Ngô Hồng Quang là một nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, và trên hết là một nghệ sĩ đương đại Việt Nam chọn lối đi mang âm nhạc dân tộc Việt Nam đến gần hơn với người nghe trên khắp thế giới.
Tình đàn là album mới nhất của Ngô Hồng Quang sau các album Quang (2007), Song hành (cùng Onno Krijin, 2013), Hà Nội Duo (cùng Nguyên Lê, 2017), Nam nhi (2018), Nhìn lại (cùng Phan Lê Hà, 2019).
Tình đàn được Quang thực hiện sau hành trình đi khắp các vùng miền Việt Nam, nghiên cứu các chất liệu âm nhạc dân tộc của người H’Mông, người Tày, một số tộc người vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Quang đã phối mới các ca khúc dân gian, sáng tác các ca khúc mới, trình diễn bằng các nhạc cụ dân tộc Việt kết hợp với hai nghệ sĩ quốc tế chơi đàn Santur và bộ gõ Senegal.
Ngô Hồng Quang chia sẻ anh thực hiện album Tình đàn để tri ân những nhạc cụ đã đồng hành cùng mình hơn 20 năm qua. Những đàn tính, đàn môi, đàn nhị, đàn bầu, chiêng dây… mà nếu không có nó, sẽ không có một Ngô Hồng Quang hôm nay – một nghệ sĩ dân tộc đương đại. Quang sống và làm việc chủ yếu tại Hà Lan nhưng dịch bệnh khiến anh ở lại Hải Dương lâu hơn dự kiến, nhờ đó, anh có thêm thời gian ở bên gia đình và chia sẻ với Người Đô Thị về con đường âm nhạc của mình.
____
Đến nay phản hồi của khán giả Việt Nam với Tình đàn của anh như thế nào?
Tình đàn được thu ở Hà Lan cách đây 3 năm nhưng rồi vì dịch bệnh phải trì hoãn ra mắt. Album mang ý nghĩa tổng kết chặng đường 20 năm của tôi dành cho các nhạc cụ dân tộc. Album có những bài cũ và cả những bài mới, dành tặng khán giả thích nghe tôi chơi solo một cách mộc mạc, acoustic.
Album này có thể nói là vô cùng giản dị, mộc mạc, nếu nói về sự phức tạp thì không thể nào so sánh với các album khác của tôi được, ví dụ như Hà Nội Duo, Nam nhi… Các album đó đều có ý tưởng âm nhạc rất trúc trắc, trong khi Tình đàn chỉ là âm nhạc dân gian, vùng miền (từ Bắc chí Nam) của Việt Nam, có những bài đờn ca tài tử, nhạc dân tộc H’Mông, Tày, Gia Rai, ru con Nam bộ…
Vì vậy, bên cạnh sự thích thú của nhiều người thì khi giới thiệu album, một số người chơi nhạc hi-end ở Việt Nam nhận định rằng âm thanh không đủ “dày”. Đó cũng là một gợi ý hay để sau này tôi sẽ có sản phẩm hướng tới người chơi nhạc hi-end, vì cộng đồng này ở Việt Nam rất đông, rất đầu tư cho hệ thống âm thanh của mình.
____
Vì sao anh lại chọn sự mộc mạc cho Tình đàn khi đã thử nghiệm và phát triển rất nhiều concept âm nhạc trong các album trước?
Có nhiều giai đoạn âm nhạc trong đời. Có giai đoạn tôi làm việc cùng bác Nguyên Lê, âm nhạc mang tính jazz nhiều, thiên về các cấu trúc phức tạp. Nhiều album khác tôi cũng thể nghiệm với nhạc điện tử, đàn dây. Album này tôi muốn làm điều mình thích nhất đó là acoustic, phô bày vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc một cách mộc mạc nhất; thể hiện tinh thần, văn hóa của dân tộc.
Tôi là một người cởi mở, mong muốn âm nhạc của mình đến với nhiều người hơn nên tôn trọng các ý kiến, các xu hướng. Tôi cũng đang lập kế hoạch cho album tiếp theo có sự đầu tư hơn về mặt tác phẩm, ca khúc sẽ có chiều sâu và độ trúc trắc hơn, mời nhiều nghệ sĩ tham gia hơn.
____
Anh đã thực hiện album Hà Nội Duo chung với nghệ sĩ Nguyên Lê và cả hai đã trình diễn trong nhiều sự kiện. Anh có thể chia sẻ về mối duyên này?
Tôi biết bác Nguyên Lê đã lâu và bác cũng đã biết đến Ngô Hồng Quang. Tôi từng viết thư cho bác từ lâu khi đang học ở Hà Lan để mời bác cùng hợp tác nhưng cả hai đều bận. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là năm 2013, tôi đi diễn ở Pháp cùng nghệ sĩ đàn môi Nguyễn Đức Minh và Lê Cát Trọng Lý, bác cũng diễn chung tại festival đó. Bác mời tôi và Minh làm khách trong buổi trình diễn các ca khúc dân tộc của mình. Chúng tôi giữ liên hệ và hợp tác, thu âm chung.
