Kỳ nam và trầm là phần đặc biệt nằm trong lõi của cây gió. Tư liệu về thảo mộc cho biết, cây gió là một loài đại mộc cao bốn mươi đến năm mươi mét, vỏ màu xám có nhiều sợi có thể làm giấy, gỗ mềm màu trắng. Nhưng không phải thân cây nào cũng có trầm và kỳ nam. Chỉ một số cây gió có bệnh mới chứa trầm ở phần lõi của thân. Ở phần này, các tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng, mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu), biến thành những khối hình thể lồi lõm, có rãnh dọc, trong trong, màu sậm, đó là kỳ nam.
Chung quanh kỳ nam gỗ cũng biến chất ít nhiều, đó là “tóc”; khi đốt cháy, tóc tỏa ra mùi thơm, thường dùng để làm nhang nên gọi là hương trầm. Gỗ trầm nhẹ, có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng. Khi đốt cháy, hương, trầm bốc khói lên hình vòng rồi tan nhanh trong không khí. Trầm và kỳ nam của rừng nước ta rất có giá trị trên thị trường quốc tế. Hương liệu quý này ngoài làm hương còn để điều chế các loại nước hoa hảo hạng… Người ta thường xông trầm trong nhà để trừ khí độc, có người thường mang kỳ nam bên người để ngừa sơn lam chướng khí.
Huế ngoài vị trí từng là kinh đô Triều Nguyễn, còn là một trong ba kinh đô của Phật giáo với trên năm trăm ngôi chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm phật đường… nên hương trầm từ bao đời là “sợi dây” kết nối với đời sống tâm linh. Trầm hương ở Huế không thể thiếu trên bàn thờ mỗi gia đình. Hương trầm thơm nhẹ nhàng, có cái gì đó ấm áp, thiêng liêng. Ngày thường đã thế, dịp tết càng thêm nồng nàn. Tết Huế thường “lây” một chút mưa phùn của miền Bắc và lạnh từ thuở xa xưa nên người ta cho rằng tết không mưa không phải là tết Huế. Mưa thật mỏng đủ điểm tô cỏ cây và một thứ lạnh ngọt ngào. Bởi thế, nếu không mưa – lạnh, tết đã không có gì đặc biệt, không làm những người đi xa nôn nao quay về.
Khi nhiều loài cây lưu niên trong vườn trút những chiếc lá cuối cùng, mọi người còn co ro áo ấm khăn quàng, người già thì ôm lồng ấp sưởi ấm, bọn trẻ hát vang những bài ca xuân, mùi hương trầm thoang thoảng khắp nơi, ấy là lúc tết đã chạm vào sâu thẳm lòng người. Trong bối cảnh đã có nhiều đổi thay, song tết Huế vẫn còn những nét riêng thú vị. Là kinh đô xưa, Huế còn giữ được nhiều tập tục hay từ màu sắc, hương vị tết rất đáng để thưởng thức.
Đặc biệt nhất, nhắc đến tết Huế, trước hết là nhắc đến những lễ nghi, cúng tế, chiêm bái, tưởng nhớ… Trước tết, nhiều người cúng tổ nghề truyền thống, ngày 23 tháng Chạp, với mâm cúng hoa trái và lòng thành kính tiễn đưa ông Táo về trời, cuối năm chọn ngày tốt để cúng Tất niên rước ông bà về ăn tết cùng con cháu, cúng Giao thừa… Việc sửa soạn bàn thờ được bắt đầu vào những ngày giáp tết. Từ lúc này, hương trầm nhẹ thơm làm cho không khí thêm ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm giữa người sống với những người đã khuất, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong gia đình.
Hương trầm dùng cho những ngày tết là loại hương có mùi thơm rất đặc trưng ở Huế, được bày bán ở Thư quán Từ Đàm, tiệm Hồng Phúc nhưng nhiều nhất và nổi tiếng nhất là ở làng hương Thủy Xuân với trên bốn mươi gia đình nghệ nhân làm hương đã tạo nên danh tiếng của hương trầm xứ Huế, hình thành phố bán hương – hàng lưu niệm trên đường Huyền Trân Công Chúa. Những tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của làng hương để kịp đáp ứng nhu cầu hương trầm trong dịp tết. Thủy Xuân cũng là nơi tọa lạc lăng các vua Tự Đức, Đồng Khánh, đồi Vọng Cảnh và các ngôi chùa lớn như Từ Hiếu, Tường Vân, Thiền Lâm. Du khách sau khi thăm lăng tẩm, chùa và đồi Vọng Cảnh, còn dành thời gian sống cùng người dân trong mùi thơm của hương trầm, và được các nghệ nhân hướng dẫn “xe” những cây hương rồi mang theo về làm món quà thơm tho của xứ Huế.
