Những cảm nhận về nét đẹp áo dài qua những chia sẻ của chuyên gia giáo dục, nhiếp ảnh gia, chuyên viên tư vấn… đã đề cao thông điệp: Nét đẹp của tà áo dài, đặc biệt là áo dài nữ sinh và niềm tự hào, sự khẳng định trang phục áo dài vẫn luôn phù hợp, cần được trân trọng và gìn giữ.
Nhiếp ảnh gia Quốc Huy
“Áo dài Việt Nam đẹp nhất vẫn là tà áo dài trắng”
Nhiếp ảnh gia Quốc Huy là một trong số ít những người theo đuổi nghệ thuật chụp ảnh áo dài và có một tình yêu đặc biệt với vẻ đẹp truyền thống Việt Nam qua mỗi góc ảnh. Mặc dù đã có nhiều bộảnh áo dài mang nhiều phong cách, màu sắc khác nhau ra đời, nhưng anh vẫn tâm niệm rằng: “Áo dài Việt Nam đẹp nhất vẫn là áo dài trắng nữ sinh”. Anh chia sẻ: “Bản thân là một nhiếp ảnh gia đã từng thực hiện nhiều bộảnh áo dài trong và ngoài nước, đã được lắng nghe chia sẻ của bạn bè bốn phương về tà áo dài Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào khi Việt Nam có bộ trang phục truyền thống đẹp, được thế giới công nhận.
Đặc biệt, tôi yêu vẻ đẹp của tà áo dài trắng nữ sinh vì nét đẹp nhẹ nhàng, giản dị, tinh khôi như đúng hình ảnh của con gái mới lớn. Càng chụp ảnh áo dài, tôi càng yêu và có nhiều cảm xúc đặc biệt. Theo tôi, chiếc áo dài ngày nay tuy có thay đổi đôi chút về chất liệu, kiểu dáng để phù hợp với sự năng động của nữ sinh hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên được nét truyền thống và sự kín đáo”.
Bên cạnh việc lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp với áo dài qua ảnh, nhiếp ảnh gia Quốc Huy còn giữ vai trò BGK ở nhiều cuộc thi sắc đẹp về áo dài, trong số đó có chương trình Tìm kiếm Gương mặt Áo dài Nữ sinh Việt Nam 2013. Anh cho biết: “Trong nhiều chương trình, nhiều cuộc thi dành cho giới trẻ thì chương trình nhưTìm kiếm Gương mặt Áo dài Nữ sinh Việt Nam sẽ là nơi để các em nữ sinh thêm yêu chiếc áo dài truyền thống. Tôi cảm thấy tự hào khi lại tiếp tục đồng hành cùng chương trình trong năm 2014 và góp phần lưu giữ vẻ đẹp tuổi mới lớn của mỗi em. Sau này, khi lớn lên thì các em sẽ thấy thời tuổi trẻ của mình thật đẹp khi được mặc áo dài trắng”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao – Trưởng bộ môn Tâm lý Trường ĐH Sài Gòn
“Nữ sinh ngày nay cần học cách tôn trọng áo dài trắng”
Là một nhà giáo, việc mặc áo dài đến trường không chỉ là nét đẹp gắn liền với hình ảnh của một giảng viên, mà đó còn xuất phát từ tình yêu áo dài và sự tôn trọng của riêng tôi. Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển thì tôi càng trăn trở khi hình ảnh áo dài bây giờ đang thiếu vắng nhiều hơn, đặc biệt là ở các trường học. Nếu như ngày xưa nữ sinh tự hào và mong chờ đến ngày được khoác áo dài đến trường, khẳng định sự trưởng thành của bản thân, thì bây giờ các em lại có vẻ thờơ với tà áo dài trắng. Các em luôn có ấn tượng nhiều với những bộ đầm váy, thích kiểu đồng phục kiểu cách và hay luôn thở dài khi nói: “Sắp sửa phải mặc áo dài đi học”. Tôi cảm thấy buồn vì điều này.
Các em luôn cho rằng mặc áo dài đi học là một sự bắt buộc, thậm chí khi đến một số trường học, tôi thấy các em nữ sinh đã đánh mất đi vẻ đẹp giản dị, duyên dáng bằng nhiều cách mặc áo dài rất lạ: vén tà đi học, xắn tay áo cao, mang giày dép không đúng… và dần tạo thành một phong trào lan rộng. Các em nữ sinh đã quên mất rằng khi các em mặc áo dài trắng đến trường là đã đánh dấu một cột mốc trưởng thành, đã phải biết học cách ăn nói, cư xử cho phải phép, phải học cách đi đứng sao cho duyên dáng, ăn nói dịu dàng và tự rèn luyện nhân cách để trở thành một phụ nữ toàn vẹn. Mặc áo dài cũng là một cách để mỗi bạn gái tự ý thức về hình ảnh, chuyện cân nặng của bản thân. Khi các em cảm nhận chuyện gài nút áo đang trở nên khó khăn thì đó là lúc mình phải ý thức chuyện tập thể dục, nhắc nhở bản thân sinh hoạt điều độ, giữ vóc dáng đẹp hơn. Đó là điều khác biệt mà không phải trang phục nào cũng cho các em thấy được việc gìn giữ hình ảnh của con gái là điều cần thiết.
Bên cạnh đó, những giá trị truyền thống thì luôn cần phải kế thừa và phát huy đúng đắn. Đặc biệt là hình ảnh áo dài trắng nữ sinh cần phải được chính các em chia sẻ và tôn trọng. Tôi thấy nữ sinh Việt Nam đẹp nhất là khi mặc áo dài và các em phải biết cách để lại cho các thế hệ sau giá trị hình ảnh đẹp”.
