Để hiều và dự đoán tương lai, đôi khi chúng ta phải nhìn về quá khứ. Trong lịch sử, hầu hết các đại dịch đều kéo dài từ 2 đến 3 năm. Liệu đại dịch Covid-19 cũng sẽ kéo dài trong ngần ấy thời gian? Sau đây là các yếu tố được các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đưa ra nhằm trả lời câu hỏi trên.
Cúm Tây Ban Nha: 1918-1921. Cúm Châu Á: 1956-1958. Cúm Hồng Kông: 1968-1970… Trước đây, các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh, hoặc gần như toàn bộ, kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Một ngoại lệ duy nhất: cúm A (H1N1) chỉ hoành hành trong thời gian 1 năm 4 tháng, từ tháng 4.2009 đến tháng 8.2010.
Vậy chúng ta có nên chuẩn bị cho một đợt dịch kéo dài với Covid-19? Chúng ta sẽ phải đeo khẩu trang trong 2 đến 3 năm? Và tại sao không được lơ là ngay cả trong mùa hè nóng ấm? Hai chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã đưa ra quan điểm của mình.
Điều gì đã thay đổi từ sau dịch cúm Tây Ban Nha?
Daniel Camus, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Viện Pasteur Lille (Pháp), cho biết: “Nhiễm trùng đường hô hấp thường diễn ra vào mùa đông. Vì vậy, chúng ta thường thấy chúng xuất hiện trở lại vào mùa đông. Ví dụ như bệnh cúm kéo dài từ 10 đến 12 tuần. Ngược lại, các đại dịch do một loại virus hoàn toàn mới gây ra, như vào các năm 1918, 1968 hay 2009, xuất hiện ngoài mùa đông. Đó là lý do tại sao nó tạo ra hiện tượng làn sóng nhiễm bệnh lần thứ 2 vào mùa đông năm sau”.
Một kịch bản có thể xảy ra, nhưng không chắc chắn. “Virus đã biết cách làm chúng ta bất ngờ mỗi lần xuất hiện. Chưa bao giờ có hai đại dịch cùng diễn ra chính xác theo cùng một mô hình hay kiểu mẫu”, giáo sư Daniel Camus cảnh báo.
Một tham số khác cần tính đến: mật độ dân số toàn cầu, ước tính khoảng 8 tỷ người, cao hơn nhiều so với các trận đại dịch trước đó. Năm 1960, vào giai đoạn cuối của đại dịch cúm A (H2N2), dân số toàn cầu chỉ vào khoảng 3 tỷ người.
Pierre Tattevin, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và hồi sức tại Đại học Y khoa Pontchaillou de Rennes của Pháp, kết luận: “Ngày nay, virus thậm chí còn có nhiều khả năng lây lan nhiều hơn… Ở nhiều thành phố lớn, khoảng cách giữa người này và người kia không xa quá 1 mét”.
Những lý do để hy vọng
Tuy nhiên, có nhiều lý do để hy vọng rằng đại dịch Coronavirus lần này khác với các đại dịch trước đó: nó sẽ ngắn hơn và được quản lý tốt hơn. Đặc biệt vào các năm 1918 và 1958, việc vận chuyển và mua bán giữa các nước ít nhộn nhịp hơn nhiều so với ngày nay. Pierre Tattevin cho biết thêm: “Vào những thời kỳ trước, chúng ta có thể thấy một phần của hành tinh bị dịch bệnh trong thời gian đầu và phần khác bị lây nhiễm trễ hơn”.
Kết quả: một trận đại dịch kéo dài theo thời gian giống như trường hợp cúm Tây Ban Nha, với ca dương tính đầu tiên được chính thức ghi nhận vào ngày 4 tháng 3 năm 1918 tại trại lính Funston, bang Kansas của Hoa Kỳ và một trường hợp cuối cùng được báo cáo vào tháng 7 năm 1921 tại New-Calédonie.
Từ nay trở đi, giống như hình ảnh trận đại dịch năm 2009, các dịch bệnh lây lan gần như ngay tức khắc trên phạm vi toàn cầu vì tốc độ giao thương quốc tế hiện nay là rất nhanh, và việc lây lan virus cũng vậy.
Sự lưu thông ngắn hơn với mật độ dày đặc hơn. Tuy nhiên, để khắc phục điều này, chúng ta có thể dựa vào sự chăm sóc và các phương tiện xét nghiệm tốt hơn nhiều. Giáo sư Pierre Tattevin tỏ ra lạc quan: “Ngay cả khi các phương tiện hiện có không hoàn hảo, chúng ta vẫn có lợi thế. Với các xét nghiệm, chúng ta có thể nhanh chóng xác định bệnh nhân bị lây nhiễm”.
Theo ngành y tế, hiện nay nước Pháp có thể thực hiện 700.000 ca xét nghiệm mỗi tuần trên toàn lãnh thổ.
