Vào cuối thu, đầu đông khi Hokkaido đã có tuyết và Tokyo đã dưới 10oC thì ở Kyushu trời mới chớm lạnh. Bốn mùa trong năm cũng vậy, khí hậu ôn hòa, người dân có cuộc sống bình dị, giá cả rẻ hơn vùng khác, nhưng được thiên nhiên ban tặng cảnh vật phong phú, Kyushu hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho những chuyến đi.
Nagasaki – nơi không dễ quên
Có một địa danh mà bất cứ ai đến đây lần đầu đều muốn ghé thăm, bởi hằng năm vào ngày 9-8 là hàng triệu người trên thế giới lại hướng về Nagasaki, nơi hơn nửa thế kỷ trước quả bom nguyên tử thứ hai đã cướp đi sinh mạng tại chỗ của khoảng 74.000 người. Con số nạn nhân sau đó đã nhân lên gấp đôi. Nhưng có điều đặc biệt mà chúng tôi, đoàn khảo sát tuyến du lịch Kyushu cùng với Công ty Vietravel và Vietnam Airlines phối hợp với đối tác Nhật Bản là Công ty T.A.S thực hiện có cảm nhận là, từ Viện bảo tàng bom nguyên tử, Công viên Hòa Bình hay những tượng đài cho đến Đài tưởng niệm ở điểm số 0, nơi quả bom rơi xuống đã không mang đến cảm giác nặng nề, khó thở.
Quá khứ đau thương, chiến tranh tàn phá được thể hiện rất đầy đủ, chi tiết từ hình ảnh, hiện vật (những chiếc đồng hồ chết lúc bom rơi, hộp đựng cơm bị cháy của cậu học trò lớp 4, cái áo rách bươm của nhà sư cách hiện trường 3km…) cho đến mô hình vận hành sự công phá của bom, biểu đồ khí hậu khi bom rơi, cảnh hoang tàn, đổ nát… Nghĩa là không thiếu gì cả. Nhưng cảnh chiến tranh ở đây như tiếng thở dài của quá khứ, là gam trầm buồn của lịch sử nhân loại, khiến người ta có động lực mạnh mẽ hơn để tìm kiếm nền hòa bình dài lâu và thảm kịch nguyên tử năm 1945 đừng bao giờ lặp lại. Trong buổi chiều se lạnh, ngoài sân Viện bảo tàng nhiều nhóm học sinh lần lượt rời điểm tham quan ra về. Người ta nói rằng các em được đưa đến đây thường xuyên để không quên những gì cha ông đã gánh chịu.
Trên đất Nhật, vùng Kyushu và nhất là Nagasaki có nét độc đáo riêng. Đây là cửa ngõ phía nam Nhật Bản đến vùng đất liền châu Á và cũng là trung tâm giao thương của Nhật với các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Những dấu tích đó còn lưu lại trong Viện bảo tàng quốc gia Kyushu và tại Hội An. Còn người Việt Nam được xem là định cư đầu tiên và tượng trưng cho bang giao tốt đẹp này chính là Công chúa Ngọc Hoa (hay Ngọc Khoa), con gái Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Mộ phần của cô và chồng cũng là thương nhân được lưu giữ tại chùa Đại Âm tự (Daionji) cùng với mộ phần Tướng quân Togugawa, người đã cai quản vùng đất này vào thế kỷ XVII. Tuổi trẻ, sắc đẹp cùng dòng dõi quý tộc và mối giao thương tốt đẹp từ nàng công chúa phương xa khiến người Kyushu ái mộ gọi cô là Anio. Ngày nay, Anio là tiếng xưng tụng khi người Kyushu khen tặng phụ nữ vừa đẹp vừa tài năng.
Vùng đất cảng Nagasaki mở cửa giao thoa rất sớm với phương Tây, đem đến cho du khách cảm giác như mình đang sống trong lòng những thành phố châu Âu cổ kính và thơ mộng. Công viên giải trí Huis Ten Bosch thiết kế như thị trấn Hà Lan là ví dụ. Khu vườn có không gian rộng rãi, có những con kênh đẹp như tranh vẽ, cối xay gió mang tính biểu tượng, vườn nở hoa bốn mùa, đặc biệt là không thiếu hoa tulip, lâu đài, viện bảo tàng, khách sạn, rừng cây, khu shopping… Ở đây, chúng tôi thong thả đi trên con đường ngợp bóng lá phong Nhật, lá nhỏ đang chuyển dần sang màu đỏ tươi tắn hơn lá phong châu Âu hay những tàn cây bạch quả lá đã có màu vàng ươm, chậm rãi nhìn ngắm dòng người thong dong dạo bước trong công viên hay sôi động, vui đùa trong khu trò chơi, khu ăn uống.
