Nhà văn Nam bộ Nguyễn Bảo Hóa (1920-1988) có các bút danh Tô Nguyệt Đình, Tiêu Kim Thủy, Thanh Tuyền, Kim Mi, Hải Đường, Thiện Tâm, Du Lam Khách, Nguyễn Duy Khanh, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1920 tại làng Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa, nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông là đồng hương và là bạn văn của Kiều Thanh Quế (1914-1948), nhưng không sớm nổi tiếng như nhà văn họ Kiều. Sau năm 1945, tên tuổi của ông mới thực sự được công chúng văn học biết đến.
Nguyễn Bảo Hóa hoạt động nhiều năm trong phong trào báo chí Sài Gòn thời kỳ bị tạm chiếm. Ông tham gia biên tập và phụ trách, viết bài cộng tác với nhiều tờ báo công khai. Vừa hoạt động báo chí, Nguyễn Bảo Hóa vừa hăng hái hoạt động trong các phong trào chính trị chống Pháp, đòi thống nhất đất nước.
Ông từng tham gia Phong trào báo chí thống nhất (1946), tham gia Liên hiệp báo chí Việt Nam (1948). Giữa năm 1950, Nguyễn Bảo Hóa thay nhà văn Dương Tử Giang (1915-1956) phụ trách tuần báo Thứ năm của Lê Minh Cảnh. Sau đó, Nguyễn Bảo Hóa bị bắt giam 3 tháng ở bót Catinat, báo Thứ năm bị đóng cửa vì tuyên truyền cho Việt Minh.
Năm 1954, Nguyễn Bảo Hóa tham gia phong trào “Bảo vệ hòa bình” và bị bắt. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước chống Pháp, được chỉ định làm bí thư ban cán sự báo chí (ban cán sự gồm Nguyễn Bảo Hóa, Nguyễn Văn Mại, Quốc Phượng), dùng trụ sở Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt làm nơi hoạt động, nửa bí mật nửa công khai. Thẩm Thệ Hà cho biết Nguyễn Bảo Hóa được các đồng chí xem là “Người chiến sĩ hòa bình bất khuất”. Trong nhiều cuộc tranh đấu, Nguyễn Bảo Hóa lúc nào cũng ở tuyến đầu, không sợ bị bắt bớ, tù đày.
Năm 1956, Nguyễn Bảo Hóa cùng với Thẩm Thệ Hà thành lập nhà xuất bản Lá dâu (nòng cốt có 4 người: Nguyễn Bảo Hóa, Thanh Nhã, Bằng Giang và Thẩm Thệ Hà). Thẩm Thệ Hà cho biết: “Đầu năm 1956, Tô Nguyệt Đình tìm tôi bàn việc mở nhà xuất bản. Anh cho rằng hiện nay, bọn phản động ra nhiều báo, mở nhiều nhà xuất bản truyền bá những tư tưởng phản động, đồi trụy gây tác hại không nhỏ đối với thanh niên, xuyên tạc chánh nghĩa, bôi nhọ lịch sử. Đã đến lúc ta phải phản ứng bằng cách mở một nhà xuất bản mới, quy tụ những nhà văn có lập trường tư tưởng tiến bộ”(1).
Công việc của nhà xuất bản, từ khâu chọn tác phẩm, biên tập, trình bày, ấn loát đều do Nguyễn Bảo Hóa và Thẩm Thệ Hà đảm nhận. Tác phẩm đầu tiên của nhà xuất bản Lá dâu là Đời tương thắm của Thẩm Thệ Hà, tiếp theo là Tiếp Bội của Tiêu Kim Thủy (tức Nguyễn Bảo Hóa), kế đến là Qua cơn sóng gió của Thanh Nhã, Mía sâu có đốt của Tô Nguyệt Đình… Những tác phẩm của nhà xuất bản Lá dâu đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với phong trào đấu tranh của quần chúng.
