Từ ngày dọn đến sống ở Toulouse, chúng tôi bỗng siêng đi xe đạp. Chẳng là chỗ cả nhà đang ở gần kênh đào Canal du Midi, một công trình lịch sử – thắng cảnh xinh đẹp bậc nhất ở miền Nam nước Pháp. Đạp xe dọc theo kênh hay lên thuyền xuôi theo dòng nước là sản phẩm du lịch nổi tiếng ở vùng này. Canal du Midi được công nhận di sản văn hóa thế giới với ba trăm hai mươi tám công trình cầu, cống lớn nhỏ cùng với bốn mươi lăm ngàn cây xanh hai bên bờ.
Chuỗi ngọc xanh ôm ấp những thành phố cổ
Canal du Midi bắt nguồn từ Toulouse, trải dài 240km, băng qua nhiều thành phố và kết thúc ở trị trấn biển Agde. Dù ở Toulouse ngày nào chúng tôi cũng đi ngang qua kênh nhưng phải đến một cuối tuần đi thăm thành cổ Carcassonne thì cả bọn mới chiêm ngưỡng được phần nào vẻ đẹp vĩ đại và thơ mộng của công trình. Buổi sáng đầu thu, Canal du Midi nhìn thật trong trẻo và thanh bình. Hàng cây cao vút bên kênh đã chớm chuyển màu nên mảng vàng, mảng xanh xen kẽ. Chỉ vài tháng trước, phía sau hàng cây còn là những cánh đồng hướng dương vàng rực. Sát mặt đất, những trảng hoa dại đủ màu sắc nở tràn trề. Từ Carcassonne, mọi người đạp chừng chục cây số thì đến Trèbes. Thị trấn nhỏ xinh này chào đón du khách bằng một cây cầu đầy hoa rất duyên dáng. Du khách mua tour xe đạp thường nghỉ chân, cà phê ăn sáng tại đây bởi Trèbes hội đủ vẻ đẹp lãng mạn của một thị trấn đồng quê miền Nam nước Pháp. Trèbes cũng là một “cảng” mà tàu thuyền trên kênh ngày xưa thường hay dừng lại nghỉ ngơi.
Canal du Midi bắt đầu được xây dựng từ năm 1667 với sự tham gia của 12 ngàn công nhân – kỹ sư trong suốt mười hai năm ròng rã. Dòng kênh được đào để tạo thành một tuyến đường thủy xuyên qua nước Pháp nối từ biển Đại Tây Dương xuống Địa Trung Hải. Nhờ công trình này các tàu bè không còn phải đi vòng qua vùng biển Tây Ban Nha nữa.
Trước khi đào kênh, người Pháp đã phải xây dựng một con đập lớn nhất châu Âu thời bấy giờ trên sông Laudot nhằm cung cấp nước cho công trình.
Ăn sáng xong, chúng tôi bắt đầu đi xem các âu tàu. Canal du Midi có độ dốc rất lớn. Để thay đổi hoặc cản độ dốc của dòng chảy, các nhà thiết kế kênh ngày trước đã có sáng kiến xây 103 cái âu tàu. Mỗi âu được đóng và mở bởi hai cánh cửa sắt lớn, nặng nhưng thiết kế dễ vận hành. Cách để hạ độ cao là tàu sẽ chui vào cái âu này, mở cửa xả nước để đi xuống. Khi đi lên thì sẽ làm ngược lại: tàu chui vô âu, đóng cửa xả lại, mở cửa kia để nước trên cao tràn vào và dâng tàu lên. Song song với các thao tác “đóng mở” đó, phải có ít nhất hai người lên bờ cột dây thừng vào những trụ neo trên hai bờ kênh để giữ tàu khỏi bị tuột hay bị va đập vào cửa sắt. Đây quả là một hoạt động lý thú và không đơn giản. Các con thuyền đi qua kênh thời kỳ đầu được điều khiển bằng tay, sau đó được ngựa kéo trên bờ rồi đến các động cơ hơi nước. Lưu thông đường thủy trên Canal du Midi chỉ bắt đầu giảm sút khi đường sắt ngày càng phổ biến. Hoạt động thương mại trên kênh đào chấm dứt vào năm 1980, nhường chỗ cho hoạt động du lịch.
