Với gã, dường như Ðà Lạt chỉ có hai mùa – Xuân và Ðông. Ðông về lãng đãng với sương mù trên đồi cuối dốc và những cánh rừng thông vi vu. Mùa Xuân với mây trắng bồng bềnh và muôn hoa khoe sắc.
Chỉ vì quá yêu sương mù và con dốc nhỏ, khung cửa sổ với dàn hoa dại tím biếc mà gã tìm đến thành phố này để trốn chạy những mùa hè cháy bỏng… Gã yêu hoa Ðà Lạt. Gã luôn ví Ðà Lạt như một vườn hoa khổng lồ với cơ man nào hoa dại leo trên vách đá, bên vệ đường, trên vỏ xù xì của những cây thông già cỗi. Chưa kể dã quỳ vàng cứ miên man hoang dại mỗi khi Ðông về.
Hình như đó là một chiều cuối Ðông, khi những sợi nắng như tơ còn vương vấn rớt nhẹ trên những thảm cỏ, nhìn qua hàng rào của ngôi nhà trên triền dốc, gã thấy một cô gái mỏng manh như sương khói Ðà Lạt. Ðôi mắt cô thật buồn. Lúc đó, gã đứng trước một bụi hoa, khóm hoa vàng nở rộ. Loại hoa ấy tên gì gã cũng chưa biết…
Qua người hàng xóm chỉ cách một hàng rào nhỏ, gã biết tên loài hoa ấy là mimosa. Một loài hoa được du nhập từ châu Âu hồi những năm đầu của thế kỷ trước. Chẳng kiêu sa như hoa hồng, không mỏng manh như thủy cúc, cũng chẳng rực rỡ như cẩm chướng, nhưng mimosa lại thật lãng mạn. Cành lá nhỏ li ti xanh ánh bạc quanh năm, khi ra hoa thành những chùm vàng rực. Những khóm mimosa cứ lấp lánh, khoe sắc với các loài hoa miền đất lạnh… Nhưng có một điều lạ, là chẳng ai cắm mimosa vào bình. Màu xanh bạc lấp lánh như sương phủ của lá, màu vàng rực của hoa cứ hoang dã có lẽ chỉ hợp để khoe nhan sắc của mình với trời đất, với cỏ cây. Từ mimosa, gã biết tới một nghệ thuật cắm hoa lạ lùng là nghệ thuật Negeire.
Ðó là một nghệ thuật hết sức tinh tế của thú thưởng thức hoa do người Nhật sáng tạo ra. Giống như trà đạo, Negeire cũng có những quy tắc riêng. Mục đích của Negeire là giúp cho con người sống hòa hợp với thiên nhiên, với hoa lá và cây cỏ xung quanh mình nhưng phải giữ cho trạng thái của hoa như vốn có trong tự nhiên. Dùng cành, cây, hoa và lá để diễn đạt thiên nhiên theo ý muốn và cảm xúc của con người, nhưng phải dung hợp đủ ba yếu tố Thiên, Ðịa, Nhân… và quan trọng là phải thể hiện được trạng thái xúc cảm của con người như u buồn, đau khổ, bất an, nhớ nhung, hạnh phúc hay vui vẻ với thiên nhiên quanh mình. Negeire được bắt nguồn từ thế kỷ XVI… Vào một chiều đông giá buốt, một viên tướng người Nhật tên là Hydoyoshi sau khi trải qua trận đánh quyết tử với kẻ thù đã cảm thấy mệt mỏi. Ông muốn tổ chức một buổi trà đạo và phái thuộc hạ đi tìm hoa. Lúc đó tuyết phủ trắng xóa, chẳng thấy loài hoa nào khoe sắc đưa hương, vì vậy thuộc hạ của ông đành kiếm vài cánh hoa dại và mấy cành cây khô héo. Hydoyoshi cắm hoa dại vào một bát tuyết đã đông cứng cùng mấy cành cây khô, thêm cả một lưỡi gươm và kết quả thu được một tác phẩm tuyệt diệu. Nó diễn tả đúng tâm trạng của ông trong lúc ấy và thể hiện được cả khung cảnh bi thương của chiến tranh trong một mùa đông nghiệt ngã. Ngắm nhìn cảnh ấy, Hydoyoshi đã rơi lệ…
Ðó cũng là điều lý giải vì sao cô gái mỏng manh lại yêu hoa mimosa đến thế. Cô đã chọn mimosa để nói lên sự cảm nhận Negeire của riêng mình. Cô muốn loài hoa mạnh mẽ này cứ đứng giữa đất trời để giúp cô nói với thiên nhiên quanh mình về nghệ thuật Negeire, về tâm trạng chứa chan hy vọng của cô. Ðó là loài hoa luôn rực rỡ vào mùa Ðông, luôn căng đầy sức sống. Còn cô, ngắm hoa để hy vọng vào những điều tốt đẹp, ngay cả khi tuyệt vọng… Vì thế, mỗi chiều hoàng hôn tím thẫm, cô lại đứng trước hiên nhà ngắm nhìn mimosa để gửi gắm những tâm sự của mình… Cô muốn mỗi khi Ðông về, loài hoa mạnh mẽ này lại bừng sức sống với trời đất cho đến tận lúc Xuân sang. Cô không bao giờ hái, mà cứ để hoa khoe sắc với thiên nhiên mỗi lúc Ðông về. Ðó cũng chính là Negeire mà cô một mình cảm nhận.
Và thật bất ngờ, cô gái cũng biến đi lặng lẽ như sương mù Ðà Lạt, chỉ xuất hiện vào những chiều Ðông lạnh và tan biến vào mỗi ban mai, nhẹ nhàng như sương khói…