Vậy là kỳ chuyển nhượng mùa đông của bóng đá đỉnh cao châu Âu chuẩn bị khép lại. Dù rất rộn ràng trên mặt báo, nhưng đã không có hợp đồng đình đám nào. Các ngôi sao hàng đầu vẫn đang “ai ở nhà nấy”, dù tương lai của Ronaldo, Messi, Gareth Bale hay De Gea vẫn được giới truyền thông “đào xới” mỗi ngày, như thể họ sắp chuyển ra khỏi Real Madrid, Barcelona hay Manchester United (M.U) đến nơi. Báo chí vài ngày lại đưa ra dự đoán về bến đỗ mới của Messi, từ M.U, Manchester City, Chelsea cho đến đại kình địch Real Madrid. Có nguồn tin còn khẳng định hãng thể thao hàng đầu adidas sẽ hậu thuẫn cho M.U để đưa siêu sao Argentina về sân Old Trafford! Dĩ nhiên, đó chỉ là thông tin trên báo. Sẽ chẳng có cuộc ra đi nào cả, ít nhất là trong kỳ chuyển nhượng mùa đông. Với những người đã nhiều năm theo dõi bóng đá châu Âu, đây là chuyện… đúng dự kiến. Đáng chú ý nhất có lẽ cũng chỉ là việc M.U ký hợp đồng 18 tháng với Victor Valdes, cựu thủ môn của Barcelona mà thôi.
Thị trường chuyển nhượng của bóng đá châu Âu chính thức được áp dụng sau khi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Ủy ban châu Âu đạt được một thỏa thuận chung, dù trên thực tế hệ thống chuyển nhượng các cầu thủ đã được thực hiện tại nhiều giải bóng đá châu Âu trước khi FIFA đưa vào luật từ mùa 2003-2004. Theo quy định của FIFA, mỗi năm bóng đá châu Âu sẽ có hai kỳ chuyển nhượng, một kỳ dài diễn ra tối đa hai tháng trong giai đoạn nghỉ giữa hai mùa giải (kỳ chuyển nhượng mùa hè) và một kỳ ngắn hơn, diễn ra tối đa một tháng trong giai đoạn giữa mùa giải (kỳ chuyển nhượng mùa đông). Thời gian của kỳ chuyển nhượng do mỗi liên đoàn thành viên quyết định. Trong năm liên đoàn bóng đá lớn nhất châu Âu là Tây Ban Nha, Anh, Đức, Pháp và Ý, có bốn liên đoàn quy định thị trường chuyển nhượng mùa đông sẽ bắt đầu từ 1-1 và kết thúc vào ngày 1-2, chỉ riêng Anh là quy định kết thúc trước một ngày (31-1).
Từ khi được áp dụng (mùa giải 2003-2004), thị trường chuyển nhượng mùa đông thường ít khi có những cuộc ra đi “bom tấn”. Đơn giản là vì cả CLB và cầu thủ, đặc biệt là những ngôi sao hàng đầu, thường chỉ thay đổi CLB sau khi kết thúc mùa giải. CLB nào có huấn luyện viên mới, muốn thay đổi lối đá mới “thay máu” hàng loạt, mua sắm rầm rộ (như M.U mùa hè vừa qua, với HLV mới – Luis Val Gaal – và các ngôi sao mới rầm rộ kéo về: Di Maria, Radamel Falcao, Daley Blind, Ander Herrera, Luke Shaw, Marcos Rojo…). Có CLB chỉ muốn nâng cấp đội hình bằng một vài ngôi sao (như Chelsea với Cesc Fabregas và Diego Costa, hay Arsenal với Alexis Sanchez…). Cũng có những CLB gần như không mua thêm ngôi sao nào vì quá ổn định và sợ vi phạm luật công bằng tài chính, như Manchester City.
Kỳ chuyển nhượng mùa đông, vì vậy, thường diễn ra rầm rộ trên mặt báo. Chỉ khi một cầu thủ tên tuổi được ông chủ CLB nào đó quá hâm mộ, quyết đem về bằng được khi có cơ hội, hợp đồng mới được ký kết. Điển hình cho trường hợp này là vào tháng 1-2011, Chelsea chi 50 triệu bảng để đưa Fernando Torres về từ Liverpool. Nhưng cũng kể từ đó, Torres gây thất vọng lớn, chỉ ghi 20 bàn trong 110 trận ở Premier League cho Chelsea, bị đem cho AC Milan mượn và giờ đang được CLB cũ Atletico Madrid mượn lại. Cũng có những trường hợp một ngôi sao vì bị HLV bỏ rơi nên phải tìm cách ra đi ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông để tìm cơ hội tại CLB mới. Tiêu biểu cho trường hợp này là Juan Mata. Cầu thủ người Tây Ban Nha này được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Chelsea trong hai mùa bóng liên tiếp (2011-2012 và 2012-2013) nhưng khi HLV Jose Mourinho trở lại Chelsea vào mùa hè năm 2013, anh không còn cơ hội. Mata quyết định rời Chelsea để đến với M.U vào tháng 1-2014 với giá 37,1 triệu bảng.
Trong các trường hợp còn lại, các cầu thủ và những người đại diện của họ chỉ “diễn” một chút, đẩy sự căng thẳng của họ với CLB lên một chút, để báo chí có dịp vào cuộc, nhằm dẫn đến những bản hợp đồng mới, hậu hĩnh và kéo dài hơn với CLB cũ (nhằm giữ chân họ) hoặc CLB mới (rất cần họ) vào mùa hè mà thôi. Chẳng mấy khi các ngôi sao ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa đông cả!
Địch Vân (DNSGCT)