Khi rời chính trường
Trung tuần tháng 7, nguyên thủ tướng Anh là Gordon Brown được cử làm đặc sứ giáo dục, trực thuộc ban thư ký Liên Hiệp Quốc, do ông Ban Ki-moon trực tiếp điều hành. Dẫu là công việc không lương, không thù lao gì, nhưng G. Brown vẫn phải từ bỏ ghế dân biểu nghị viện Anh, dành toàn bộ thời gian, sức lực cho công việc thiện nguyện.
Được giao việc trọng đại, G. Brown coi là một “đặc ân vô cùng lớn”. Công đảng viên Anh này cho rằng chức trách cao cả của mình là “lo cho trẻ em trên khắp thế giới được cắp sách tới trường. Học là khát vọng của con người”. Thời gian qua, G. Brown đã cùng các nhóm chuyên gia soạn thảo nhiều báo cáo về thực trạng giáo dục ở các nước nghèo.
Vai trò của G. Brown là tới năm 2015 phải gây được quỹ tài chính đào tạo chừng hai triệu giáo viên, mở lớp cho 61 triệu trẻ em các nước nghèo hoàn thành bậc tiểu học. Đó là mục tiêu hàng đầu trong Chương trình thiên niên kỷ phát triển thế giới (OMD) của Liên Hiệp Quốc. Đương nhiên “là điều không dễ dàng gì, nhưng mục tiêu nhất định đạt được, nếu chúng ta chung lòng, chung sức”, G. Brown đã nói vậy. Giữa tháng 9 năm nay mới chính thức nhận nhiệm vụ, nhưng ngay tháng 8 tới, G. Brown đã tháp tùng ông Ban Ki-moon kinh lý châu Á.
Đánh 200 roi
Theo nhật báo Al Madina, tòa án tỉnh Jeddah, Saudi Arabia, tuyên án một người Liban được mệnh danh là “Vua xăm hình trên người” (The king of tattoos), nhưng không nêu tên và họ, phải chịu án một năm tù giam và đánh 200 roi đuôi cá đuối, công khai trước công chúng.
Đội bảo vệ thuần phong mỹ tục chặn xe “Vua xăm hình” đang chở một nữ khách hàng. Tang vật là túi đồ nghề với nước gội đầu, thuốc giảm cân, phẩm nhuộm tóc, hóa chất làm trắng da, dụng cụ xoa bóp, nâng ngực, lông mi giả… Thoạt đầu, can phạm chỉ nhận là người lái xe thuê thuần túy. Khi túi đồ nghề bị khui ra, anh ta khai là chỉ làm tóc, chăm sóc sắc đẹp cho khách hàng là kiều dân Liban. Cuối cùng, anh ta cũng phải nhận tội, vì trong bộ nhớ điện thoại di động vẫn còn lưu những tin nhắn xăm hình tại gia, cùng những hình xăm để khách hàng lựa chọn, thỏa thuận giá cả, và cả một tập dày danh thiếp quảng cáo. Để tránh bị theo dõi và bị bắt, can phạm trực tiếp tới chở khách đi xăm, làm đẹp nhan sắc, rồi đích thân đưa về.
Mức án nặng là vì can phạm đã hành nghề vi phạm luật đạo đứcSaudi Arabiatừ chín năm nay.
Ở Saudi Arabia, vẫn phổ biến hình phạt đánh roi của đạo Hồi. Ngày 14-11-2011, một người Úc tên là Mansor Almaribe, 45 tuổi, bị tòa án thành phố Medina kêu án 500 roi về tội phỉ báng các bạn hữu của đấng tiên tri Mohammed. Bộ Ngoại giao Úc khẩn khoản xin khoan hồng cho công dân nước mình. Người con trưởng của M. Almaribe nói với tờ The Melbourne Age rằng cái lưng của người cha vô tội làm sao chịu nổi 50 roi, chứ đừng nói 500 roi.
Linh đình Ngày quốc gia hot dog
Đúng hai tuần sau lễ độc lập, người Mỹ linh đình ăn mừng Ngày quốc gia hot dog (18-7). Theo thống kê, mỗi năm người Mỹ tiêu thụ 20 tỉ cái, riêng ngày Độc lập 4-7, họ tiêu thụ 150 triệu cái hot dog. Ngày 4-7 năm nay, Joey Chestnut, 28 tuổi, nặng 95kg, lần thứ sáu vô địch liên bang, ăn 68 hot dog trong 10 phút, được thưởng 10 ngàn USD. Nữ vô địch là Sonya Thomas, 45 tuổi, 45kg, ăn 45 hot dog/10 phút.
Ngày quốc gia hot dog do Phòng Thương mại Hoa Kỳ xác định năm 1957. Năm 1994, thành lập Hội đồng quốc gia hot dog, chuyên lo chất lượng, hương vị và quảng bá hot dog.
Hot dog (chó nóng) là tên một loại xúc xích và cho đến nay người ta vẫn chưa rõ nguồn cơn sao lại gọi là hot dog. Thứ xúc xích này do người Đức di dân mang theo sang Mỹ, gọi là xúc xíchFrankfurt. Nhưng khi Mỹ tham gia Thế chiến II thì bắt đầu có tên gọi là hot dog.
Hội đồng quốc gia hot dog quy định bốn nguyên tắc vàng: Người chưa thành niên không được rưới xốt cà chua nấm ketchup lên hot dog, hot dog phải ăn bằng tay, ngón tay lỡ bị dây nước xốt thì phải mút sạch, và không được bày hot dog trên đồ sứ.
Lê Lành theo The Times, The Melbourne Age, The New York Times