Các kinh nghiệm thực tiễn và bài học thành công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của New Zealand sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện năng lực cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam trong tương lai.
Trong sáng nay (20-7), Cơ quan Hợp tác Liên Chính phủ New Zealand (G2G) và Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Việt Nam đã tuyên bố tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng. Bản Thỏa thuận hợp tác được ký giữa Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews và Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề Nghiệp, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đây là tiền đề để hai cơ quan chia sẻ các hình mẫu về chính sách đào tạo dạy nghề, khung trình độ quốc gia cũng như cách gắn kết doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ của bản hợp tác, cơ quan G2G của New Zealand sẽ góp phần vào các nỗ lực nâng cao chất lượng của lực lượng lao động của Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các việc nghiên cứu của New Zealand tới Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của bà Wendy Matthews, từ những năm 1992, khung trình độ quốc gia của New Zealand đã được phát triển thành một trong những khung trình độ toàn diện đầu tiên trên thế giới. Hệ thông đào tạo tại nước này luôn được làm mới, đồng thời áp dụng nhiều phương thức đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục nghề nghiệp có để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của các ngành nghề tại đây.
“Với hệ thống giáo dục chất lượng cao, kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo nghề, New Zealand luôn sãn sàng triển khai các sáng kiến hợp tác nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, qua đó tăng cường tính cạnh tranh và năng suất của nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nguồn nhân lực toàn cầu”, bà Wendy Matthews nhấn mạnh.
Còn theo Tiến sĩ Trương Anh Dũng, công tác giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm qua, khi nhận thức của xã hội và doanh nghiệp về lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực.
“Số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định,” ông Trương Anh Dũng cho biết.
“Tuy nhiên đặt trong bối cảnh kinh tế số, kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, lĩnh vực này cần tiếp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường lao động.