Ông Giang Nguyên Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, người làng Triều Khúc cho biết: Những vị cao niên và túc nho của làng từ đời này sang đời khác đều kể với con cháu rằng, vào thế kỷ thứ VIII, đức vua Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay), đã đóng đại quân ở làng Triều Khúc. Để khích động ba quân, tướng sĩ và cũng là giải trí cho nghĩa quân trước khi lâm trận, vua đã cho binh lính đóng giả trang làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Thằng cu, cái đĩ là cách người nông thôn Bắc Bộ gọi con trai, con gái trong làng. Có thể do vậy mà điệu múa mang tên “Con đĩ đánh bồng”. Người múa bồng, đầu đội khăn gỗ, chít ra ngoài chiếc khăn mỏ quạ màu đỏ tươi, mặc quần áo trắng, cổ quàng tấm lụa xanh hình lá sen thêu hoa lá cách điệu; từ thắt lưng trở xuống là chiếc váy bằng nhiễu đen được trùm tới mắt cá chân, được choàng thêm những dải lụa màu rực rỡ. Chiếc trống bồng màu đỏ dài chừng sáu mươi phân được các vũ công đeo trước bụng bằng một dải lụa đỏ thắt bỏ múi sau lưng. Mặt các vũ công được trang điểm má phấn môi son thật rạng rỡ. Dàn nhạc gồm có sáu người, trong đó bốn người đánh trống bản (đeo trống dọc, thắt dây đeo qua gáy, trống này chỉ cao chừng 15-20 phân, một người đánh trống khẩu và một người đánh thanh la – cầm trịch nhịp điệu nhanh chậm của điệu múa. Bốn người đeo trống trước bụng, đứng bốn góc tạo thành hình vuông, hai vũ công múa bồng với các bước đi theo hình vòng tròn, xoay ngược chiều kim đồng hồ, đó chính là sự tượng trưng cho trời đất – Trời tròn, đất vuông. Khi múa, cánh tay giật xuống, hai ngón tay trỏ và giữa chỉ thẳng lên trời, phải chăng người xưa muốn gắn thuyết “Thiên địa nhân” vào điệu múa bồng?
Ông Triệu Đình Hồng
Từ lâu, điệu múa chỉ được diễn tấu trong những ngày làng mở hội, vào đám. Đó là ngày Đức Phùng Hưng lên ngôi vua từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch; ngày vua mất (vào tháng 8 Âm lịch)… Điệu múa bồng cũng chỉ được biểu diễn ngay ở phương đình – nơi thờ Thành hoàng là Đức vua Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – vào giữa các tuần tế. Đó là lý do để mặc dù có tên là Con đĩ đánh bồng nhưng không cô gái nào được vào múa may ở trước sân đình – trước mặt Thánh, mà nhất thiết phải là trai đóng giả gái. Nhưng cũng không phải cứ là trai thì sẽ được vào đội múa. Việc chọn lựa này diễn ra khá công phu và kỹ càng. Các thanh niên được chọn vào đội múa bồng đều phải là những anh chàng chưa vợ, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú và quan trọng nhất phải là con nhà tử tế, hiếu đễ, bản thân không có tì vết gì mới được chấm chọn. Lễ tế Thành hoàng làng Triều Khúc cũng vô cùng độc đáo, được diễn ra đúng vào hôm chính hội (12 tháng Giêng) và kéo dài trong ba giờ đồng hồ với nhiều nghi lễ đặc biệt và điệu múa bồng diễn ra sau mỗi lần tiến tửu.
Độc đáo là thế, nhưng không nằm ngoài tình trạng chung của nhiều loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống, điệu múa bồng cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Ý thức và đau xót trước nguy cơấy, ngay từ những năm 1980, ông Triệu Đình Hồng đã bền bỉ vận động các gia đình cho con đến lớp học múa bồng của ông. Gọi là lớp, nhưng thực ra ông tranh thủ dạy buổi tối ở nhà, không công. Mới đầu, đi xin những thùng sơn cũ làm trống giữ nhịp, ông Hồng tỉ mỉ hướng dẫn từng động tác di chuyển, cách dựa vai, liếc mắt… Sau này, đời sống khá lên, ông tự bỏ tiền túi ra may trang phục, sắm sanh thanh la, trống, dùi… và “hối lộ, bồi dưỡng” học trò – đôi khi chỉ là cái bánh, ấm trà. Năm 2010, Hà Nội nô nức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, rất may là Con đĩ đánh bồng được nhớ tới, được quan tâm và tôn vinh. Cũng nhân dịp này, ông Hồng mới được vinh danh là nghệ nhân múa dân gian và đội múa của ông được cấp kinh phí để may trang phục cho mới, cho đẹp. Xong lần đó, ông lại bền bỉ truyền nghề. Lần này, được sự giúp đỡ của ban lãnh đạo xã và Trường cấp II Triều Khúc, ông “vào” hẳn trường để dạy. Một số cháu đồng ý học đã được nhà trường tạo điều kiện cho học trong giờ thể dục. Và thế là, ông Hồng chính thức trở thành thầy giáo (tự nguyện, không lương) dạy múa trong trường lớp hẳn hoi.
Mặc dù vậy, ông vẫn canh cánh trong lòng về tương lai của điệu múa này: “Tuy chúng tôi vẫn giữ được những bước đi căn bản của điệu múa, không bị cách điệu hay pha tạp; không gian trình diễn vẫn còn, nhưng bây giờ không có cơ hội kén chọn trai chưa vợ để làm “con đĩ đánh bồng” nữa. Tìm được người yêu thích văn hóa truyền thống của làng, bỏ công, bỏ sức ra học để phục vụ việc lễ, tế của làng đã là may lắm rồi. Cả làng hiện nay chỉ có gần 40 người già, trẻ biết múa. Hơn nữa, múa đúng là một chuyện, còn múa cho ra hồn cốt lại là chuyện khác. Chỉ khi nào những người múa thực sự hiểu giá trị di sản, thực sự yêu quý nó thì mới ra “hồn” được. Khó khăn nhất trong việc truyền dạy của tôi là công tác vận động. Trong thời buổi này, người ta ít quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, nhất là văn hóa dân gian. Làm sao để các cháu thanh thiếu niên quan tâm đến việc học và giữ gìn di sản thật chẳng dễ dàng gì. Mỗi khi mở được lớp là tôi vui lắm, khi dạy như có hội trong bụng vậy… Hy vọng, sau này, khi tôi không còn trên cõi đời này nữa thì vẫn có không phải một mà nhiều người nắm vững được điệu múa để tiếp tục truyền sang thế hệ khác, như biết bao thế hệ cha, ông chúng tôi đã truyền lại cho chúng tôi”.
Không biết ngành văn hóa của chúng ta đã quan tâm bảo tồn và phát triển di sản phi vật thể này đến mức nào?
Diễm Vân