Anh vẫn còn ám ảnh bởi câu chuyện của bạn đồng nghiệp từ gần ba mươi năm trước. Đó là khi thân phụ của anh ấy mất, anh ấy chia sẻ rằng điều nuối tiếc nhất là chưa từng mua cho cha mình một chiếc bánh bao.
Chẳng là ông cụ rất thích ăn bánh bao, nhưng thời hàn vi thì việc thưởng thức một cái bánh bao cũng chỉ là niềm vui hiếm hoi chứ không phải món ăn sáng hạng bình dân nhất mà người ta có thể mua hằng ngày như bây giờ. Anh đoán rằng điều quan trọng mà người bạn đồng nghiệp nuối tiếc không phải là khả năng có thể mua được một cái bánh bao cho cha, mà là việc thể hiện điều quan tâm nho nhỏ, tình thương yêu với cha mình, bạn đã lần lữa rồi không còn cơ hội. Anh cũng từng trải qua những cảm giác tương tự, dù rằng tình thế có hơi khác. Đó là dịp đám cưới đứa cháu gái ở quê, anh có vai trò điều phối các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”.
Gần cuối buổi tiệc, cha anh đến nói với anh rằng ông muốn hát tặng cháu gái một bài, anh hơi bất ngờ vì chưa từng nghe cha mình hát với dàn nhạc bao giờ nhưng cũng đưa tiết mục vào danh sách chờ. Nhưng chưa đến lượt ông lên hát thì đại diện nhà trai xin cáo từ ra về, thế rồi tiệc tàn mà cha anh chưa được hát. Rồi cha anh ra đi rất nhanh trong một cơn tai biến. Chắc lúc ấy cha anh chẳng giận gì đâu nhưng anh vẫn áy náy, phải chi mình linh hoạt một chút, tâm lý hơn một chút thì cha anh vui hơn mà anh cũng đã có cơ hội nghe ông hát.
Thì người ta có rất nhiều lý do để bỏ quên những điều quan tâm nho nhỏ như thế. Cuộc sống không có lỗi, nhưng rõ ràng là ta cứ bị cuốn đi, mải mê với cơm áo gạo tiền, mải mê với những mục đích lớn lao mà nhiều khi bỏ qua những điều bình thường nho nhỏ hoàn toàn có thể làm được trong thời điểm hiện tại. Rồi đến một lúc phải nuối tiếc kiểu như phải chi lúc đó mình thế này, lúc đó mình thế khác. Nhiều người nghĩ ra đủ thứ việc để kiếm tiền, cũng xuất phát từ tình thương con cái, với ý nghĩ rằng phải có tiền, thật nhiều tiền để lo cho tương lai của con nhưng không nhận ra rằng điều mà con mình cần nhất chính là việc ở bên con mỗi ngày, lắng nghe và trò chuyện với chúng, như những người bạn, lớn lên cùng với chúng.
Thực tế, có những đứa trẻ không phát âm theo kiểu của cha, của mẹ mà lại phát âm theo thổ ngữ của người giúp việc hoặc chăm trẻ, vì đó là người chúng gặp gỡ và tiếp xúc hằng ngày, nhiều hơn so với cha mẹ chúng. Hình như có điều gì đó không đúng trong chuyện này! Nhiều khi cần phải biết thế nào là “đủ” trong chuyện kiếm tiền và cân bằng thời gian kiếm tiền với việc dành thời gian ở bên con cái, bên người thân để sau này không phải nuối tiếc. Được nghe thấy con mình gọi cha gọi mẹ bằng tiếng nói đầu tiên, được nhìn thấy những bước chập chững đầu tiên của con cái mới là những điều vô giá trong cuộc đời làm cha làm mẹ.