Ngày 29, 30 Tết là thời điểm bận rộn nhất nhưng tràn đầy niềm vui. Từ sáng tinh mơ các chợ đã tấp nập người mua bán, mọi người chạy đôn chạy đáo, còi xe inh ỏi, người đi chợ mua sắm, bởi nhà nào cũng muốn tự mình làm mâm cơm tươm tất dâng cúng tổ tiên. Chính từ việc mọi người cùng tham gia nấu nướng làm nảy sinh tình cảm yêu thương, gắn bó. Không khí thật trang trọng, hương trầm nhẹ bay, hương thơm hoa trái khiến lòng ai cũng nao nao cái cảm xúc huyền diệu của ngày cuối năm…
Quét dọn sân vườn xong, thong thả đi trong nhà ra ngoài vườn, mọi vật đều sạch sẽ tinh tươm, hít thở không khí trong lành giữa tiết xuân yên ả, êm đềm. Các thành viên trong nhà nói năng nhỏ nhẹ, ai cũng muốn làm những việc tốt lành, ước nguyện cả năm gặp điều lành.
Cúng Giao thừa là lễ cúng thiêng liêng nhất, giây phút giao thoa giữa Đất – Trời với hồn người. Khi hai kim đồng hồ nhích đến số 12 cũng là lúc nén hương và lò trầm được đốt lên với mâm cúng mứt bánh, hoa trái, xôi chè và tô cháo trắng, dĩa hột nổ – bánh tráng, gạo, muối sống mỗi thứ một nắm, cục đường đen. Hột nổ được làm bằng bột lọc, nhuộm đủ màu xanh, đỏ… rang phồng lên. Ngày tôi còn bé, bà ngoại tôi nói rằng đó là thứ kẹo quý để phát cho những linh hồn lang thang không người cúng cấp đi ngang qua.
Mùi thơm ngào ngạt như một sự tinh khiết đón chào những thời khắc đầu tiên của năm mới. Thắp nén hương, đốt lò trầm chắp hai tay đứng trước bàn thờ tổ tiên lòng người lắng xuống, tĩnh tâm, xa xa tiếng chuông chùa ngân… tất cả quyện vào nhau thật thiêng liêng. Sáng mồng 1, việc đầu tiên là thắp hương bàn thờ tổ tiên và xông trầm. Mọi người mặc những bộ quần áo sạch sẽ, chuẩn bị đón khách đến chúc tết, con trẻ xúng xính quần áo mới chạy tới chạy lui, hân hoan chờ đón người lớn mừng tuổi đầu năm.
Ở Huế, người ta coi trọng việc “xông đất” ngày tết, những người được “nhắm” đến xông đất thường là người tử tế, làm ăn thành công hoặc những người hoạt bát, vui vẻ. Người Huế dành trọn ngày mồng 1 để đi thăm bà con, thắp hương cho người đã khuất và viếng mộ. Tục đi chùa ngày tết được nhiều người giữ gìn, vì chính ở những ngôi chùa – một không gian biểu trưng cho sự thanh khiết với mùi trầm hương và hoa trái… làm lòng người nhẹ tênh.
Ngày nay, tết Huế nhiều gia đình vẫn coi trọng việc cúng cơm cho ông bà ngày ba bữa, mồng 1 cúng chay, ngày thường cúng mặn, một mâm cúng chỉ gọn gàng với những món ăn mà khi còn sống những người thân yêu ưa thích. Những ngày tết, người phụ nữ sáng nào cũng dậy thật sớm, mọi cử động đều nhẹ nhàng, gắp mứt bánh vào những dĩa, chén nhỏ để cúng trà. Ngày mồng 3 Tết, nhiều nhà làm mâm cúng đưa ông bà, có nhà để đến mồng 4, mồng 5.
Những ngày tiếp theo là cúng đầu năm, cúng trang ông, trang bà, cúng sao, cúng rằm tháng Giêng – Tết Nguyên tiêu… Mất nhiều thời gian và thật cầu kỳ, nên ngày nay nhiều người muốn giản lược bớt để kịp với tốc độ của thời hiện đại, nhiều thứ đã có dịch vụ lo, đã bắt đầu nảy sinh những xa cách mới. Song nhiều người vẫn giữ gìn những nét văn hóa tết Huế bởi đây là nền tảng của gia đình trên một xứ sở có đủ những điều kiện cho thiêng hướng về không gian tinh thần.
Giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu Bửu Ý cho rằng: Trong cái đà đi tới của toàn cầu hiện nay, với nhịp độ rầm rập của tàu xe, máy móc trong cuộc “bay lên nào” của rồng chị, rồng em ở phần đất Á châu mà giở toàn giọng này ra, không khéo lạc điệu nếu không nói là lạc hậu. Nhưng ở Huế, cái mới vẫn chưa bằng vốn cổ. Và cái vốn cổ giá như ta chưa quý nó đúng mức thì đã có người nước ngoài xem nó như là vốn quý chung của thế giới. Rốt cục ta không muốn quý nó cũng không xong.
Thật công phu, nhưng bù lại là được giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của miền Hương Ngự.
Những người Huế, trong đó có những người sống tha hương, tết đến, dẫu có khi muộn màng vẫn mong được quay về dưới mái nhà xưa của thời thơ ấu để tìm lại chút hơi ấm nồng nàn, thiêng liêng. Tết Huế ý vị, lắng sâu, dẫu có đến bao nhiêu tuổi, dẫu có đi xa cũng không thể không nhớ mùi thơm của hương trầm giữa tiết xuân lành lạnh, mưa bay…