Mùa nào mà chẳng có gió? Nhưng có những mùa gió đánh thức những ký ức, làm sống lại cả một thời trong vắt trong veo, khiến ta bỏ tất cả để chạy theo một cơn gió. Ấy là mùa thả diều.
Những ngày này, bốn giờ chiều mà Sài Gòn vẫn còn nóng như một chảo lửa. Nhưng nếu ra ngoại thành, bạn sẽ thấy vi vu gió trời, may mắn hơn, bạn sẽ lạc vào một bầy trẻ nhỏ, có thể lam lũ nhưng mặt mũi đứa nào cũng sáng rỡ chạy theo những cánh diều. Bạn có bắt gặp mình trong hình ảnh ấy? Nó làm tôi nhớ những mùa hè ở vùng Cái Sắn, miền Tây Nam bộ cách đây ba mươi năm.
Ngày ấy, cũng như bao đứa trẻ ham chơi khác, cứ mong chóng hết giờ học buổi chiều để về nhà quăng tập vở và lôi diều chạy ra đồng. Hồi ấy diều là phải tự làm từ những trang vở đôi hoặc những tờ báo cũ. Ba tôi nghiêm khắc trong nhiều việc nhưng riêng khoản thả diều thì rất chiều con. Có lẽ, ông cũng nhận thấy rằng đây là một thú vui ít tốn kém nhất mà chúng tôi dễ dàng có được ở thời buổi khó khăn ấy. Ông ra bờ ao chọn một cây trúc già, chặt rồi vót nan, vừa làm vừa giải thích. Nan diều phải là phần cật trúc, đủ độ cứng để tạo khung diều nhưng mảnh và dẻo để dễ uốn.
Khung diều tạo hình thoi, phết giấy và có hai cái đuôi dài thật dài, khi diều bay lên hai cái đuôi quấn quýt trong gió rất đẹp. Làm diều giấy, việc căn chỉnh các dây lèo rất quan trọng. Nó giúp cho diều cân bằng, đón được nhiều gió nhất và ít chao đảo khi gặp những cơn gió xoáy. Còn riêng việc thả diều cũng là một nghệ thuật đối với một đứa trẻ. Phải biết đoán hướng gió, cảm nhận sức mạnh của nó để có thể thả dây và giữ ở tầng gió ổn định nhất.
Đạt được điều ấy, diều đứng yên trên bầu trời như ngủ quên. Sau này, khi ra đời, trước những sóng gió và va vấp của cuộc sống, có những lúc yếu lòng, tôi luôn cầu xin bề trên ban cho mình có được sự bình yên và hay liên tưởng đến hình ảnh cánh diều ngủ quên ấy và tôi gọi đó là tầng bình yên của mình. Không biết có sự liên quan nào giữa trò chơi thả diều với lựa chọn thái độ sống không, nhưng tôi luôn cho rằng những “được”, “mất” trong đời mình đều do mình quyết định và mọi quyết định đều hướng đến cái tầng bình yên ấy.
Thời đó, không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng chơi diều. Người lớn ít chơi diều giấy mà là diều sáo, thường được làm từ khung tre cứng và nylon. Diều sáo tạo dáng như một chiếc thuyền cong, lớn hay nhỏ tùy theo sức người chơi. Có những cái diều dài từ hai đến ba mét, mang cả một dàn sáo bốn, năm ống. Mỗi lần thả diều phải có hai người đàn ông níu giữ. Sáo thường làm bằng ống tre, kích thước to nhỏ, dài ngắn của mỗi ống sáo sẽ quyết định âm thanh trầm bổng cao thấp của nó. Khi đủ gió, cả dàn sáo cất lên đủ các âm thanh trầm bổng.
Cái Sắn là vùng Tây Nam bộ song lại tập trung rất đông dân Bắc di cư. Nếu tôi nhớ không lầm thì chơi diều sáo và làm diều sáo đều do các ông lão ở thế hệ trưởng thành từ ngoài Bắc đưa vào. Có lần hai anh hàng xóm thả diều, mãi mà không bay lên được, diều cứ chao đảo ở tầm mười mét và muốn đâm bổ xuống ruộng. Từ đàng xa, ông Luy, một ông già móm mém thấy ngứa mắt gọi vọng sang mách nước: “Vừa giựt vừa thả dây, vừa giựt vừa thả dây!”.
Vậy mà diều bay lên. Vào mùa nông nhàn và đẹp trời, diều bay đầy đồng. Khi đó thường là vừa qua vụ gặt, cánh đồng chỉ còn rơm rạ, mọi người vác cuốc theo và mang diều ra đồng. Khi diều đã bay đến tầng ổn định thì cột dây diều vào một cọc tre, néo xuống ruộng để diều tự bay rồi đi vạt cỏ bờ. Vừa làm vừa nghe tiếng sáo diều cũng thú lắm. Riêng bọn trẻ con chúng tôi, cứ nằm ngửa trên rơm trên rạ để ngắm diều và tưởng tượng ra bao nhiêu câu chuyện.
Đứa nào phải chăn trâu thì nằm ngửa trên lưng trâu, mặc trâu muốn đưa đến đâu thì đi, bởi dẫu có rộng đến mấy thì vẫn là cánh đồng nhà… Đến khi nghe trời bớt tiếng sáo là biết đã chiều, bắt đầu dong trâu về chuồng. Hồi đó, những chiếc diều sáo lớn có giá trị rất lớn, nên thi thoảng bị đứt dây, chủ nhân phải lặn lội cả chục cây số để tìm về. Thường thì chỉ còn phần khung và các sáo diều, cánh diều đã rách bươm, phải làm lại.
Bây giờ về quê không thấy ai chơi diều sáo. Có lẽ, thế hệ biết làm diều sáo và khoét sáo diều không còn mấy người, và trẻ con ở quê cũng bị áp lực học hành nhiều hơn. Nhiều lúc anh em đồng hương đồng lứa chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau, nhắc kỷ niệm mà rưng rưng. Cứ bàn định làm một cái gì đó để lưu giữ lại những kỷ niệm xưa, song lại bị nhịp sống cuốn đi, rồi quên mất. Những đứa trẻ bây giờ, xét về điều kiện vật chất thì có vẻ tốt hơn, ăn uống đầy đủ hơn, học thêm học nếm nhiều hơn, nhưng chắc chắn sẽ không thể có được những trải nghiệm như chúng tôi ngày xưa. Biết rằng mỗi thời mỗi khác nhưng tôi vẫn cho rằng những mơ mộng thuở ấy đã chắp cánh cho chúng tôi bay cao và bay xa.
Ở Sài Gòn, thật khó kiếm những khoảng trống đủ để thả diều. Vài năm trước hay nghe nhắc nhiều về Đồng Diều trên đường Cao Lỗ bên quận 8. Nhưng cánh đồng diều ấy bây giờ cũng đã trở thành ký ức. Bởi ở đó, đã có một dự án chung cư với tám block nhà cao tầng đang hình thành. Muốn thấy diều, bạn phải đi xa hơn, phía Củ Chi. Mà may lắm mới gặp. Bởi vậy, mùa diều đã trở thành mùa gió nhớ…