Chuyên viên trang điểm và định hình phong cách Lou Võ
“Nhiều gương mặt tiềm năng đã xuất hiện”
Chương trình Tìm kiếm Gương mặt Áo dài Nữ sinh Việt Nam 2014 là nơi để các em bày tỏ tình yêu với áo dài, nơi để học hỏi và trải nghiệm, rèn luyện bản lĩnh và trau dồi các kỹ năng để xứng đáng với hình ảnh của một nữ sinh Việt Nam. Vừa qua, tham gia chuỗi hoạt động sơ tuyển đầu tiên của chương trình Tìm kiếm Gương mặt Áo dài Nữ sinh Việt Nam 2014 với tư cách thành viên BGK, tôi thấy có nhiều gương mặt tiềm năng đã xuất hiện. Và tôi mong các em nữ sinh trên cả nước hãy thoải mái đến với chương trình để lan tỏa thông điệp tôn vinh tình yêu và nét đẹp của áo dài nữ sinh Việt.
Thạc sĩ Nông Vương Phi – Chuyên viên kỹ năng sống
“Nữ sinh ngày nay đã biết yêu mến và trân trọng tà áo dài trắng”
Từng đồng hành với rất nhiều cuộc thi nét đẹp học đường và đặc biệt là chương trình Tìm kiếm Gương mặt Áo dài Nữ sinh Việt Nam suốt hai năm liền 2012-2013, tôi cảm thấy tự hào khi nhiều em nữ sinh ngày nay đã biết yêu mến và trân trọng tà áo dài trắng. Khi một số ít những em nữ sinh bây giờ thích sự thoải mái, tươi trẻ với bộ trang phục học đường kiểu cách, thì phần đông các em ở độ tuổi mới lớn đều dành tình cảm với áo dài trắng. Tôi vẫn thường nghe các em tâm sự rằng thích áo dài vì nó gắn liền với hình ảnh học sinh, kỷ niệm cuối cấp… nhưng để nói về tình yêu áo dài trọn vẹn hơn là khi chúng ta biết cách sống đúng với hình ảnh đó.
Bây giờ, tôi thấy nhiều em nói yêu áo dài, nhưng cách ứng xử hơi vụng về. Khi cùng trải nghiệm với các em nữ sinh qua nhiều hoạt động ngoại khóa, nhưtraining kỹ năng sống, học cách ứng xử, ăn nói, học cách mặc đẹp với áo dài… tôi phát hiện rằng các em vẫn còn thiếu sót nhiều kỹ năng để trở thành một người thiếu nữ đẹp toàn diện từ tâm hồn đến tính cách khi khoác lên bộ trang phục áo dài trắng. Các em đã bỏ sót nhiều yếu tố từ việc làm sao mặc áo dài đẹp, duyên dáng, không gây phản cảm cho người đối diện. Hình ảnh của một nữ sinh sẽ đẹp hơn rất nhiều, khi cách ăn nói, đi đứng, hành động nhỏ nhặt trong việc ứng xử, giao tiếp… được các em chú ý kỹ hơn. Tất nhiên, những bài học này không ai khác mà chính là người mẹ, người chị, người thầy sẽ chỉ dạy cho mỗi em và sau này, khi lớn lên, các em sẽ phải truyền dạy lại cho thế hệ sau để nét đẹp của một thiếu nữ Việt Nam với tà áo dài trắng sẽ luôn nhân rộng, duy trì lâu dài.
[note color=”#bbb6a2″]Chương trình “Tìm kiếm Gương mặt Áo dài Nữ sinh Việt Nam – Miss Áo dài Nữ sinh Việt Nam 2014” với chủ đề “Tôi yêu Áo dài” bắt đầu khởi động từ tháng 4-2014 và dự kiến kết thúc vào tháng 7-2014, dành cho tất cả các bạn nữ sinh từ 16-22 tuổi tại các trường THPT, THCN, CĐ và ĐH trên toàn quốc.
Ngoài các hoạt động chính thức của chương trình, năm nay BTC chương trình đã mở rộng thêm các hoạt động để tất cả những ai có tình yêu đối với tà áo dài cùng tham dự và có thể chia sẻ những tình cảm yêu mến của bạn dành cho tà áo dài thông qua cuộc thi viết cảm nhận với chủ đề “Tôi yêu Áo dài”. Ba tác giả đoạt giải sẽ được mời đến tham dự và nhận giải thưởng trong đêm chung kết và trao giải “Miss Áo dài Nữ sinh Việt Nam 2014” vào tháng 7 sắp tới tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, chương trình năm nay còn phát động phong trào “Chia sẻ áo dài – Kết nối yêu thương” – một hoạt động ý nghĩa dành cho các bạn nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Các bạn nữ sinh trên cả nước có thể tham gia đóng góp bằng những bộ áo dài đã qua sử dụng, ban tổ chức chương trình sẽ tiếp nhận và làm cầu nối để tặng lại cho các bạn nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình Tìm kiếm Gương mặt Áo dài Nữ sinh Việt Nam 2014 với sự đồng hành của đơn vị tài trợ chính Nhãn hàng Lencii của thương hiệu thời trang Thái Tuấn cùng các đơn vị đồng tài trợ: Nhãn hàng máy tính Dell và Trường Việt Mỹ VASS.
[/note]Dương Vũ tổng hợp