Từ năm 1956-1957, Nguyễn Bảo Hóa viết một số truyện ngắn thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng đăng trên báo Nhân loại do Ngọc Linh làm thư ký toà soạn như: Ba Viên, Mạc Lìn, Mã Lê,… Từ cuối năm 1958, những nhà văn nòng cốt của nhà xuất bản Lá dâu lần lượt bị bắt. Nguyễn Bảo Hóa bị đưa đi quản thúc ở Định Tường. Sau khi được trả tự do, ông trở về Sài Gòn và tiếp tục hoạt động cho đến ngày thống nhất đất nước.
Nguyễn Bảo Hóa mất ngày 17-5-1988 tại TP.HCM. “Người chiến sĩ hòa bình bất khuất” ấy để cả quãng ngày xanh tươi đẹp của mình hoạt động cho hòa bình, cho cách mạng, cho văn học miền Nam bừng sức sống, đã vĩnh viễn ra đi trong tiếc thương, mến phục của biết bao người”(2). Ông về thế giới người hiền đến nay đã tròn 30 năm.
Chưa kể rất nhiều những tác phẩm đăng báo đến nay chưa tập hợp được, tác phẩm của Nguyễn Bảo Hóa đã xuất bản, tiêu biểu có: Biên khảo lịch sử: Nam Bộ chiến sử (NXB Lửa sống, Sài Gòn, 1949), Phạm Hồng Thái (NXB Sống mới, Sài Gòn, 1957), Tàn phá Cổ Am (NXB Tấn Phát, Sài Gòn, 1958), Việt Nam 25 năm máu lửa (NXB Khai trí, Sài Gòn, 1971), Chuyện xưa tích cũ (viết chung với Sơn Nam, 1991). Các các tiểu thuyết: Ải Chi Lăng (1947), Bộ áo cà sa nhuộm máu (1950), Mỵ Lan Hương (1951), Chàng đi theo nước (1953), Tiếp Bội (1957), Mía sâu có đốt (1957), Cờ bay theo gió (1964),…
Có thể thấy cảm hứng yêu nước là nguồn cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của Nguyễn Bảo Hóa. Cảm hứng ấy thể hiện qua việc xây dựng thế giới nhân vật phong phú mang tinh thần đấu tranh cách mạng. Nhân vật của ông có nhân vật lịch sử, nhân vật hư cấu. Phần lớn họ là những nhân vật anh hùng, chiến sĩ như: Triệu Quang Phục (Cờ bay theo gió), Trịnh Bằng Phi (Chàng đi theo nước), Lê Kiệt (Mỵ Lan Hương), Tiếp (Tiếp Bội), Lê Hồng Long, Đạo Không hòa thượng, Đội Võ, Lê Huyết Hùng, Độc Long Xanh, Hi Đình (Bộ áo cà sa nhuộm máu). Các nhân vật nữ thường được Nguyễn Bảo Hóa xây dựng thành nhân vật mang lý tưởng, kiểu nhân vật nữ tranh đấu, đó là: Điệp Trà My, Tuyết Trinh, Tuyết Nga (Bộ áo cà sa nhuộm máu), Thúy Liễu, Lý Thu Nương (Mỵ Lan Hương), Bội (Tiếp Bội).
Dù là nhân vật lịch sử hay nhân vật hư cấu thì tình yêu, cuộc sống, hành động của họ thường gắn với tình yêu đất nước, với lý tưởng đấu tranh. Có nhân vật vì thù nhà mà mang trong mình mối nợ nước như Trịnh Bằng Phi, Mỵ Lan Hương; có nhân vật vì tình yêu không thành mà chuyển hóa tình riêng tư vào một thứ tình cảm lớn lao hơn như Thúy Liễu, Lê Kiệt; có nhân vật sinh ra đã mang trong mình khí khái anh hùng, nhìn cảnh đất nước lầm than trong cơn vây khốn mà uất hận, muốn đem sức mình cống hiến như Triệu Quang Phục, Trương Hống, Trương Hát, Lý Thu Nương; có khi đó là những nhân vật trí thức trẻ nhìn rõ thời cuộc, thao thức, trăn trở, muốn tìm một cuộc đời lý tưởng riêng mình như Tiếp, Bội, Trân. Mỗi nhân vật mang một số phận không mấy giống nhau. Nhưng tất cả có điểm chung là sinh ra trong hoàn cảnh đất nước nguy biến, họ phải đấu tranh để giành quyền sống, quyền tự do cho mình và đồng loại.
