Khi nhắc đến diện mạo của đô thị hiện nay, người ta hay nhắc đến quản lý quy hoạch, đến vai trò của các kiến trúc sư… nhưng thực tế, có một nhân tố rất quan trọng lại ít được đề cập, đó chính là các chủ đầu tư.
Đặc biệt là với những dự án nhà ở, việc chủ đầu tư muốn gì, chi phối hoặc quyết định đến đâu trong quá trình hình thành từng ngôi nhà của họ sẽ góp phần vào diện mạo tổng thể của một đô thị.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tân cũng chia sẻ quan điểm trên và cho rằng chủ đầu tư có vai trò rất lớn trong việc kiến tạo ra diện mạo của đô thị ngày nay, và một trong những dẫn chứng chính là dự án mà anh đã cùng chủ đầu tư vừa hoàn thành.
Chủ đầu tư là một cặp vợ chồng trẻ sinh năm 1992, làm việc trong lĩnh vực chụp ảnh cưới. Khi tìm đến nhóm thiết kế, họ đã có những hình dung nhất định về ngôi nhà trong tương lai.
Đó là một ngôi nhà có gian bếp rộng rãi để người vợ nấu ăn, con cái có thể quây quần nơi không gian sinh hoạt chung, có nhiều góc nhỏ trong nhà để bọn trẻ leo trèo nghịch ngợm, ông bà có thể thường xuyên đến chơi.
“Những miêu tả ấy gợi cho tôi nhớ về khung cảnh sinh hoạt trong một ngôi nhà ba gian truyền thống của miền Trung”, kiến trúc sư cho biết, và anh muốn đưa cái cảm giác ở trong ngôi nhà ba gian ấy vào căn nhà phố này.
Tất nhiên, bên cạnh đó, những nhu cầu cụ thể liên quan tới các hoạt động kinh doanh và lối sống đô thị cũng được đề cập.
Đôi bên cùng bàn bạc và thống nhất với nhau về các không gian chức năng: tầng 1, tầng 2 sẽ là khu làm việc và trưng bày áo cưới.
Tầng 3 sẽ dành trọn cho nhu cầu ở với ba gian chính, trong đó gian trước sẽ là nơi ở cho những đứa con trong tương lai, gian giữa là khu sinh hoạt kết hợp ăn uống và tiếp khách, gian sau cùng là không gian ngủ của hai vợ chồng.
Đặc biệt, mỗi không gian trước và sau đều có gác lửng để tăng diện tích sử dụng, đồng thời là những góc cho lũ trẻ leo trèo khám phá.
Điểm nổi bật trong cách phân chia chức năng ở và kinh doanh là cái cầu thang sắt lộ thiên, đây là vùng không gian chuyển tiếp giữa công việc và nghỉ ngơi.
“Bởi đây là một ngôi nhà phố có tích hợp các chức năng làm việc, kinh doanh và ở nên với khoảng đệm này, chúng tôi muốn gia chủ có cảm giác mình đã thật sự trở về nhà và quên đi những gì liên quan đến công việc” – kiến trúc sư cho biết.
Một mái ngói lớn từ tầng trên cùng vươn xa như một mái hiên, đủ để bao che toàn bộ sân vườn và cầu thang, nơi mà hằng ngày nhân viên làm việc tại tầng 1, tầng 2 có thể thư giãn.
- Xem thêm: Những không gian mở tươi xanh
Ngồi ở cầu thang dưới mái hiên, chủ nhà có thể thấy khung cảnh sinh hoạt của khu phố, đồng thời gợi nhớ về ngôi nhà tuổi thơ mà họ được sinh ra và lớn lên xưa kia.
Mọi thứ rõ ràng là vậy, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trong quá trình xây dựng ngôi nhà, cả cặp vợ chồng trẻ và người thiết kế phải đối diện với những áp lực nhất định.
Đó là những ý kiến trái chiều từ các bậc phụ huynh, xuất phát từ quan điểm về nhà ở khác nhau do khoảng cách thế hệ.
Đôi vợ chồng trẻ phải mất nhiều thời gian để thuyết phục và khẳng định: “Ngôi nhà này là mơ ước về cách sống của tụi con, xây dựng để cho tụi con ở”.
Cùng với việc thuyết phục, họ dốc sức đầu tư và vun vén cho tổ ấm của mình. Dù công trình chưa thực sự hoàn thiện, cặp vợ chồng trẻ đã nôn nóng dọn về nhà ở, hằng ngày họ gom nhặt những vật dụng về trang trí theo cách của họ…
Ngôi nhà nhanh chóng có dáng vẻ của một tổ ấm đúng nghĩa. Sự quyết liệt cần thiết nhưng đúng mực ấy đã được phụ huynh thấu hiểu. Họ hàng thân thích và ba mẹ gia chủ thường xuyên đến thăm, thích thú vì ngôi nhà hiện đại mà vẫn thân quen gần gũi.
Từ công việc vừa hoàn thành, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tân đúc kết: “Từ dự án này và một số dự án đang thực hiện, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi tích cực về tư duy nhà ở của các chủ đầu tư trẻ ở thế hệ 8X, 9X.
Họ rất hiện đại nhưng vẫn có tinh thần trân trọng những giá trị truyền thống. Và đây chính là cơ sở để chúng tôi tin rằng cùng với nỗ lực chuyên môn của những người làm nghề thì diện mạo đô thị cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn nhờ một thế hệ chủ đầu tư mới.