Thật may mắn là chúng tôi vô cùng hợp nhau. Bác Nguyên Lê có nói bác muốn tìm một nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc như tôi bao nhiêu năm nay rồi vẫn chưa tìm được và khi gặp tôi, bác vui vì đã tìm được đúng người. Tôi có thể chơi được các ca khúc jazz phức tạp, tự do, phóng khoáng của bác trên nền nhạc cụ dân tộc. Từ đó, chúng tôi làm chung album Hà Nội Duo, đi diễn chung khắp nơi.
____
Trong quá trình mang âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới, anh nhận định thế nào về cách người nước ngoài thưởng thức âm nhạc dân gian Việt Nam?
Bởi vì tôi quá đam mê, tôi thích hướng ngoại, chia sẻ, trao đổi, mang tính quốc tế hơn ở trong nước nên đã chọn con đường này. Khi tôi diễn hoàn toàn mộc, nguyên gốc các ca khúc cổ truyền Việt Nam như chèo, xẩm, quan họ…, người nước ngoài cũng tò mò, thích thú nhưng khi tiếp cận hướng đi mới là hòa trộn các chất liệu âm nhạc truyền thống vào lối tư duy âm nhạc mới, hiện đại, cùng cách thể hiện đương đại thì hiệu ứng hoàn toàn khác và mạnh mẽ hơn. Họ cảm thấy hào hứng hơn, đón nhận nhanh hơn vì lúc đó nhạc dân tộc đã trở nên cởi mở, dễ nghe hơn (tất nhiên không kể đến những người nghiên cứu âm nhạc sâu, họ thích các tác phẩm âm nhạc nguyên bản).
Hầu như người nghe nhạc ở nước ngoài đều có kiến thức âm nhạc, họ biết đến âm nhạc ngũ cung nhưng nhạc dân tộc Việt Nam lại còn có nhiều tầng lớp nữa, thể hiện sự hoa mỹ, uốn éo, luyến láy, rung các kiểu trên nốt nhạc… Đó là những điều khiến họ khó cảm nhận được vì quá xa lạ. Khi tôi kết hợp với hòa âm, tiết tấu, mặt âm sắc, nhạc điện tử… tạo ra không gian âm nhạc đương đại hơn, mang tính kết nối hơn, tôi biết rằng nhạc Việt Nam đã được đón nhận một cách xa rộng.
____
Theo anh, cơ hội nào cho người đeo đuổi âm nhạc dân tộc Việt Nam đi ra thế giới?
Hiện nay, người trẻ học nhạc dân tộc trong các trường nhạc cũng nhiều nhưng họ có chịu dấn thân hay không lại là chuyện khác. Nếu một nghệ sĩ muốn đi ra quốc tế, muốn giao lưu nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, nghệ sĩ đó phải biết ngoại ngữ. Quan trọng hơn là họ có tinh thần cởi mở, không muốn đóng mình trong cái khung âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nếu đóng khung, mình không thể nào chia sẻ hay đón nhận những cái khác được.
Ở Việt Nam, tôi gặp nhiều bạn trẻ và chia sẻ điều này với họ. Nhưng tôi cũng chưa thực sự gặp được ai mong muốn và chịu dấn thân có hướng đi giống mình. Trong tương lai, tôi sẽ kết nối, truyền lửa thêm cho các bạn. Tôi luôn muốn rủ rê các bạn chơi nhạc dân tộc nếu có điều kiện nên đi học ở nước ngoài, giao lưu quốc tế, và nếu có cơ hội trình diễn trong các festival âm nhạc quốc tế thì phải tham gia ngay. Các buổi trình diễn, giao lưu, tập tành chung với các nghệ sĩ quốc tế cho nghệ sĩ cơ hội học hỏi và biết được con đường đi nào là phù hợp.
Ngoài tài năng ra, theo tôi, nghệ sĩ muốn đi xa hơn biên giới Việt Nam phải là người hài hòa, cầu thị. Có nhiều người chơi nhạc dân tộc Việt Nam rất hay, kỹ thuật rất giỏi nhưng họ bảo thủ, không cởi mở. Như vậy sẽ đóng khung mình lại, mình chỉ là một nghệ sĩ, một nhạc công chơi đàn thuần thục hơn là một người làm về văn hóa.
Ngô Hồng Quang sinh năm 1983, có nền tảng âm nhạc dân tộc vững chắc khi theo học đàn nhị bậc đại học tại Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Năm 2010, Quang tu nghiệp bậc thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Hà Lan và tiếp tục theo học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan năm 2014.
Từ đó đến nay, Quang sống và làm việc chủ yếu tại Hà Lan, thường xuyên thực hiện các chuyến lưu diễn khắp thế giới và thỉnh thoảng quay về Việt Nam để nghiên cứu nhạc cụ truyền thống, phát triển các dự án âm nhạc.
– Ảnh: NVCC