Vậy nhưng không phải người cha người mẹ nào cũng có được cơ may ấy. Anh có cô hàng xóm, quê ở miền Trung, cả hai vợ chồng vào Nam lập nghiệp nhưng con cái gửi cho ông bà ngoại. Lâu lâu lại thấy ôm điện thoại khóc rưng rức, là vì vừa xem lại đoạn clip bà ngoại gửi vào, quay đứa nhỏ đang bập bẹ tập những tiếng nói đầu tiên. Người mẹ trẻ đã bỏ lỡ những khoảnh khắc ấy với con mình. “Nhớ con quá anh! Chắc định kiếm chút vốn rồi cuối năm nay về, về hẳn. Sợ con lớn mà không còn biết cha mẹ là ai”.
Ngay cả với chính bản thân mỗi người, có những ước mơ, những mong muốn rất vừa tầm nhưng cũng bỏ qua mất. Lúc trẻ thì dành thời gian và sức khỏe để cày bừa kiếm tiền, rồi đến khi có tiền thì chẳng còn sức khỏe và chẳng còn thời gian để làm điều mình mong muốn, lúc ấy lại đổ tiền bạc và thời gian còn lại để lo cho sức khỏe. Trong khi hoàn toàn có thể bớt thời gian kiếm tiền và dành một phần khoản tiền kiếm được để làm chuyện này chuyện khác mình thích, vừa thỏa nguyện, sống vui, nhờ vậy lại khỏe hơn.
Điều này chẳng xa lạ gì, thiên hạ vẫn nói đầy, ta cũng biết vậy nhưng vẫn không đủ dũng cảm để thoát ra cái vòng cơm áo gạo tiền để dành một chút thời gian và tiền bạc cho những mơ ước của mình, dù rằng chúng cũng không quá lớn để phải nghĩ là mình đang đánh đổi. Bản thân anh, cũng có những dự định mà lần lữa hoài chưa thực hiện được: dành thời gian làm một chuyến từ Nam ra Bắc, để thăm bạn bè thời sinh viên đã về quê lập nghiệp, để ghé đến những địa danh, những vùng đất, những con người đã là nguồn cảm hứng cho anh, đã nuôi dưỡng những ước mơ chữ nghĩa.
Ngày còn nhỏ anh có đọc một quyển sách về cuộc đời của Nguyễn Du, qua đó anh hình dung ra những cảnh, những người của vùng đất nơi ông sống, những đêm hát ví hát dặm… anh đã nghĩ sẽ có một ngày mình phải tìm đến vùng đất đó, hòa vào không khí đó. Rồi khi đọc tác phẩm của Nguyên Hồng, đọc những bài của bạn bè ông viết về ông, anh vô cùng ngưỡng mộ bởi tài năng và nhân cách của ông.
Anh đã nghĩ sẽ đến một lúc phải về Hà Tĩnh và Thanh Hóa để thắp nhang trên mộ phần của Nguyễn Du và Nguyên Hồng. Những điều đó đâu có quá khó với anh ở thời điểm hiện nay, nhưng anh vẫn chưa thực hiện. Và còn nhiều điều khác nữa, những ước muốn nhỏ bé, vừa tầm, anh cũng chưa làm. Vậy anh đang sống vì điều gì?
Anh nhớ ngày xưa ở quê, mỗi lần nghe một người già đi chơi đâu xa, người ta thường hay nói ông ấy, bà ấy đi “dối già” đấy. Anh chẳng hiểu dối già là gì, sau này anh mới hiểu rằng đó là những chuyến đi của cả một đời người, có thể là chuyến đi cuối cùng. Quê anh đa phần là dân Bắc di cư vào Nam từ 1954, có những người cả đời chưa về quê.
Vậy nên trong ước mơ của nhiều người già, vẫn cứ muốn về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình một lần, hoặc là đi thăm thú bạn bè ngày xưa, bất chấp tuổi già, sức yếu. Hóa ra, đó là tâm lý chung của mọi người, cứ muốn làm nốt những gì mình muốn làm trong đời mà chưa có cơ hội. Anh nhận ra một điều: cứ làm những gì mình có thể làm hôm nay, sau này để không phải hối tiếc.