Một ngày tháng Bảy khi cơn bão Ramsan vừa tan, chúng tôi lên đường đến với thị trấn Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 160km. Thị trấn nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi thuộc cánh cung Ngân Sơn. Các dân tộc chính ở đây là Tày, Nùng, Dao, Kinh.
Để đến được thung lũng này, cả nhóm đi qua khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, đèo Tam Canh và Văn Quan. Văn Quan là vùng đất trồng cây hồi để lấy tinh dầu nên nơi này người dân phơi rất nhiều hoa hồi trên vỉa hè, mùi hồi thơm như hương trầm lan tỏa khắp một vùng rộng lớn. Qua đèo Tam Canh là đến làng Quỳnh Sơn nằm gần chân núi Nà Lay, đỉnh núi này là nơi đẹp nhất để ngắm thung lũng Bắc Sơn.
Chúng tôi đến chân núi Nà Lay lúc trời cũng về chiều, đường vẫn còn lầy lội vì trận bão vừa rồi. Mặc dù vậy các thành viên vẫn quyết định sẽ leo lên đỉnh núi để có thể ngắm thung lũng lúa ở mọi thời điểm. Đường lên khá trơn và trượt, trời mưa nhỏ nên chúng tôi mặc áo mưa để leo mặc dù thời tiết tháng Bảy khá nóng bức. Vốn thường xuyên tập luyện nên chúng tôi chỉ mất 45 phút (bao gồm cả dừng lại chụp ảnh) để lên đến trạm viba trên đỉnh núi, cũng là nơi ngắm lúa đẹp nhất.
Lúc này trời mưa lớn hơn nữa, điểm xuyết một vài vệt chớp ở phía những dãy núi của cung Ngân Sơn. Đứng trên trạm viba cao trong thời tiết như thế này rất nguy hiểm nên mọi người chỉ kịp chụp duy nhất một bức ảnh thung lũng lúa trong nền trời bàng bạc. Chỉ có vài phút đứng trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng thôi cũng đủ khiến tôi phải lặng người. Cảnh tượng trước mắt hiện ra quá hùng vĩ: Giữa làn mưa trắng xóa, dãy núi Ngân Sơn trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau, thung lũng Bắc Sơn lọt thỏm ở giữa với những mảng màu xanh xen kẽ của đồng ruộng, dòng suối Ra Riềng chảy quanh co dọc thung lũng.
Trên trạm viba cũng có chỗ nghỉ qua đêm cho những ai muốn chụp ảnh hoàng hôn và mặt trời mọc. Ngồi nói chuyện với mấy anh chị nhiếp ảnh gia nghỉ chân tại đây, nghe các anh chị kể hầu như năm nào cũng lên Bắc Sơn để chụp ảnh. Địa điểm này chưa quá phổ biến như các nơi khác nên chụp ảnh lúa ở đây rất thích. Cứ một mình ôm một chân máy và lỉnh kỉnh đủ loại lens khác nhau, ngồi ngắm và chụp từ bình minh đến hoàng hôn, không cần chen lấn với ai cả.
Tranh thủ lúc trời ngớt mưa và chưa quá tối, chúng tôi leo xuống và nghỉ đêm tại nhà sàn bác Dương Công Vấn ở làng Quỳnh Sơn. Đây cũng là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất chúng tôi có được ở thị trấn này. Gia đình bác Vấn là người dân tộc Tày, cả nhà nói tiếng Kinh như tiếng mẹ đẻ. Nhà sàn của bác sạch sẽ, đẹp, thoáng mát rộng rãi, giá rẻ. Lệ nhà bác là con trai ngủ bên trái, con gái ngủ bên phải (theo hướng nhìn lên bàn thờ), có chăn chiếu màn gối đầy đủ. Hai bác chủ nhà rất nhiệt tình, nếu cần du khách có thể đặt bác gái nấu cơm tối hoặc nấu cháo gà buổi sáng cho cũng được.
Mặc dù là giữa mùa hè, nhưng không khí lạnh của buổi đêm cũng sớm bao phủ khắp vùng thung lũng. Thoạt đầu chúng tôi tưởng sau trận bão này sẽ có ít người lên Bắc Sơn hơn và sẽ chỉ có nhóm chúng tôi nghỉở nhà sàn bác Vấn, như vậy thì cũng hơi buồn vì được nghe kể mùa này những năm trước, các đoàn kéo đến nhà bác ở đông vui lắm, đêm nào cũng tổ chức lửa trại uống rượu hát hò đến tận khuya. Trong làng cũng có nhiều nhà sàn cho thuê trọ, nhưng nhà bác là rộng nhất nên các đoàn đông hay chọn ở. Chúng tôi đang tận hưởng cái tĩnh mịch của màn đêm núi rừng thì bất chợt một đoàn phượt 20 người kéo đến nhà bác. Đoàn này cũng xuất phát từ Hà Nội, nhưng do đi muộn và bị lạc đường nên tối muộn mới đến nơi. Muộn rồi nên họ và chúng tôi không tổ chức lửa trại mà chỉ ngồi ở nền đất dưới nhà, uống rượu và kể chuyện.
Sáng hôm sau chúng tôi tranh thủ dậy thật sớm để có thể đón bình minh trên núi. Nhưng thật không may là do ảnh hưởng của mưa bão nên từ lúc trời còn tờ mờ đến lúc sáng rõ, Mặt trời vẫn ẩn sau màn mây bàng bạc âm u. Đến 9 giờ sáng thì bắt đầu nắng, nắng tràn ngập cả thung lũng và cả trong khung hình của chúng tôi. Lang thang chụp đồng lúa và cảnh làng quê Bắc Sơn mới thấy vùng này một tuần sau siêu bão Ramasun cảnh vẫn đẹp và rất thanh bình. Người dân thân thiện, luôn nở nụ cười khi gánh lúa về. Các bà các cô cấy lúa vẫn tò mò ngượng ngùng khi thấy tôi đưa ống kính về phía họ. Trong vùng mưa nắng thất thường, đêm miền cao lạnh lẽo nhưng các nhà sàn luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười.
Bắc Sơn sau siêu bão Ramasun cũng là mấy ngày cuối cùng của mùa lúa chín, mùa gặt và bắt đầu mùa lúa mới. Thung lũng những ngày này là sự đan xen của lúa vàng, lúa xanh, mạ non, các thửa ruộng còn đang gặt và các ô ruộng bóng loáng nước phản chiếu hình ảnh núi non cây cối, điểm xuyết những đống rơm rạ (tôi vẫn thắc mắc là sao người dân họ khéo thế, đặt những đống rơm rạấy ở vị trí rất chuẩn, chính giữa ruộng và nối với những đống rơm khác tạo thành một bức tranh rất đẹp). Và còn một hình ảnh tôi không bao giờ quên được khi nhớ về Bắc Sơn, đó là nụ cười hiền hòa ấm áp của những người nông dân nơi đây.