Gia đình chồng tôi nói những lời ấy thật dễ dàng, khi đau ốm và khi mạnh khỏe, kết thúc mỗi cuộc gọi là có câu: “I love you” (Yêu nhé), “I love you too” (Đây cũng yêu nhé)
Chưa đầy 12 tiếng kể từ khi có kết quả X-quang phổi khiến con tôi phải nhập viện, mẹ tôi đáp một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Ấy là đầu năm 2020, trước khi chúng ta trải qua đại dịch. Vừa về tới nhà chúng tôi tại Mumbai vào giữa đêm, điều đầu tiên mẹ phán là căn hộ quá bừa bộn. Tôi chui vào nhà tắm, đóng cửa lại và khóc, những giọt nước mắt to và nóng hổi của biết ơn và nhẹ lòng. Rồi tôi bước ra, mắng mẹ vì đã quan tâm đến tình trạng của căn hộ, và bảo bà rằng cái khăn bà quàng sao tồi tàn thế. Độc giả ơi, tôi yêu mẹ lắm. Nhưng đừng nói với bà rằng tôi bảo thế nhé.Trong gia đình tôi, tình yêu được thể hiện bằng cách không bao giờ đả động, dù chỉ thì thào, rằng chúng tôi yêu nhau. Chúng tôi coi nhau đúng là những phần nội tại của mình, cùng đan chặt với nhau đến nỗi phải cẩn thận không khen nhau quá nhiều, sợ rằng nghe ra sáo rỗng. Mẹ tôi, người mà tôi vẫn kín đáo biết ơn vì đã biến tôi thành một nhà văn, vẫn giữ một chồng ngất ngưởng tiểu thuyết của tôi và bạ ai quen cũng đem tặng, vẻ thanh minh thì thào những lời đại khái: “Chẳng hiểu được, đám phê bình thì có vẻ thích, biết đâu anh/chị cũng thích”. Hoặc: “Khi nào rỗi thì đọc. Bán được cũng kha khá đấy”. Trước mặt tôi, mẹ gần như không bao giờ khen những gì tôi viết. Thay vào đó, trong gia đình tôi, yêu là đến nhà nhau rồi đối xử nhỏ mọn với nhau.
Khi bà nội tôi còn sống, lần cuối gặp bà là tôi bay tới Calcutta, cốt làm cho bà ngạc nhiên nhân sinh nhật lần thứ 90. Bà nhìn tôi rồi nói với người hàng xóm sang thăm: “Coi cái áo sơmi vàng nó mặc kìa, chắc không nhớ ra sinh nhật tôi mới thế”. Giờ đây nghĩ về những lời đó tôi thấy trìu mến làm sao.
Năm nay, bà ngoại thân yêu của tôi yếu lắm rồi, tôi ở Mỹ nơi đầu kia thế giới và vẫn không thể nói con yêu bà. Bà đã sống một mình tại New Delhi gần như hết phần đời góa phụ, cứng cỏi và vô cùng độc lập, mạnh mẽ. Bà kết hôn năm 17 tuổi, có bốn người con gái trong một thế giới chỉ coi trọng con trai; bà nuôi dạy các con trở nên độc lập và cứng cỏi như bà. Và rồi, khi anh trai tôi và tôi, hai đứa cháu ngoại đầu tiên của bà, ra đời, ông bà đã chuyển về sống cạnh để dạy dỗ chúng tôi, nhờ thế mẹ tôi có thể tiếp tục nghề của bà, do họ hiểu rằng cuộc đời rồi sẽ làm mọi thứ có thể khiến cho mẹ bớt hăng máu lại.
Khi tôi ra đời, bà ngoại tôi còn khá trẻ, chưa tới 50, và còn năng lượng để mà rượt đuổi và nấu ăn cho bọn tôi. Bà và ông ngoại thường chất hai anh em tôi lên chiếc Fiat màu vỏ trứng của họ rồi chở chúng tôi cùng một chồng bánh puran poli nhà làm đi cắm trại ở Lodhi Gardens. Tôi ngủ đêm ở nhà ông bà cũng nhiều ngang với ở nhà tôi. “Netra mới gửi mẹ một video hay lắm” – mẹ bảo tôi. Mẹ tôi, hiện cũng sống ở Mỹ, cũng bị kẹt khi con virus ấy hoành hành khắp Ấn Độ, chỉ theo dõi được mẹ mình trên các video do đám em họ gửi. “Bà trông vui vẻ, đúng không?”. Mẹ cho tôi xem nhưng tôi ngó ra chỗ khác, do quá sợ phải nhìn vào màn hình.