- Xem thêm: Kiều Thanh Quế – Nhà phê bình khả kính
Tác phẩm của Nguyễn Bảo Hóa có kết cấu đơn giản, ngôn ngữ giản dị mang đậm hơi thở đời sống đương thời. Viết về đề tài lịch sử, tuy kín đáo nhưng những tác phẩm của ông vẫn có một đường dây liên lạc giữa quá khứ với hiện tại, giữa kinh nghiệm của lịch sử và nhiệm vụ thời hiện tại. Do vậy, ngôn ngữ, hành động và cả lý tưởng của nhân vật lịch sử không trở nên xa lạ với độc giả đương thời.
Như nhiều nhà văn cùng thế hệ và chí hướng, những tác phẩm ấy trước hết hướng đến mục đích xã hội, nhân sinh chứ không phải nghệ thuật thuần túy. Tuy vậy, sức hấp dẫn nơi những trang viết của Nguyễn Bảo Hóa chính là chỗ thô ráp, trực diện với những vấn đề bức bối của đời sống: sự tồn vong của văn hóa dân tộc, độc lập dân tộc. Cái tọa độ đã nhiều lần là tâm điểm của văn chương trong quá khứ, mỗi khi dân tộc đứng trước những thử thách sống còn.
Trong lĩnh vực phê bình văn học, Nguyễn Bảo Hóa có một vai trò khá quan trọng. Khi viết phê bình, ông thường ký nhiều bút danh (do phần ông phải hoạt động bí mật), cộng tác với nhiều tờ báo. Do vậy, việc tìm lại tác phẩm phê bình văn học của ông hết sức khó khăn và thật sự có ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu trọn vẹn vai trò và đóng góp của ông đối với lịch sử văn học.
Bài phê bình văn học vào loại sớm nhất của Nguyễn Bảo Hóa (bút hiệu Tô Nguyệt Đình) chính là bài phê bình tiểu thuyết Người yêu nước của Thẩm Thệ Hà trên báo Ánh sáng (số 346-347, năm 1949), “mở đầu loạt bài phê bình văn học trong báo giới miền Nam thời khói lửa”(3). Ngay từ sớm, Nguyễn Bảo Hóa đã phát hiện ra giá trị của Người yêu nước trong không khí xã hội đấu tranh giành độc lập: “Người yêu nước có một giá trị đặc biệt về tinh thần. Tác giả đã làm nổi bật hai quan điểm: cách mạng hoàn cảnh và cách mạng quốc gia. (…) Sáng tác được một tác phẩm như Người yêu nước chẳng phải là một việc dễ. Tác giả đã tỏ ra sự cố gắng trong lúc ghi chép những phản ảnh của thời đại, nó đánh dấu một biến chuyển lớn lao của nền văn hóa nước nhà”.
Nhận xét về quyển Đời tươi thắm của Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Bảo Hóa cho rằng: “Đời tươi thắm là một tiểu thuyết luận đề. Cái luận đề anh đưa ra không mới mẻ gì: ‘ái tình và tôn giáo’ hay nói rộng ra ‘đời và đạo’. Nhiều nhà văn đã đề cập đến vấn đề này rồi: Khái Hưng với quyển Hồn bướm mơ tiên, Nguyễn Tuân với quyển Chùa đàn. Khơi lại một vấn đề cũ, anh Thẩm Thệ Hà cố ý phủ nhận cách giải quyết vấn đề mà anh cho là không tưởng của những nhà văn trên.
Anh cho ‘Khái Hưng giải quyết vấn đề một cách lơ lửng, phản tâm lý và phản tôn giáo’. Về Nguyễn Tuân, anh không đá động đến. Nhưng đối chiếu cách giải quyết vấn đề của Nguyễn Tuân và của anh, ta thấy Nguyễn Tuân giải quyết một cách trừu tượng, còn anh giải quyết một cách thực tế, căn cứ vào tâm lý nhân vật và bối cảnh lịch sử. Cô Tơ của Nguyễn Tuân kết cuộc vẫn là sư thầy Tuệ Không, còn Thúy của Thẩm Thệ Hà thì từ một Thúy lãng mạn bi quan, trở nên một Thúy lành mạnh, yêu đời.
