Những ngày giữa tháng 8 hầu như các trường trong cả nước đã “tựu trường”. Từ trung học phổ thông, trung học cơ sở cho đến các trường tiểu học, phụ huynh tấp nập đưa con đến trường dù ngày khai trường chính thức bao giờ cũng là 5-9, ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường” như những băng-rôn, biểu ngữ treo đầy ngoài đường.
Như vậy là chỉ hơn hai tháng hè ngắn ngủi chứ không được “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê”(*) như lớp học trò xưa, học sinh phải đến trường “Văn ôn võ luyện” để chờ đợi ngày khai giảng chính thức. Trong thời gian này, đa số trường chỉ ôn tập củng cố chương trình năm học trước, có trường hăng hái bước vào chương trình mới để “trừ hao cho những ngày nghỉ trong năm”. Hỏi một số bạn đang làm giáo viên, ai cũng rên “chương trình học dài và nhiều quá, dạy sớm vậy mà có khi còn không kịp!”. Chưa kể trong năm còn nhiều ngày nghỉ nữa. Vậy sao không giảm bớt chương trình đi? Trời, cũng có giảm tải chứ. Nhưng nếu giảm tải đứt khúc, không hợp lý thì học sinh còn mệt hơn… Ừ, bao nhiêu là lý do để tựu trường sớm!
Nào chỉ có vậy, cận kề ngày khai giảng học sinh các trường còn phải học quân sự quốc phòng, rồi tổng dợt xếp hàng, tập hát quốc ca, tập các nghi thức cho buổi lễ thật trang trọng, hoành tráng, vì “Hôm ấy có nhiều quan khách”! Có phải vì vậy mà nhiều phụ huynh đã thể hiện nỗi băn khoăn về ngày này trên các báo? Những lúc đó lại nhớ tới những cảm xúc tuyệt vời của một cậu bé ngày xưa trong ngày đầu tiên đi học “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm miên man của buổi tựu trường…” (Tôi đi học – Thanh Tịnh).
Cái buổi tựu trường, cái lần đi học đầu tiên ấy đã in một dấu ấn đẹp, khắc sâu vào tâm trí mãi về sau khi thấy vẻ rụt rè của những em bé trong sân trường là “lòng tôi lại tưng bừng rộn rã”. Tiếc thay, các học sinh bây giờ không có những ngày khai giảng náo nức, rộn rã như vậy bởi đã “tựu trường” từ cả tháng trước rồi, lễ khai giảng chỉ còn là hình thức, lặp đi lặp lại vậy thôi. Điều này hình như đã tước mất niềm vui sướng, hồi hộp và phấn khởi của học trò.
Nhỏ cháu đang học lớp 9 của tôi mấy ngày trước còn khoe: “May quá, chỉ có nửa lớp đi dự lễ, con được ở nhà. Tại sân trường chật mà”. Nghe nó nói mà buồn, mà nhớ lại thời đi học của mình. Sau ba tháng hè nghỉ thực sự, chơi giỡn chán chê, ngủ trưa đến mụt cả mắt, đứa nào cũng nôn nóng được trở lại trường để gặp lại bạn bè. Bởi vậy ngày tựu trường cũng là ngày khai giảng với lớp lớp học sinh bao giờ cũng được hồi hộp chờ đón như một ngày hội thực sự mà không cần kèn trống, không cần những nghi thức trang trọng, tưng bừng.
Chỉ lá cờ giữa sân được kéo lên cao, hồi trống khai trường vang lên, vài lời phát biểu của hiệu trưởng rồi học sinh xếp hàng vào lớp. Vậy là năm học bắt đầu. Trong lòng những học sinh chúng tôi ngày đó, tựu trường và khai giảng luôn luôn là một, là ngày gặp lại thầy cô, bạn bè đầy hân hoan sau kỳ nghỉ hè vui thú, hồn nhiên. Và ba hồi trống vang lên đầu năm học ấy đã đọng mãi trong ký ức, một ký ức lúc nào cũng thắm nồng, tươi rói như vừa mới hôm qua.
Chạnh nghĩ, nếu học sinh chỉ còn xem ngày khai giảng là ngày lễ hoành tráng, trang nghiêm để đón mừng quan khách và thể hiện nghĩa vụ của mình thì còn gì là hào hứng, vui tươi? Và những tấm bảng treo đầy đường kia với những chữ viết to đẹp ghi dấu “Ngày 5-9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” liệu có còn ý nghĩa bởi trẻ đã đến trường học tập từ hơn nửa tháng trước rồi!
Bao nhiêu năm giảng dạy, bao nhiêu lần đứng dưới sân cờ trong ngày khai giảng, trong tôi lúc nào cũng đầy ắp niềm vui, nỗi buồn. Những ngày tựu trường đầy ý nghĩa, cùng các thế hệ thầy cô giáo và học sinh nghe vang vang hồi trống quen thuộc để thấy mình vô cùng hạnh phúc được sống trong cảnh cũ, trường xưa. Những ngày đứng trên bục giảng nhìn xuống đám học trò mắt sáng môi hồng mà cứ ngỡ chính mình đang ngồi đó, một tuổi nào xưa áo trắng tung bay trong nắng vàng rực rỡ sân trường. Rồi… một lúc nào đó, lòng ta sao lạ lẫm ngậm ngùi trước những đổi thay, tim ta không bắt nhịp được với cái mới cứ đến từng ngày…
Ngày khai trường năm nay, tôi vẫn sẽ vào trường dù không ra sân dự lễ. Về hưu đã lâu, ngoài lễ đài chắc chẳng còn nhiều khuôn mặt quen nữa rồi. Như hằng năm, tôi lại bước từng bậc thang lên phòng truyền thống, nơi vừa mới rộn ràng quan khách. Cũng chính tại đây, những ngày đầu năm học tôi đã bao lần đưa đám học trò mới vào làm lễ “Bái sư”, kính cẩn thắp từng nén nhang lên bàn thờ các thầy cô quá vãng từng dạy trường này từ những ngày xa xưa cho đến nay. Trong căn phòng yên ả, không một bóng người, tôi sẽ một mình đến trước bàn thờ trên đề ba chữ “Sư đạo tôn” còn tươi nguyên màu mực. Trong tấm bảng trên bàn thờ, những mảnh đồng khắc tên các thầy cô quá vãng của trường càng lúc càng dài thêm, trong đó có những thầy cô đáng kính của tôi năm xưa khiến lòng rưng rưng, cảm xúc. Thắp một cây nhang cho các “Ân sư” rồi đi xuống cổng sau trong khi bên ngoài, dưới sân lễ đài, hồi trống khai trường vừa được đánh lên, vang rền khắp các dãy hành lang lớp học.
Hết ba hồi trống, tôi bước chầm chậm qua vòm cửa tròn quen thuộc, nhìn lên trên cao, đọc lại một lần nữa dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn một màu đỏ rực như tự thuở nào. Bấy nhiêu đó, với tôi, đã là quá đủ cho ngày khai trường…
(*) Thơ Xuân Tâm, bài Hè về