“Chỉ cần chắc là bà biết mày yêu bà biết chừng nào” – những người bạn đầy thiện chí khuyên tôi. Họ bảo tôi hãy gọi cho bà và gửi bà một email thật dài, nói cho bà biết rằng tôi may mắn được thừa hưởng tính thích ngao du, tính yêu đời của bà, và cả cái trò cứ chạng vạng lại thích uống gì đó ngon ngon. Rõ là những việc cần làm, nhưng giờ tôi vẫn chưa làm.
Tôi muốn nói với bà tôi tôn trọng biết bao cuộc chiến im lặng của bà chống lại cái thời đại bà đang sống. Tôi muốn nói với bà rằng lâu nay tôi vẫn giữ ảnh của bà – bức ảnh mà bà là đứa con gái duy nhất trong toàn trường trung học, váy trùm đến mắt cá, áo cánh dài tay, đứng bên phải thầy hiệu trưởng, tách khỏi toàn bộ đám con trai – và tôi đã cho các con gái tôi xem ảnh mặc dù chúng còn quá nhỏ chưa hiểu được. Tôi muốn nói với bà rằng tôi vẫn nhớ gần 25 năm trước, sau kỳ nghỉ của bà tại Mỹ, lúc quay về thì ông ngoại tôi đột tử tại sân bay Heathrow khi bà đang đứng cạnh ông. Tôi muốn nói với bà rằng tôi yêu ông ngoại biết bao, đến nỗi khi đó tôi không biết phải than khóc thế nào và tới giờ vẫn còn mang theo nỗi đau ấy. Trên tất cả, tôi muốn nói với bà rằng tôi yêu bà. Nhưng tôi vẫn chẳng nói gì cả.
Nếu các chuyến bay được vận hành, các biên giới được mở lại, và du lịch an toàn, tôi sẽ cho bà ngoại thấy tôi yêu bà bằng cách đến thẳng nhà bà và không bao giờ nói con yêu bà. Nhưng giờ đây, ngôn ngữ tình yêu của tôi trong đại dịch là phải nói dối. Những trao đổi thông thường của chúng tôi nay phụ thuộc vào một độ gần gũi bất khả thi về vật lý, và thế là tôi tìm kiếm đủ cách mới để nói được điều tôi muốn nói. “Khi nào con virus ấy được kiểm soát rồi, chừng tháng nữa bọn con sẽ về Ấn Độ – tôi nói với bà – Tới lúc ấy bà sẽ khỏe hơn rồi”.
“Khỏe hơn rồi – bà nói bằng một sự yếu ớt khác lạ trong giọng nói khiến tôi rùng cả mình. Và đó là điều bà muốn nói – Bà cũng yêu mày”.
Gia đình chồng tôi nói những lời ấy thật dễ dàng, khi đau ốm và khi mạnh khỏe, kết thúc mỗi cuộc gọi là có câu: “I love you” (Yêu nhé), “I love you too” (Đây cũng yêu nhé). Khi họ nói thế với tôi, tôi nói: “Cảm ơn”.
- Xem thêm: 8 thói quen của gia đình hạnh phúc
Tôi đâm cáu với chồng tôi vì đã khiến tôi trở thành thành viên của một gia đình nói được những lời ấy, do giờ tôi tự hỏi liệu mình có cần nói thế không. Mỗi khi anh ấy nói ra, tôi lắc đầu và bảo: “Biết rồi, biết rồi” nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ cách thể hiện tình yêu của riêng mình là không thể hiện nó ra cho rõ. May thay, chồng tôi đến giờ cũng đủ hiểu tôi để biết rằng sự cáu kỉnh của tôi chính là tình yêu tôi dành cho anh. Nên biết đâu bà tôi cũng dịch được lời nói dối của tôi thành con yêu bà? Suy cho cùng, chồng tôi biết tôi chưa tới chục năm còn bà tôi biết tôi hơn ba chục năm.
Và biết đâu bà sẽ đọc được bài này. Biết đâu, ở trên giường và đầu kia của thế giới, bà sẽ đọc bài này và sẽ hiểu. Hoặc có thể bà sẽ giữ điều đó cho tới khi có vaccine và tôi đến bên giường bà, và bà sẽ hỏi váy tôi sao mà ngắn thế. Tôi sẽ mặc kệ bà, và cả hai chúng tôi cùng biết là đều rất yêu nhau.