Xác suất 100% bệnh cúm và Covid-19 diễn ra cùng lúc
Để hiểu điều gì có thể chờ đợi người dân Pháp vào năm 2021, cần nhìn về Nam Bán cầu, nơi hiện đang là mùa đông. “Chúng ta có thể thấy virus cúm đang song hành với Covid-19, nhưng số lượng cúm ít hơn bình thường. Có lẽ là nhờ mọi người mang khẩu trang”, Daniel Camus nhận xét.
Một kịch bản mà Pháp sẽ trải qua trong mùa đông sắp tới. “Đó là điều sẽ diễn ra”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết. Điều không chắc chắn duy nhất là cường độ của hiện tượng. “Virus lưu hành dữ dội đến mức khó có thể tưởng tượng, ngoại trừ có một phép màu làm cho virus biến mất từ nay đến mùa thu hay mùa đông tới”, ông dự đoán.
“Chúng ta không thể tưởng tượng rằng trong 4 tháng nữa, sẽ không còn virus. Tôi không biết bằng cách nào chúng ta có thể làm cho virus này biến mất vào tháng 12. Vì vậy, chắc chắn bệnh cúm và Covid-19 sẽ diễn ra cùng lúc”, giáo sư Pierre Tattevin cho biết thêm.
Tại sao virus lây lan nhiều hơn trong mùa hè này?
Tuy nhiên, Covid-19 đã lưu hành tích cực và thậm chí ngày càng tăng trong 3-4 tuần lễ vừa qua, tức ngay trong mùa hè. Liệu có phải đây chỉ đơn giản là số liệu thống kê tỷ lệ thuận với số lượng xét nghiệm gia tăng? Giáo sư Pierre Tattevin không đồng tình với ý kiến này: “Đây không phải là lời giải thích duy nhất. Tại nhiều vùng của nước Pháp, số lượng ca xét nghiệm là không đổi, nhưng số lượng dương tính vẫn tiếp tục tăng”.
- Xem thêm: Khẩu trang là ‘virus’ với Trái đất
Thay vào đó, chúng ta nên xác định sự gia tăng này xuất phát từ sự buông lỏng của người dân, những người đã phần nào hạ thấp sự cảnh giác sau giai đoạn suy giảm khả năng lây truyền của virus, và sự di chuyển tích cực của người dân trong kỳ nghỉ hè tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Nguy cơ quá tải của hệ thống y tế
Chúng ta có nên lo lắng về khả năng song hành của bệnh cúm và Covid-19 trong mùa đông này không? “Đúng vậy vì hệ thống y tế, và tôi không chỉ đề cập đến các bệnh viện, sẽ cực kỳ căng thẳng. Các bác sĩ đa khoa sẽ phải hàng ngày đối mặt với các ca nhiễm Covid-19 và cúm mà họ sẽ phải phân biệt vì hai bệnh này không được điều trị theo cùng một cách. Do đó, họ sẽ phải kiểm tra trong phòng thí nghiệm, và điều này sẽ làm phát sinh hàng triệu yêu cầu”, Daniel Camus dự báo.
Đồng nghiệp của ông ở Rennes xác nhận: “Chúng tôi sẽ phải duy trì các nổ lực chống lại Covid-19, ngay cả khi dịch cúm mùa đông hoành hành”.
Một thách thức cần phải vượt qua trong mùa đông này, nhưng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trấn an: “Nếu chúng ta thành công trong việc làm giảm số ca nhiễm Covid-19 như chúng ta đã từng làm, thì điều này không phải là không vượt qua được”.
Cuộc chiến chống Covid-19 là ngay bây giờ
Để tránh sự quá tải của hệ thống chăm sóc sức khỏe, cuộc chiến chống lại Covid-19 phải diển ra ngay từ bây giờ. “Đây là lý do tại sao phải là ngay từ bây giờ, giữa mùa hè, khi các thông điệp về mang khẩu trang, giãn cách xã hội và các quy định về vệ sinh được lặp đi lặp lại suốt ngày. Điều này là để giảm lượng virus lưu hành trong mùa thu sắp tới”.
Vì vậy, vấn đề không phải chỉ là ngày hôm nay, thời điểm mà nhiều ca nhiễm được phát hiện, trong đó nhiều trường hợp không có triệu chứng, nhưng mà là cho tương lai.
Pierre Tattevin lo ngại một cách thận trọng: “Số ca nhiễm không được tiếp tục tăng cho đến khi dịch cúm xuất hiện vì điều này thực sự có thể làm phức tạp thêm tình hình. Cần lưu ý rằng 95% ca nhiễm là ở thể nhẹ và có thể tự chữa lành. Virus làm dâng lên sự lo ngại về số lượng, nhưng về mặt cá nhân, thường kết thúc tốt đẹp”.
Vì vậy, ngay cả khi các khoa cấp cứu và chăm sóc đặc biệt không bị quá tải vào thời điểm hiện tại, bất chấp số lượng ca lây nhiễm và sự lưu hành tích cực của virus, Daniel Camus, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Pasteur Lille, cảnh báo: “Không được để số lượng virus tăng lên. Tuyệt đối không để cho virus có cơ hội đó”.