scotland ngọt ngào, phút sau đã điên cuồng đập phá, ném đồ đạc. Dù chẳng bị ai chọc tức, Goethe cũng nổi đóa. Anh buột miệng thốt ra tất cả những từ ngữ tục tĩu nhất trên đời, bạ ai cũng dám hỗn hào chửi mắng.
Cha đẻ “hiệu ứng Werther”
Một năm sau G#tz von Berlichingen, Goethe ra mắt tiểu thuyết đầu tay Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werther, 1774). Tác phẩm này lấy cảm hứng từ 2 tiểu thuyết của 2 tác giả bán chạy nhất đương thời: La Nouvelle Hélo#se của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778, Pháp) và Clarissa của Samuel Richardson (1689-1761, Anh). Tiểu thuyết này kể chuyện tình bi thảm của chàng Werther lỡ đem lòng yêu thiết tha nàng Lohtéa xinh đẹp mà không được đáp lại, cuối cùng quẫn trí quyên sinh vì thất tình.
Xuyên suốt Nỗi đau của chàng Werther là các màn khóc lóc, độc thoại bi thương. Trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức, nó đều chẳng có gì đặc biệt, song chính cái sướt mướt của nó lại “gãi đúng chỗ ngứa” của độc giả châu Âu đương thời. Xã hội phương Tây trong thế kỷ XVIII đầy rẫy các luật lệ bó buộc, ngăn cản trai gái tự do yêu đương. Nhân vật Werther thì ngược lại, dám yêu và chết vì tình.
Ngày 16-1-1778, Christel von Lassberg, ái nữ của một quan chức nổi tiếng ở Weimar, nhảy cầu sông Ilm tự tử. Trong túi xách của cô, người ta phát hiện cuốn Nỗi đau của chàng Werther. Các nhà điều tra bèn suy đoán chính tiểu thuyết bi lụy này đã khiến nạn nhân nghĩ quẩn, dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ. Họ cực lực lên án Nỗi đau của chàng Werther, nhưng vô hình trung lại khiến chuyện “bắt chước Werther” được nhiều người biết đến. Trên khắp châu Âu, thanh thiếu niên gặp rắc rối về mặt tình cảm đua nhau tự vẫn, nhiều đến nỗi hình thành “hiệu ứng Werther”.
Chẳng biết thật lòng hay nhân cơ hội, Goethe cũng cho ra đời thi phẩm Gửi Trăng (To the Moon), bày tỏ sự tiếc thương hương hồn của cô gái Christel dưới lòng sông Ilm giá lạnh. Ông khẳng định Werther chính là cái bóng của mình, mang trong tâm hồn suy nghĩ cũng nỗi đau thời thanh niên. Lúc theo học trường Luật ở Leipzig, Goethe có tỏ tình với một nữ sinh và bị nàng từ chối. “Vì tôi cũng từng thất tình như Werther nên biết rõ cảm giác đau đớn và không cách nào thoát khỏi sự thống khổ ấy là như thế nào”, ông giãi bày. Tuy nhiên, Goethe chưa bao giờ tự sát hay có ý định tự sát.
Không ít tác giả đương thời ghét cay ghét đắng Nỗi đau của chàng Werther, trong đó có Georg Christoph Lichtenberg (1748-1799). Ông mỉa mai các nhân vật của Goethe chỉ rập khuôn, điên loạn, còn nội dung thì phi lôgic, càng đọc càng bực mình. Dẫu vậy, Nỗi đau của chàng Werther vẫn cứ nổi như cồn và “hiệu ứng Werther” mỗi lúc một lan rộng. Nó nâng cao tiếng tăm và đem về tài chánh cho Goethe.
Lươn lẹo và độc tài
Kỳ thực, chuyện yêu đương thời mới lớn của Goethe không hề mãnh liệt, sâu sắc như những gì ông nói. Nó chỉ là chút rung động thoáng qua lúc đầu đời. Những năm tuổi 20, nhờ vào tiếng tăm và tiền bạc, Goethe thoải mái sống phóng khoáng, luôn được các cô gái trẻ đẹp vây quanh. Ông luôn khoe khoang mình lọc lõi trên tình trường, nhưng phải đến tuổi 40 ông mới thấm thía yêu và đau khổ là gì. Lúc này, Goethe đang sống ở Rome (Ý) và yêu say đắm người phụ nữ tên Faustina. Trớ trêu thay, nàng lại chỉ vì tiền nên cuộc tình đã kết thúc trong cay đắng. Goethe vừa bẽ bàng, vừa tức giận tột độ, thanh toán nợ tình bằng 400 scudi (tiền đồng của Ý trước thế kỷ XX). Cả đời ông cũng chỉ có quan hệ mặn nồng với 2 người phụ nữ: Faustina và vợ của ông.
Những năm tuổi 30, Goethe có hứng thú với khoa học tự nhiên. Ông thích nghiên cứu khoáng chất, thực vật học, giải phẫu học, hóa học, quang học… nhưng lại chỉ suy đoán, kết luận bằng cảm giác nên những nghiên cứu của ông không được giới khoa học đương thời công nhận.
Trong 83 năm cuộc đời, Goethe có khoảng 10 năm phiêu lưu và sống ở một số nước châu Âu. Ông luôn miệng chê ỏng chê eo thành phố Weimar quá nhỏ bé, không thỏa chí vẫy vùng, nhưng cuối cùng lại định cư ở đây đến 50 năm, kể cả những năm cuối đời. Chỉ ở Weimar, lợi thế bạn thân của quận công và tiếng tăm nhà soạn kịch mới đem lại cho ông vị thế và quyền lực. Dẫu chưa từng tốt nghiệp trường Luật, Goethe vẫn được mời làm quan chức tòa án. Ông còn là người đứng đầu triều đình Weimar suốt nhiều năm. Tuy nhiên, “sự nghiệp chính trị” của Goethe chỉ toàn tai tiếng. Ông theo lối cai trị độc tài, khuyến khích kiểm duyệt báo chí, trừng phạt những người bất đồng chính kiến, kiểm soát các trường đại học. Goethe đặc biệt hâm mộ hoàng đế Napoléon Bonaparte (1769-1821) của Pháp, coi lý tưởng bình quyền và Cách mạng Pháp là thứ rác rưởi. Ngày 22-3-1832, Goethe qua đời. Thay vì thương tiếc, dân chúng Weimar lại thở phào vì đã thoát khỏi tay kẻ lãnh đạo chuyên chế.
Phải 100 năm sau ngày Goethe từ trần, châu Âu mới nhìn lại và công nhận những đóng góp của ông cho nghệ thuật. Người Đức bắt tay vào việc đánh bóng tên tuổi Goethe, xóa sạch những thông tin bất lợi, nhạy cảm, xây dựng hình ảnh một nhà thơ vĩ đại. Năm 1945, nước Đức sụp đổ, nhưng tượng đài Goethe vẫn đứng vững. Toàn bộ các học viện của Đức ở nước ngoài đều được đổi tên thành Học viện Goethe (hiện còn khoảng 150 học viện đang hoạt động). Trong và ngoài nước Đức, mọi người đua nhau đọc, nghiên cứu và tôn sùng Goethe.