Động thái giảm lãi vay 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên của bốn ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh có thị phần lớn nhất (nhóm Big 4) được đánh giá là tín hiệu rất tích cực trong việc hỗ trợ nền kinh tế, tạo đà cho các doanh nghiệp trong năm 2019.
Giảm 0,5% lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên
Bắt đầu từ ngày 10-1, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng loạt áp dụng mức giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với tất cả lĩnh vực ưu tiên. Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên được giảm lãi suất là xuất khẩu; phát triển nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khởi nghiệp…
Theo Agribank, chính sách ưu đãi giảm lãi suất này được áp dụng với khách hàng đang có dư nợ vay trung dài hạn. Do có lượng khách hàng và thị phần tín dụng lớn nên việc Agribank điều chỉnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tác động đến các ngân hàng khác trong toàn hệ thống. Tại Vietcombank, việc giảm lãi suất 0,5%/năm sẽ áp dụng đồng loạt đối với các khoản vay ngắn hạn, về mức tối đa 6%/năm. Vietcombank cũng giảm lãi suất đồng loạt các khoản dư nợ trung, dài hạn, mức giảm 0,5%/năm trong năm 2019.
Các khoản vay được giảm lãi suất hiện chiếm khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng hiện hữu bằng VND của Vietcombank. Theo Vietcombank, việc giảm lãi suất cả ngắn hạn, trung và dài hạn chắc chắn sẽ tác động đến lợi nhuận nhưng bù lại, ngân hàng này sẽ tiết giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí trích lập dự phòng theo hướng kiểm soát tín dụng chặt chẽ, đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ công nghệ để tăng thu nhập từ các khoản phi tín dụng. Cùng chung xu hướng trên, VietinBank và BIDV cũng có động thái tương tự.
Tín hiệu tích cực
Động thái giảm lãi vay 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên của nhóm Big 4 diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục nhích lên thời gian gần đây càng có ý nghĩa trong việc trấn an và xóa bớt lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy vậy, một câu hỏi được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm sau động thái trên là liệu có dễ để tiếp cận những khoản vay với lãi suất giảm này hay đây chỉ là động thái PR của các ngân hàng?
Trên thực tế, những doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn thì đã tiếp cận được rồi, chỉ còn doanh nghiệp khó chứng minh phương án kinh doanh, dòng tiền… là vẫn chưa tiếp cận được nên cần hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách của nhà nước. Hiện hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận tín dụng, các ngân hàng đều đã có và sẽ được triển khai đồng loạt trong năm nay.
Không chỉ ngành ngân hàng mà các bộ, ngành khác cũng đang được thúc ép phải tham gia mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận khách quan là không phải doanh nghiệp nào cần vốn cũng tiếp cận được các khoản vay vì còn phải tính tới hiệu quả dự án. Theo đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn về thị trường, vốn, khách hàng nên ngân hàng vì thế không thể đẩy vốn quá dễ dàng.
Theo định hướng chung, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, tăng trưởng khoảng 14%. Từng tổ chức tín dụng sẽ được thông báo chỉ tiêu, hạn mức tăng tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng tín dụng lành mạnh. Các ngân hàng thương mại cần tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, tiêu dùng, dự án BOT, BT giao thông… sẽ được kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng đổ vào.