Hơn 3/4 người tiêu dùng Việt Nam sử dụng công nghệ xác thực sinh trắc học để xác minh danh tính (78%) và thanh toán (76%), nhiều hơn việc sử dụng mã PIN, mật khẩu và các phương thức xác thực khác, theo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022. Cũng theo nghiên cứu này, công nghệ sinh trắc học nhận được niềm tin từ đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề quyền riêng tư là một trở ngại lớn đối với đa số người dùng tham gia khảo sát, với 71% người được hỏi quan tâm đến các đơn vị có quyền truy cập dữ liệu sinh trắc học của họ.
Số liệu mới nhất về thói quen, thái độ và lựa chọn thanh toán của người dùng được công bố trong Chỉ số thanh toán mới thường niên thứ hai của Mastercard, thực hiện trên 40 thị trường thuộc 5 khu vực, trong đó có 7 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam.
Khảo sát chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt Nam tích cực đón nhận công nghệ sinh trắc học, với 75% người được hỏi nhận thấy việc sử dụng công nghệ này mang lại nhiều tiện ích hơn so với thẻ vật lý hay các thiết bị thanh toán khác. Tỉ lệ người tiêu dùng sử dụng công nghệ xác thực bằng sinh trắc học tại Việt Nam cũng cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với 76% người tiêu dùng từng sử dụng hình thức xác thực này để thanh toán khi mua hàng trong năm qua, so với tỷ lệ 53% người tiêu dùng trong khu vực.
Mặc dù vậy, 59% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hình thức xác thực bằng công nghệ sinh trắc học thường xuyên hơn trong năm ngoái, thể hiện sự cởi mở trong việc đón nhận công nghệ thanh toán mới. Con số này cũng cho thấy tiềm năng chưa được khai phá của phương thức xác thực này nếu các nhà cung cấp giải quyết được những lo ngại về quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Các loại hình công nghệ sinh trắc học được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hoặc cân nhắc sử dụng cao hơn so với mức trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, phương thức phổ biến nhất lần lượt là xác minh bằng vân tay (93%, so với 72% của khu vực), nhận diện khuôn mặt (89%, so với 68% của khu vực) và nhận diện giọng nói (79%, so với 59% của khu vực).