Nghề thiết kế kiến trúc có nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn. Nhưng vui nhất đối với kiến trúc sư vẫn là mỗi lần trở lại thăm công trình, xem cách chủ đầu tư tương tác với ngôi nhà mình thiết kế, thấy được những thay đổi tích cực và giá trị tinh thần mà ngôi nhà đem lại cho gia chủ. “Nhà tiệc” đối với tôi là một trường hợp như vậy.
Chủ đầu tư là một gia đình lớn di cư từ Hải Phòng, nhu cầu đám giỗ và tụ tập tiệc tùng với quy mô cả trăm người hầu như mỗi tháng. Ngôi nhà cũ trở nên chật chội.
Miếng đất rộng 260m² phía đối diện được tận dụng từ nhu cầu cơ bản đó. Ngoài ra, gia chủ còn muốn có thêm hai phòng ngủ cho khách với bố trí riêng biệt, tiện nghi như những bungalow trong resort.
Do mục đích chính là để tụ tập giỗ chạp và tiệc tùng nên trong câu chuyện về concept, đã hình thành tên gọi là “nhà tiệc” một cách không chủ ý. Nhà tiệc được bố trí như kiểu nhà dài của Tây Nguyên. Không có khoảng vườn rộng nên hai bungalow được treo lên khoảng không, có lối đi riêng cho từng phòng.
Phòng làm bằng gỗ cũ, vách được lấy họa tiết từ vách nhà người dân tộc thiểu số. Hai căn phòng giống như hai tổ chim mở ra những khoảng không đầy nắng và gió cùng những mảng xanh lơ lửng. Trệt là không gian mở, không cửa, vách che là mảng cây xanh cao thấp bao bọc. Toàn bộ không gian trệt tiếp xúc trực tiếp với mưa nắng mỗi ngày.
- Xem thêm: Tiện nghi trong sự tối giản
Với lối tổ chức như thế này, mỗi sáng phải dậy quét sân, tưới cây… – những việc chủ nhà trước đây nghĩ rằng mình không bao giờ làm được, giờ đã dần thành nếp. Khoảng sàn rộng dưới trệt trở thành một không gian đa năng. Nó không chỉ là nơi tổ chức giỗ chạp mà còn là sân chơi của con; mỗi chiều ông lại rủ bạn bè qua đánh bóng bàn; buổi tối bạn bè tụ tập hàn huyên, uống rượu.
Lâu rồi không thấy chủ nhà gọi là “nhà tiệc” nữa mà chuyển thành gọi là “nhà mình”. Như sáng hôm qua chụp hình, gặp lại chị, thấy chị tất tả nhưng ánh mắt lấp lánh: nhà mình buổi sáng nhiều chim lắm, chắc mình dọn qua đây ở luôn. À, mà tết này ông bà đủ chỗ đón con cháu rồi!