Sau 50 năm hoạt động nghệ thuật với tiếng vang của Đoàn kịch nói Kim Cương, NSND Kim Cương và NXB Văn Hóa – Văn Nghệ đã cho ra mắt tập sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương để tạ ơn đời và tri ân người mẹ của nữ nghệ sĩ – Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam.
Với gần 100 vở đã được viết và dựng trên sân khấu, kịch nói Kim Cương hàng chục năm qua là dòng kịch tiêu biểu cho văn hóa, cho đời sống của người dân Nam bộ như nhận xét của GS Hoàng Như Mai. Còn với nhà văn Vũ Hạnh thì: “Trong nhiều năm dài các vở kịch nói như Lá Sầu Riêng, Dưới Hai Màu Áo, Huyền Thoại Mẹ… đã đem lại cho khán giả không chỉ hương vị đậm đà của những sinh hoạt văn hóa mang đầy màu sắc phương Nam mà còn truyền tiếp cho họ một niềm tin yêu cuộc sống…”. Những vở kịch có thể đi sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ như thế là nhờ một tài năng nghệ thuật đã được đúc kết, cô đọng nhiều đời và sự nỗ lực tìm tòi, tiếp thu tinh hoa từ những nền văn hóa lớn. Vừa là tác giả, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, kiêm cả vai trò quản lý, nghệ sĩ Kim Cương đã biến sân khấu thực sự trở thành một “Thánh đường” như Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam đã tâm niệm.
“Sân khấu chính là cuộc đời và ta đều là diễn viên. Cho nên, thiếu gì mộ mà ai cũng phải đào. Trong ta là cả một nghĩa địa chôn cất bao nhiêu kỷ niệm, ngậm ngùi, cay đắng, uất ức, giận hờn, phẫn nộ. Ta quên vì nước mắt đã lau khô. Nhưng chỉ cần một giọt nước mắt của Kim Cương là cả nghĩa địa sống dậy, chén ngọc vỡ toang, nước mắt nghẹn ngào. Hỷ, nộ, ái, ố trào ra với Kim Cương trên sân khấu: ố trước định kiến, ái trước tình yêu, nộ trước bất công, và hỷ để lại lau khô nước mắt… Trên sân khấu, chị khóc với khổ. Ở ngoài đời, với khổ chị cười. Ở đâu có khóc, ở đấy có Kim Cương. Đó là Kim Cương của sân khấu. Kim Cương khóc với nhân vật. Mà đó cũng là Kim Cương ở ngoài đời, bởi vì ở ngoài đời Kim Cương cũng tìm khóc mà đến, nhưng đến để làm vơi nước mắt, để mang lại nụ cười. Người ta nói: sân khấu cũng là cuộc đời. Chị biết rõ hơn ai hết: cuộc đời cũng là sân khấu. Đối với tôi, chị “kỳ nữ” là ở chỗ đó…”. Đây là những lời từ tận đáy lòng mà GS Cao Huy Thuần đã dành cho Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương. Giáo sư Trần Văn Khê cũng nói về chị một cách hết sức trân trọng: “ Ở tuổi trên cửu tuần của tôi hiện tại tôi càng thấm thía một điều, đó là tất cả rồi sẽ qua đi nhưng những giá trị khai phá, tạo dựng thì sẽ còn mãi và đương nhiên, Kim Cương sẽ đi vào văn học sử cũng như sẽ vĩnh viễn là một dòng chảy trong lịch sử sân khấu Việt Nam”.
Mẹ trên sân khấu Kim Cương in lại ba kịch bản tâm đắc nhất của nữ nghệ sĩ về đề tài người mẹ: Lá Sầu Riêng, Bông Hồng Cài Áo và Huyền Thoại Mẹ cùng nhiều bức ảnh chưa từng được công bố. Sách khổ 24×24, in mỹ thuật. Sách chỉ được bán trong ba đêm diễn Tạ ơn đời (ngày 6, 7, 8 tháng Tám) của nghệ sĩ Kim Cương tại Nhà hát Thành Phố Hồ Chí Minh và tại NXB Văn Hóa – Văn Nghệ với giá 200 ngàn đồng, giá đặc biệt để tạo điều kiện giúp khán giả dễ mua và trực tiếp đọc được những kịch bản nổi tiếng mà mình từng xem trên sân khấu Kim Cương.