Không chỉ là biểu tượng thời đại về quy mô và kỹ thuật, Canal du Midi khi hoàn thành còn trở thành một trong những cảnh quan đẹp nhất nước Pháp. Dọc hai bên dòng nước trong xanh là hàng cây platane nên thơ cùng với con đường mòn nhỏ uốn lượn. Trên bờ hoa đồng cỏ nội thi nhau khoe sắc, dưới nước vịt trời cùng tàu thuyền thong thả trôi. Canal du Midi có những đoạn bên dưới dòng kênh là một dòng suối, rất độc đáo. Nhìn xa cứ tưởng có cây cầu lớn bắc qua suối nhỏ, đạp xe tới gần mới thấy lòng cầu là dòng nước trong veo. Trên kênh mùa xuân, mùa hè, mùa thu thường có những chiếc tàu du lịch được thiết kế rất xinh xắn. Thường thì du khách thuê tàu khoảng bảy ngày để đi dọc theo kênh, gặp thị trấn nào đó thì ghé vào mua đồ ăn, tối dừng lại ven bờ và ngủ.
Carcassonne, thành cổ trong pháo đài
Dọc theo Canal du Midi có nhiều thành phố, thị trấn cổ rất đẹp. Vì tin tưởng vào danh hiệu di sản thế giới, chúng tôi chọn Carcassonne để khám phá. Các thành phố có pháo đài trên thế giới thì nhiều vô kể nhưng thật hiếm thành phố nào lại nằm gọn trong một pháo đài như Carcassonne. Có lẽ vì vậy mà mỗi năm thành phố này thu hút đến 3 triệu lượt du khách. Cách Toulouse khoảng 90km, xưa kia, Carcassonne nằm trên trục đường giao thông chính giữa các quốc gia cổ đại của Pháp và Tây Ban Nha. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh thời đế chế La Mã và thời Trung cổ, thành phố trở thành vị trí hiểm yếu trên đường giao thông huyết mạch.
Thành Carcassonne được xây vào thế kỷ thứ XIII. Đây là một tòa thành nằm trên đồi cao và trải dài suốt 2,6km. Hai lớp tường thành đều được xây bằng đá hộc màu xám, bờ thành cao và dựng đứng. Bức tường mặt trên cùng của thành được xẻ dọc, tạo thành những ô vuông, tiện cho phòng ngự bằng cung nỏ. Không những kiên cố, thành Carcassonne còn mang một vẻ đẹp kiến trúc Tân Gô tích điển hình. Bên cạnh hệ thống tường thành còn có hệ thống tháp canh là 53 khối hình trụ dài chóp nhọn, in hình trên bầu trời như những ngọn bút chì khổng lồ. Ngày trước bên trong mỗi tháp canh là một kho lương thực khổng lồ, có thể chứa đến 1.000 con lợn ướp muối, nuôi được 100 con bò. Với một pháo đài như vậy, thật không dễ dàng gì mà dùng sức mạnh của gươm giáo, cung tên, ngựa chiến để tấn công. Vì vậy mà Carcassonne từng được mệnh danh là bất khả chiến bại. Ngoài tính chất một pháo đài phòng thủ, thành Carcassonne còn có một thành phố nhỏ bên trong với nhiều con phố hẹp lát đá, những giếng nước công cộng có thành đá cao, quảng trường, nhà cổ lợp ngói…
Tuy đã vượt qua hai lớp tường thành, nhưng nếu muốn tiếp tục vào được cung điện thì người xưa phải vượt tiếp qua cây cầu đá (bên dưới cầu ngày xưa là hào nước). Cầu đá Vieux Pont, đường dẫn vào cổng chính của pháo đài giờ dẫn du khách đến Rue Trivalle, một nẻo đường nhỏ với nhiều ngôi nhà cổ. Một khi đã vào trong nội thành rồi, du khách sẽ bị lạc vào mê cung những nẻo đường nhỏ lát gạch và hòa mình vào lịch sử. Toàn bộ các ngôi nhà, tường thành, từng ô cửa sổ, từng con đường lát đá… đều còn nguyên như thời Trung cổ mới vừa hôm qua. Từ thành phố pháo đài khép kín này, đi hết chiếc cầu đá Marengo bắc ngang sông Aude sẽ đến thành phố ngói đỏ mang tên Basse nằm phía bên kia sông Aude. Đây là trung tâm kinh tế một vùng, nổi tiếng bởi công nghệ dệt len, sản xuất giày và rượu vang. Nơi đây có nhiều nhà thờ được xây từ thế kỷ XIII rất cổ kính.
Gần cuối ngày, chúng tôi vào một taverne – tên gọi quán rượu bằng gỗ theo phong cách xưa, nơi những người lính thập tự chinh thường nghỉ chân và giải trí sau mỗi trận đánh. Quán hơi u trầm, thô mộc nhưng bán đồ ăn đặc sản Carcassonne rất ngon. Trời chiều trở lạnh, ngồi kế lò sưởi ăn ức vịt rưới nước xốt lavender, nhấp chút rượu vang, bao nhiêu sức lực tiêu tan sau những giờ đạp xe đã nhanh chóng trở lại.