Cái khác nhau giữa những tác phẩm trên là thay vì lồng sự kiện vào cửa thiền như Khái Hưng, Nguyễn Tuân và như bao nhà văn phương Đông khác từ xưa đến nay, Thẩm Thệ Hà đã lồng nó dưới mái giáo đường để tìm ở đó những làn không khí mới mẻ. Phần khác, anh đã mượn một phần lớn ngoại cảnh để cảnh giác tâm hồn, chớ không giải quyết thuần bằng tình cảm như Khái Hưng. Do đó mà anh phải mượn một bối cảnh lịch sử đặc biệt, lúc toàn dân Việt Nam nổi dậy chống thực dân, để những sự kiện xẩy ra đều gần với thực tế và tâm lý nhân vật cũng biến chuyển một cách hợp lý, theo đúng trật tự thời gian và không gian”.
Sau bài phê bình tiểu thuyết Người yêu nước, ông cộng tác thường xuyên với mục phê bình văn học của tờ Ánh sáng, phê bình các tác phẩm của nhà xuất bản Tân Việt Nam. Tiêu biểu cho các bài phê bình giới thiệu sách có bài phê bình Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh và Việt Nam trên con đường cách mạng tân văn hóa của Thẩm Thệ Hà.
Nhà văn Dương Tử Giang từng nhận xét về tình trạng sách báo ế ẩm, vì chạy theo kinh doanh, những bài giới thiệu sách của Nguyễn Bảo Hóa và một số cây bút đương thời đã tạo nên không khí mới cho văn học: “Công việc phê bình sách của Nguyễn Bảo Hóa và một vài anh em khác, lần lần có ảnh hưởng hay. Bây giờ độc giả đọc và phán đoán chớ không chỉ đọc để giải trí trong một vài giờ nữa.
Và đọc xong một quyển sách, họ tìm xem báo chí phê bình sách ấy thế nào. Cũng có khi họ không đồng ý với lời phê bình và cũng như nhà phê bình, có khi họ bất công, lầm lạc trong sự phê phán. Nhưng điều đáng vui mừng là đã có một phong trào phê bình, một luồng dư luận về văn nghệ. Và nhịp sống của văn nghệ, của sách vở bắt đầu đập mạnh lại”(4).
Nguyễn Bảo Hóa đã sống trọn quãng thời gian lịch sử giản khổ mà sôi động của nhân miền Nam. Cuộc đời ông là chuỗi dài những hoạt động vì lý tưởng tranh đấu: từ báo chí, xuất bản, đến sáng tác. Ở lĩnh vực nào, ông cũng sống và làm việc hết mình vì “chức nghiệp”, “thiên chức”. Với tư cách một nhà báo, ông đấu tranh mạnh mẽ trong hầu hết các phong trào tiến bộ, đóng góp cho nhiều tờ báo để giành tiếng nói tự do báo chí, bảo vệ hòa bình và độc lập. Với vai trò phụ trách xuất bản, ông chọn lọc những tác phẩm có giá trị cho độc giả, có lợi cho công cuộc bảo vệ văn hóa dân tộc. Là một nhà văn, ông dành cả cuộc đời sáng tác để đấu tranh, bảo vệ và đề cao lý tưởng yêu nước. Có thể thấy, chỉ cuộc đời của ông thôi, đã là một tác phẩm đẹp, đáng ngưỡng vọng.
Nguyễn Bảo Hóa, “Người ‘chiến sĩ hòa bình bất khuất’ ấy để cả quãng ngày xanh tươi đẹp của mình hoạt động cho hòa bình, cho cách mạng, cho văn học miền Nam bừng sức sống” (Thẩm Thệ Hà)
Tiếp Bội (bản 1957)
Bộ áo cà sa nhuôm máu (bản 1989)
Nam bộ chiến sử (1949)