Cuốn The Sympathizer đưa tên tuổi của Viet Thanh Nguyen, tác giả người Mỹ gốc Việt nổi danh toàn cầu với giải Pulitzer, nhưng Người tị nạn (The Refugees) – cuốn sách mới nhất của tác giả phát hành đầu năm 2017 mới là cuốn sách đầu tiên xuất bản tại Việt Nam.
Người tị nạn là tập truyện ngắn Viet Thanh Nguyen – hay còn gọi là Nguyễn Thanh Việt, dành “tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu”. Tập truyện ngắn gây ấn tượng mạnh bởi sự hư cấu nhưng chân thực của nó như đánh giá của New York Times: “Những câu chuyện về người tị nạn Việt Nam như ma thuật bất biến… Một tập truyện siêu phàm… Giọng văn khiêm tốn, chi tiết và phong cách tự sự thẳng thừng hoàn toàn thích hợp với những cuộc đời thường dân âm thầm được mô tả trong truyện… Vặn nhỏ âm lượng, chúng ta áp tai vào, lắng nghe những người tị nạn nói để thấu hiểu họ”.
Như tựa đề tập truyện cho thấy, các truyện trong cuốn sách này đều xoay quanh những người tị nạn, trong đó có tác giả và gia đình.
Tác giả kể rằng ông và người tị nạn nói chung có một “cảm giác xa lạ, luôn sống hai đời sống, một trong nền văn hóa lớn hơn mà bạn đang cố hòa nhập, và một gần với bản chất hơn khi ở trong cộng đồng của mình và nói thứ tiếng của mình”. Tựa như hai chị em cùng cha khác mẹ trong truyện Tổ quốc nhưng được ông bố đặt tên giống nhau. Cô chị là người tị nạn ở Mỹ còn cô em lớn lên ở Việt Nam sau chiến tranh. Hai chị em gặp nhau khi cô chị về thăm tổ quốc.
Họ là hai mà tưởng như cùng thân phận: một người là của quá khứ sống ở xứ người và một là hiện tại sống ở xứ mình.
Viet Thanh Nguyen là người gốc Việt đầu tiên nhận giải Pulitzer văn học (2016) cho tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer (Cảm tình viên). Tiếp theo đó, tập tiểu luận Nothing Ever Dies (Chưa có gì từng chết) của ông lọt vào chung khảo giải National Book Critics Circle Award cùng năm. Đầu năm 2017, tập truyện ngắn The Refugees (Người tị nạn) ra đời đánh dấu hành trình 20 năm làm nhà văn.
Sau khi nhận giải Pulitzer, Viet Thanh Nguyen được truyền thông săn đón. Ông được mời thuyết giảng, đọc sách, ký tặng ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, đôi khi ở châu Âu. Tham gia trả lời phóng vấn thường xuyên và trở thành nhà phê bình uy tín trên New York Times, Los Angeles Times…
Sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, ông luôn cảm thấy mình như một điệp viên hai mang. Lúc ở nhà với cha mẹ, ông là điệp viên của nước Mỹ bên ngoài; lúc ở ngoài, ông là điệp viên của cộng đồng người Việt tị nạn. Tuy nhiên, đứng giữa hai thế giới này, ông chủ động chọn một góc nhìn độc lập để có thể soi chiếu một cách khách quan nhất.
Không chỉ vậy, Viet Thanh Nguyen luôn sẵn lòng để không an vị, không bằng lòng, và luôn trăn trở, từ đó ông hy vọng có thể hiểu được tận cùng căn tính và tâm tính của một cộng đồng tị nạn trong lòng nước Mỹ để phản chiếu một cách chính xác trên trang viết.
Người tị nạn được Phạm Viêm Phương dịch, được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Book vừa xuất bản tại Việt Nam.
Cuốn sách có hai phiên bản bìa cứng (giá: 195.000 đồng) và bìa mềm (giá: 132.000 đồng).
Người tỵ nạn, sách rất mỏng mà sao nặng thế…
“Người tị nạn”- cuốn sách đầu tiên được phép xuất bản tại Việt Nam của nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer, giải thưởng danh giá của Mỹ trao cho nhiều lĩnh vực nhưng quan trọng nhất là báo chí và văn học.
Dầu “Người tị nạn” không phải là cuốn đã thắng giải Pulitzer 2016 của Nguyễn Thanh Việt (mà là The Sympathizer- nghe nói bản dịch tiếng Việt cuốn này chưa được cấp phép xuất bản vì một số chuyện nhạy cảm) song nó cũng phần nào giải được cơn khát thèm vì tò mò với một tên tuổi Việt Nam hiếm hoi có danh trên văn đàn thế giới.
Thoạt vừa cầm cuốn sách cực “hot” ấy trên tay, hơi có tí…thất vọng. Cái khổ của kẻ sống lâu trong bầu không khí thích to, thích hoành tráng, thích dày cộp ! “Người tị nạn” thì quá mỏng, ngót 200 trang khổ nhỏ, gồm 7 truyện ngắn.
Thế mà đọc hết 200 trang ấy, thấy nó.. dày kinh khủng, vì từng lớp ký ức chất chồng trên từng trang giấy. Tất cả các nhân vật đều như mắc kẹt giữa ký ức, dù có người muốn quên, có người bị quên (bệnh). Những ký ức biến họ thành người tị nạn theo nghĩa đen (tha hương), hay tị nạn trên chính đất nước mình, tị nạn trong chính cuộc đời mình. Vượt qua việc viết văn từ kinh nghiệm bản thân (là một người tị nạn đúng nghĩa đen), Nguyễn Thanh Việt cho thấy ngòi bút của anh đã chạm tới những vấn đề rất con người, có thề của bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu.
Các truyện trong “Người tị nạn” được viết với bút pháp truyện ngắn khá cổ điển, một giọng văn khá (tỏ ra) bình thản. Nhưng rất tinh tế. Yêu nhất sự tinh tế, mẫn cảm ở người viết, thứ mà thú thật, mình ít cảm nhận thấy trong nhiều trang viết đương đại trong nước. Và dù đọc truyện tiếng Anh qua bản dịch tiếng Việt (rất dễ chịu của dịch giả Phạm Viêm Phương), dù nhân vật chính trong truyện có thể không phải người Việt, nhưng vẫn cảm nhận rõ ràng cái “mùi Việt Nam”.
Nguyễn Thanh Việt sinh ở Buôn Ma Thuột, rời Việt Nam sang Mỹ định cư cùng gia đình năm 1975, khi mới 4 tuổi. Hiện là giáo sư Anh ngữ, Sắc tộc và Hoa kỳ học.
- Trích FB Thuỷ Phạm