Vườn Glover nằm trên sườn phía nam của một ngọn đồi nhìn xuống cảng Nagasaki. Khu vườn luôn có hoa nở quanh năm, là địa điểm thu hút khách du lịch đển tận hưởng không khí trong lành. Trong vườn còn có ngôi nhà của các thương gia phương Tây định cư trong nửa cuối thế kỷ XIX như thương gia người Anh Frederick Ringer và William Alt và nơi cư trú của Thomas Glover, một thương gia người Scotland còn được giữ nguyên. Hay nhà thờ Oura đầu tiên trên đất Nagasaki xây dựng theo phong cách gothic cũng là kho tàng quốc gia để tưởng nhớ 26 thánh tử vì đạo người phương Tây và Nhật Bản đã bị đóng đinh năm 1597 vì chính sách bài đạo…
Miền đất của lửa và khói
Trước khi đến Vườn quốc gia Aso với ngọn núi lửa đang hoạt động và bốc khói trắng mù mịt quanh năm, thảm thực vật phong phú và nguồn nước khoáng ngầm, thì lâu đài cổ Kumamoto và công viên Suizenji sẽ giới thiệu với du khách nét đặc trưng khác của đất nước này. Là một trong ba lâu đài cổ nổi tiếng của Nhật (hai cái còn lại ở Osaka và Nagoya), xây dựng từ đầu thế kỷ XVII lâu đài Kumamoto là nơi ở của lãnh chúa Kato Kiyomasa và đội quân samurai của mình. Lâu đài có chu vi khoảng 8 dặm (khoảng 5,3km), gồm tòa tháp chính, tòa tháp phụ, 49 ụ tháp, 29 cổng, 120 giếng nước… và nhiều kiến trúc đặc trưng khác như tường thành rất dốc với một hào phía sau (gọi là Mushagaeshi). Lâu đài được trùng tu lại sau nhiều lần bị phá hỏng bởi chiến tranh liên miên giữa các lãnh chúa. Ngày nay, lâu đài trở thành bảo tàng địa phương, giới thiệu hình ảnh các đền đài của toàn nước Nhật, nơi ngắm cảnh đẹp bao quát từ trên cao. Vào đầu tháng Tư hằng năm, hoa anh đào nở rộ trong công viên lâu đài, tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời, thu hút hàng trăm người đến tổ chức các tiệc ngắm hoa từ sáng cho đến chiều. Còn vườn Suizenji – được xây dựng bởi lãnh chúa Tadatoshi Hosokawa, hiện là một trong sáu khu vườn đẹp nhất Nhật Bản. Du khách cảm nhận được sự thư thái, nhẹ nhàng khi dạo bộ quanh vườn với phong cảnh nhiều thay đổi: đền thờ Thần đạo trang nghiêm, giản dị, chiếc cầu thơ mộng, những hàng thông, tùng, bách tạo dáng vững chãi bên hồ, vườn hoa khoe sắc thắm…
Niềm hy vọng được lên tận miệng núi lửa Aso bằng cáp treo của chúng tôi đã bị dập tắt khi bảng thông báo thời tiết xấu và lượng khí bốc lên từ miệng núi vượt quá giới hạn cho phép, hiển thị bằng đèn màu vàng từ nhiều ngày nay. Cách đây một tuần khu vực này đã có tuyết rơi do núi nằm trên độ cao gần 1.300m nên mọi dịch vụ phải ngừng lại. Chúng tôi bị rét run khi cố leo lên ngọn đồi gần nhất để chụp ảnh, quay phim hình ảnh cột khói trắng không ngừng tỏa ra từ miệng núi lửa được đánh số 82 trên hơn 100 ngọn núi lửa còn đang hoạt động tại Nhật. Chính điều này đã làm nên vẻ đẹp riêng cho núi lửa Aso và nó càng nổi bật hơn bởi chung quanh là đồng cỏ Kusasenri. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn khói bốc lên từ miệng núi lửa, tự do thả mình vào khung cảnh thiên nhiên bao la và thử sức với những chú ngựa đáng yêu. Tại Bảo tàng núi Aso, chúng tôi biết thêm miệng núi lửa rộng 600m, sâu 130m, nhiệt độ của nham thạch có màu xanh bên trong miệng núi lửa hơn 1.000 độ C.
Còn thành phố Beppu của tỉnh Oita nằm bên bờ biển phía đông của Kyushu quả không hổ danh là “thành phố bốc khói”. Tại đây ước tính có khoảng 2.849 suối nước nóng với khoảng 136.212m3 nước nóng phun ra từ mặt đất mỗi ngày. Đây chính là khu suối khoáng nóng nổi tiếng nhất Nhật Bản, mọi khu vực ở nơi đây lúc nào cũng có thể thấy những làn khói lan tỏa, thu hút hằng năm hơn 4 triệu lượt du khách về nghỉ dưỡng. Và chúng tôi cũng không bỏ qua cơ hội thử một lần xúng xính kimono và đi tắm onsen đúng kiểu Nhật, nhưng chỉ dám tắm hồ khoáng nóng trong Khách sạn Seifu chứ không phải ngoài trời như người dân Nhật.
Hai suối nước nổi tiếng đẹp nhất tại Beppu là Chinoike Jigoku (địa ngục máu) là hồ nước màu đỏ do có chất sắt và Umi Jigoku (địa ngục biển) có màu xanh lam của biển. Nước lúc nào cũng sục sôi bốc khói mịt mù trong công viên xanh mát, nóng khoảng 90oC đủ để luộc chín trứng. Du khách nào cũng muốn ăn thử để được sống lâu theo truyền thuyết ở đây.
Không có sự choáng ngợp, thời thượng như Tokyo hay kín đáo, kiêu kỳ như Kyoto, nhưng nét duyên ngầm của Kyushu sẽ làm cho bạn không khỏi xao xuyến, lưu luyến khi rời khỏi vùng đất ấm áp và nồng nhiệt này. Một du khách sành sỏi nhận xét như vậy về Kyushu và chúng tôi đã có cảm nhận tương tự. Hình ảnh cuối cùng khiến chúng tôi nhớ mãi là khi máy bay của Vietnam Airlines đã lăn bánh thì ba nhân viên mặt đất sân bay Fukuoka vẫn tiếp tục vẫy tay rồi cúi rạp chào tạm biệt đến khi không còn ai để ý. Chúng tôi đã luôn nhận những tiếp đón nồng nhiệt như vậy trong những ngày ở đây bên cạnh những trải nghiệm khó tìm ở nước khác.
Kim Phi (DNSGCT)