VN-Index đã có một cú rơi đến 28,27 điểm (2,66%) mà không có dấu hiệu gì báo trước. Phiên chiều đỏ rực này đã xóa đi thành quả trong tài khoản sau nhiều ngày của những nhà đầu tư chưa kịp chốt lời, nhưng cũng nhờ vậy mà mặt bằng giá cổ phiếu trở nên rẻ hơn một chút.
Cụ thể, với 220 mã giảm điểm và chỉ 68 mã tăng điểm (46 mã đứng giá), VN-Index giảm 28,27 điểm (-2,66%), xuống còn 1.034,69 điểm. Thanh khoản vẫn ổn định ở mức cao như những ngày gần đây, với 332.610.432 cổ phiếu được giao dịch, trị giá 8.667,971 tỉ đồng.
Nếu như trong những phiên tăng điểm mạnh, nhóm VN-30 góp công lớn nhất thì dĩ nhiên trong những phiên “rơi tự do” như thế này, các bluechip cũng “ra sức” nhiều nhất. Chỉ ROS tăng điểm và NVL đứng giá, 28 mã còn lại trong nhóm VN-30 đều giảm điểm, nhiều mã giảm rất mạnh. HSG giảm sàn, VCB giảm 3.800 đồng/cổ phiếu (6,33%), CTG giảm 1.400 đồng/cổ phiếu (5,26%), STB giảm 1.150 đồng/cổ phiếu (4,98%), PVD giảm 1.300 đồng/cổ phiếu (4,59%), STB giảm 650 đồng/cổ phiếu (4,35%), GMD giảm 1.950 đồng/cổ phiếu (4,29%), HPG giảm 2.400 đồng/cổ phiếu (4,28%), SSI giảm 1.350 đồng/cổ phiếu (4,24%), VNM giảm 7.200 đồng/cổ phiếu (3,45%),…
Không còn ngành/lĩnh vực nào tăng giá trong ngày này. Trong từng nhóm ngành cụ thể, số cổ phiếu tăng giá tỏ ra khá lép vế và mức tăng cũng không cao. Từ ngân hàng, bất động sản, tài chính – chứng khoán, đến dầu khí, thực phẩm – đồ uống, thép…, khắp nơi đều giảm giá.
Thông thường, những giai đoạn điều chỉnh và tích lũy ngắn (một vài phiên) sẽ giúp thị trường xác định một mặt bằng giá mới và tạo động lực tăng trưởng cho những ngày kế tiếp. VN-Index đã có một cú rơi quá đột ngột, khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp và điều này có thể khiến thị trường ngày 18-1 bắt đầu bằng sắc đỏ. Tuy nhiên, với mặt bằng giá mới trở nên rẻ đi rõ rệt so với vài ngày trước và dòng tiền vẫn đang đổ vào mạnh mẽ, thị trường có thể sẽ có một phiên giao dịch bùng nổ với sắc xanh trong ngày 19-1.